Việc theo dõi lượng khí thải carbon trong quá trình tiêu thụ thực phẩm nói trên được coi như một phần của sáng kiến sâu rộng nhằm giảm 1/3 lượng khí thải carbon từ thực phẩm của thành phố New York trong năm nay. Đây là thông tin do Thị trưởng thành phố New York Eric Adams đưa ra.
Thị trưởng Adams nói với các phóng viên rằng khoảng 1/5 lượng khí thải nhà kính của New York đến từ việc tiêu thụ thực phẩm của các hộ gia đình, đồng thời cho rằng phần lớn khí thải nhà kính từ thực phẩm là do thịt và sữa. Tiêu thụ thực phẩm của các hộ gia đình được cho là yếu tố đóng góp lớn thứ ba vào tổng lượng khí thải của thành phố, chỉ sau các tòa nhà và phương tiện giao thông.
Văn phòng Chính sách Lương thực New York đã ra lệnh cho các cơ quan thành phố giảm mức tiêu thụ thực phẩm xuống 33% vào năm 2030. Và Thị trưởng Adams đã yêu cầu các tập đoàn tư nhân cắt giảm 25% lượng khí thải của chính họ vào năm 2030, nhấn mạnh rằng thói quen ăn uống lãng phí của người dân New York không thể tiếp tục mà không gây nguy hiểm cho môi trường.
Ông Adams nói: "Thật dễ dàng để nói về lượng khí thải phát ra từ các phương tiện giao thông và nó dẫn tới lượng khí thải carbon của (thành phố) chúng ta như thế nào. Nhưng bây giờ chúng ta phải nói về thịt bò". Các quan chức thành phố kêu gọi người dân New York bỏ bánh mì kẹp thịt và tăng cường sử dụng các loại rau và đậu.
"Chế độ ăn dựa trên thực vật tốt hơn cho sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn, tôi là nhân chứng sống cho điều đó, và chúng tôi phát hiện ra rằng chế độ ăn này tốt hơn cho hành tinh".
Công cụ theo dõi lượng khí thải carbon qua tiêu thụ thực phẩm của các hộ gia đình sẽ có thể xem được trên cùng một trang web khi phân tích tổng lượng khí nhà kính hàng năm của thành phố, bao gồm dữ liệu về sản xuất hàng tiêu dùng và sử dụng các dịch vụ chuyên nghiệp.
Năm 2022, ông Adams đã ký hợp đồng với thành phố New York tham gia chương trình C40 Good Food City, một cam kết toàn cầu nhằm giảm lãng phí thực phẩm và khuyến khích thói quen ăn uống lành mạnh hơn. Chương trình nhằm mục đích thực thi việc tuân thủ các mục tiêu khí hậu của Liên hợp quốc bằng cách thúc đẩy người dân hướng tới các bữa ăn bổ dưỡng hơn, đồng thời mọi cư dân phải có "chế độ ăn uống vì sức khỏe hành tinh".
Adams thừa nhận rằng việc triển khai chương trình trên tại New York sẽ không dễ dàng: "Tôi không biết liệu mọi người có thực sự sẵn sàng cho việc này hay không".
Khi người tiền nhiệm của ông, Michael Bloomberg cố gắng thực thi chế độ ăn uống lành mạnh vào năm 2012 với lệnh cấm mạnh tay đối với đồ uống có đường cỡ siêu lớn, Tòa án Tối cao bang đã bác bỏ, cho rằng việc làm này là tùy tiện và bất thường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!