Dự luật này mới đây đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin đệ trình Duma Quốc gia. Thứ trưởng Ngoại giao Nga đã được bổ nhiệm làm đại diện giám sát các thủ tục tại Quốc hội, liên quan đến quá trình bãi bỏ CFE.
Hiệp ước về Lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) được ký kết tại Paris vào năm 1990 bởi đại diện của 16 quốc gia thành viên NATO và 6 thành viên của Tổ chức Hiệp ước Vacsava và có tính đến sự cân bằng vũ khí thông thường giữa hai khối. Năm 1999, một phiên bản cập nhật của hiệp ước đã được ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hiệp ước đã tạo ra một hệ thống hạn chế số lượng vũ khí thông thường - xe tăng, xe chiến đấu bọc thép, pháo, máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công.
Năm 2007, Nga tuyên bố đình chỉ một phần CFE, với lý do các thành viên NATO mới không đưa lực lượng quân sự của họ vào các giới hạn theo hiệp ước. Tháng 2 năm nay, Nga cũng đã đình chỉ việc tham gia Hiệp ước New START, thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân song phương cuối cùng với Mỹ. Trong Thông điệp liên bang Tổng thống Nga Putin tuyên bố, Moscow không vi phạm thỏa thuận và sẵn sàng quay trở lại với điều kiện là tiềm năng hạt nhân của Pháp và Anh, các thành viên của NATO được tính đến.
Phía Nga tuyên bố việc từ bỏ Hiệp ước về Lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE), nhưng sẽ không loại bỏ vấn đề kiểm soát vũ khí khỏi chương trình nghị sự. Giới chuyên gia nhận định, các hiệp ước kiểm soát vũ khí ở châu Âu là có thể trong tương lai, nhưng khả năng về những thỏa thuận này chỉ có thể diễn ra sau khi kết thúc cuộc khủng hoảng chính trị - quân sự hiện tại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!