Năm 2023 đánh dấu tròn 10 năm từ thời điểm 2013 khi Chiến lược phát triển vùng Viễn Đông được Tổng thống Nga Putin xác định là trọng tâm quốc gia. Diễn đàn Kinh tế phương Đông tại thành phố Vladivostok, Nga tuần qua tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế khi ông Putin một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng, ưu tiên tuyệt đối của Nga đối với khu vực rất xa thủ đô Moscow này.
Chủ đề của diễn đàn năm nay là "Con đường dẫn tới quan hệ đối tác, hòa bình và thịnh vượng", cho thấy mong muốn của nước Nga trong việc tạo lập mối quan hệ mang tính xây dựng với tất cả các đối tác, đặc biệt là trong xây dựng, phát triển quan hệ với các đối tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thực hiện tầm nhìn hướng Đông - trọng tâm đề ra từ 10 năm trước và được cho là càng có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh kinh tế - chính trị hiện nay.
Trọng tâm hợp tác ưu tiên từ Diễn đàn Kinh tế quốc tế phương Đông
Vladivostok nằm cách Moscow đến 6.000 km nhưng lại ở vị trí trung tâm, ngã ba giáp với các nền kinh tế lớn nhất châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Vai trò của thành phố này và cả vùng Viễn Đông với nước Nga tiếp tục được Tổng thống Putin nhấn mạnh tại Diễn đàn kinh tế phương Đông năm nay, đó là ưu tiên chiến lược của nước Nga trong suốt thế kỷ 21. Trong 10 năm nay, nước Nga đã tập trung thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển cho khu vực này, Diễn đàn Kinh tế phương Đông vừa diễn ra cũng đã thảo luận nhiều nội dung đáng chú ý.
Chủ đề của Diễn đàn năm nay là "Con đường dẫn tới quan hệ đối tác, hòa bình và thịnh vượng", phản ánh mong muốn của Nga trong việc thiết lập mối quan hệ mang tính xây dựng với tất cả các đối tác nước ngoài. Nga cởi mở trong đối thoại về các vấn đề cấp bách của khu vực và tham gia tích cực vào các nỗ lực nuôi dưỡng quan hệ giữa các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Diễn đàn Kinh tế quốc tế phương Đông năm nay đã chứng kiến nhiều thỏa thuận lớn được ký kết, với tổng trị giá lên tới 3.818 tỷ Ruble (hơn 39,4 tỷ USD).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova (Ảnh: AP)
Bà Maria Zakharova - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga - cho biết: "Vùng Viễn Đông Nga đang đi đầu trong việc phát triển quan hệ với các nước châu Á - Thái Bình Dương có chủ quyền và có thể độc lập quyết định tương lai của mình".
Ngoại thương giữa các vùng Viễn Đông và các đối tác nước ngoài đã tăng 14% về mặt hàng hóa và 11% về doanh thu trong 8 tháng đầu năm 2023. Gần 2,9 nghìn tỷ Ruble đã được đầu tư vào các khu vực phát triển ưu tiên, với vốn nước ngoài là 340 tỷ Ruble. Điều quan trọng cần lưu ý là phần lớn khoản đầu tư này đến từ các công ty tư nhân, chủ yếu hướng đến lợi nhuận.
Hội nghị năm nay thảo luận về vị trí của vùng Viễn Đông trong nền kinh tế Đại Âu Á, về những giải pháp logistics mới ở Viễn Đông cũng như sự phát triển bền vững của Tuyến đường biển phía Bắc như một huyết mạch vận tải toàn cầu mới. Ngoài ra, các chủ đề về áp dụng khoa học công nghệ trong quá trình phát triển của vùng Viễn Đông cũng được thảo luận.
Năm nay, ban tổ chức đặc biệt chú trọng đến việc phát triển hợp tác song phương và đa phương ở nhiều cấp độ. Theo các báo cáo chính thức, Nga có truyền thống sẵn sàng hợp tác với tất cả các quốc gia quan tâm ở châu Á - Thái Bình Dương và sẵn sàng đưa ra các hình thức hợp tác, có tính đến lợi ích quốc gia của tất cả các đối tác.
Đáng chú ý tại Diễn dàn kinh tế phương Đông năm nay là việc Nga nhìn lại kết quả 10 năm phát triển vùng Viễn Đông - với những thành tựu kinh tế và kế hoạch cụ thể cho tương lai. Một trong những chủ đề chính của diễn đàn năm nay - thực tế cũng như nhiều diễn đàn trước đó - là hậu cần, bao gồm cả vận tải đường biển. Tại diễn đàn, nhiều quyết định được đưa ra đều có tầm quan trọng lớn không chỉ đối với vùng Viễn Đông mà còn đối với nhiều khu vực khác. 373 thoả thuận đã được ký kết với tổng trị giá hơn 3,8 nghìn tỷ Ruble, là gần 40 tỷ USD. Với chiến lược xoay trục về phía Đông của Nga, vai trò của Diễn đàn kinh tế phương Đông được đẩy mạnh và Viễn Đông là một trong những khu vực trọng điểm.
10 năm trước, Tổng thống Putin đã tuyên bố việc phát triển vùng Viễn Đông là ưu tiên quốc gia trong toàn bộ thế kỷ 21. Bộ Phát triển Viễn Đông khi đó được thành lập. Chỉ trong vòng 1 thập kỷ, một hệ thống hỗ trợ lập pháp với 75 luật liên bang và gần 400 quyết định của Chính phủ được thông qua để thúc đẩy sự phát triển khu vực. Hiện tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở khu vực liên bang Viễn Đông đã vượt hơn chỉ số của toàn Nga, với mức tăng trưởng đầu tư cao gấp 3 lần so với cả nước. Viễn Đông đã thu hút gần 40 tỷ USD đầu tư nước ngoài, là 1/3 tổng số vốn đầu tư vào Nga. Một phần đáng kể là trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Trong 5 năm qua, hầu hết các vùng Viễn Đông đều nằm trong top 20 về tốc độ tăng trưởng GDP của Nga.
Nga thúc đẩy chính sách hướng Đông
Viễn Đông không chỉ được kỳ vọng là đòn bẩy kinh tế cho nước Nga, vị trí đặc thù của khu vực này, còn có thể là cầu nối hiệu quả, thúc đẩy quan hệ giữa Nga với nhiều đối tác truyền thống châu Á. Phương Đông cũng trở thành ưu tiên chính sách của Nga, trong bối cảnh quan hệ với phía Tây đang không ít khó khăn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dự lễ đặt tên cho 2 tàu chở khí đốt mới tại vùng Primorsky, khu vực Viễn Đông của Nga, nhấn mạnh việc phát triển các giải pháp nội địa hóa hoạt động đóng tàu. 3 cơ sở sản xuất mới khác cũng được ra mắt ở các khu vực khác nhau tại vùng Viễn Đông, thể hiện sự ưu tiên phát triển khu vực này của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters)
"Việc phát triển một hạm đội tàu như vậy có tầm quan trọng lớn đối với đất nước chúng ta với tư cách là một cường quốc Bắc Cực. Điều này đòi hỏi phải thực hiện chiến lược dài hạn nhằm đảm bảo hoạt động vận chuyển đáng tin cậy trên tuyến đường biển phía Bắc và trên toàn cầu, từ đó giúp đảm bảo các tuyến hậu cần nhằm tăng cường an ninh năng lượng của đất nước và toàn thế giới" - Tổng thống Vladimir Putin khẳng định.
Việc phát triển nhanh chóng vùng Viễn Đông được Nga coi là ưu tiên tuyệt đối trong thế kỷ 21 với việc không ngừng cải thiện các điều kiện kinh doanh, tăng cường hỗ trợ tài chính, đầu tư. Theo thống kê, từ năm 2014 đến năm 2022, tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư trung bình tại vùng Viễn Đông là 39%, gấp 3 lần so với trung bình toàn nước Nga. Thành phố cảng Vladivostok, trái tim vùng Viễn Đông, cũng được chú trọng đầu tư nguồn vốn khổng lồ, trong đó có khoản tiền 20 tỷ USD được công bố trước khi Vladivostok đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh APEC năm 2012. Thông qua khu vực này, Nga cũng tăng cường kết nối với các nước châu Á - Thái Bình Dương.
Tổng thống Nga cho biết: "Năm ngoái, kim ngạch thương mại của Nga với các nước châu Á - Thái Bình Dương đã tăng 13,7%. Và trong nửa đầu năm nay, con số này đã tăng thêm 18,3%. Chúng tôi kỳ vọng rằng thương mại của chúng tôi với các nước châu Á - Thái Bình Dương và quan hệ kinh tế nói chung sẽ tiếp tục phát triển".
Ông Nikola Gudkov - Giám đốc Truyền thông, Công ty Udokan Copper - cho rằng: "Chúng tôi coi thị trường Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu vì địa điểm này nằm ở vùng Zabaykal, giáp biên giới Trung Quốc. Vị trí của nó rất thuận lợi vì chúng tôi có thể giao sản phẩm cuối cùng bằng đường bộ qua biên giới phía Nam đến phía Bắc Trung Quốc hoặc là cũng có thể giao hàng bằng cả đường biển tới các cảng của Trung Quốc nữa".
Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh xung đột Nga - phương Tây chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong tương lai gần, Nga sẽ ngày càng tăng cường chuyển dịch sang phía Đông, đẩy mạnh các nỗ lực tự chủ kinh tế và thúc đẩy hợp tác với các quốc gia thân thiện nhằm né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây, duy trì đà phục hồi, phát triển kinh tế đất nước.
10 năm qua, Nga nỗ lực phát triển khu vực Viễn Đông. Bởi điều này không chỉ đẩy mạnh sự phát triển kinh tế của chính khu vực mà còn là đòn bẩy để Nga thúc đẩy hợp tác kinh tế với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có vai trò quyết định trong chiến lược hướng Đông của nước Nga. Mục tiêu của Tổng thống Nga là tận dụng sự dịch chuyển sức mạnh kinh tế toàn cầu sang châu Á để hội nhập vùng Viễn Đông với những nền kinh tế phát triển hơn ở xung quanh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay ASEAN. Nga lên kế hoạch mở rộng các tuyến logistic ở Viễn Đông, bao gồm cả tuyến đường Phương Bắc, và xây dựng đường cao tốc xuyên qua Siberia và Viễn Đông đến Thái Bình Dương. Viễn Đông, như khẳng định của Tổng thống Nga, có vai trò quan trọng đối với tương lai kinh tế của Nga và vị thế của nước này trong một thế giới đa cực.
Diễn đàn Kinh tế phương Đông năm nay có gần 60 sự kiện với các phiên thảo luận về kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng và văn hóa xã hội của vùng Viễn Đông
Theo giới phân tích, chính sách hướng Đông đã được Nga nhen nhóm từ lâu, nhưng cuộc khủng hoảng Ukraine là nhân tố thúc đẩy chính sách này biến chuyển nhanh hơn. Trước bối cảnh bị Mỹ và phương Tây áp dụng các biện pháp cô lập về chính trị và kinh tế, Nga đẩy mạnh hợp tác với "các quốc gia thân thiện" ở châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là tăng cường quan hệ các nước lớn có thể cùng Nga tạo ra một thế giới đa cực. Có thể thấy, những điều chỉnh chính sách được Nga hướng đến trong những năm qua là coi trọng phát triển thương mại với khối Liên minh Kinh tế Á - Âu và khối các nước BRICS, chuyển hướng về xuất khẩu khí đốt sang cả Đông và Tây thay vì chỉ thiên về phía Tây như trước đây. Việc chuyển hướng tăng cường với các đối tác châu Á được Nga xem là điều tất yếu khi xác định thế kỷ 21 là "thời của châu Á".
Chính sách trọng tâm hướng Đông của Nga đã được 10 năm và ưu tiên này càng thể hiện vai trò khi quan hệ Nga - phương Tây trở nên căng thẳng. Khu vực Viễn Đông giàu tài nguyên được coi như bàn đạp để Nga thúc đẩy quan hệ với các đối tác quan trọng, các đối tác châu Á năng động. Cơ hội cho cả Nga và nhiều đối tác trong khu vực, dù thách thức vẫn là không nhỏ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!