Cảng Tartus của Syria nhìn từ trên cao. Ảnh: Google Earth
Cảng Tartus là một cảng biển lớn của Syria tại Địa Trung Hải, từ lâu là điểm tiếp nhận các loại vũ khí mà Syria mua từ Nga. Tại đây, Nga cũng đang duy trì một cơ sở cung cấp và bảo trì cho hải quân. Cảng Tartus là điểm tiếp nhiên liệu cho tàu chiến Nga trên Địa Trung Hải, thay vì phải trở về căn cứ ở Biển Đen thông qua eo biển do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát.
Sau thương vụ này, các công ty Nga còn định xây một sân bay ở thành phố ven biển Tartus và một nhà máy sản xuất vaccine.
Thương vụ giữa Nga và Syria chắc chắn là được các bên tính toán kỹ lưỡng và nó diễn ra vào thời điểm Syria bắt đầu công cuộc tái thiết sau nhiều năm xung đột.
Tại Trung Đông hiện nay, Nga đang mở rộng khai thác những giếng dầu tại Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Lebanon và Syria. Vì thế, nếu nắm giữ được cảng Tartus, thông qua một hợp đồng quản lý, vận hành và phát triển với Syria, nó sẽ trở thành một cứ điểm thiết yếu cho các hoạt động khai thác và vận chuyển dầu của Nga tại Địa Trung Hải, cửa ngõ kết nối châu Âu trên biển.
Hiện Nga cũng đang thiết lập một căn cứ hải quân ở cảng Tartus. Căn cứ hải quân vốn được xem là nhân tố chiến lược của Nga nhằm đối trong với lực lượng của NATO tại Địa Trung Hải.
Về phía Syria, đây được xem là một thương vụ cùng thắng. Sau khi tuyên bố sẽ cho phía Nga thuê cảng Tartus thì chính quyền Syria cho biết đây sẽ cầu nối mở ra những con đường tiếp vận lương thực, hàng hóa từ Nga vào Syria.
Ngoài hàng hóa, sự hiện diện của Nga cũng đang khá là rõ nét ở Syria trong các lĩnh vực như khai thác dầu mỏ, khoáng sản hay phát triển cơ sở hạ tầng.
Có ý kiến cho rằng cuộc chiến ở Syria đang dần khép lại và đã xuất hiện việc tranh giành ảnh hưởng trong việc hỗ trợ tái thiết Syria, cũng như "chiếm chỗ" tại một thị trường đầy tài nguyên và tiềm năng.
Tình thế hiện nay tại Syria là lực lượng chính phủ của Tổng thống Assad đang nắm giữ khoảng 2/3 lãnh thổ. 1/3 lãnh thổ còn lại, chủ yếu do người Kurd được Mỹ hậu thuẫn nắm giữ, tuy nhiên, đây mới là mảnh đất tập trung của những giếng dầu của Syria. Nó khiến 2 bên nhận thức được rằng, cuộc đấu chính giờ đây sẽ là ở mặt trận kinh tế, chứ cứ quân sự sẽ dai dẳng và khó đạt kết quả gì.
Thực tế các nguồn tin cho hay việc cho Nga thuê cảng Tartus đã vấp phải những mâu thuẫn về quan điểm trong bản thân nội bộ chính phủ của Tổng thống Assad nhưng đây lại được xem là bước đi khó có thể khác.
Sau sự thắng thế trên các chiến trường, các vùng lãnh thổ do chính phủ Syria kiểm soát lại đang phải rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra. Hiện xăng dầu, người dân phải mua theo chế độ tem phiếu. Rõ ràng trong bài toán ấy, Nga là đối tác mà Syria kỳ vọng nhất dù cho họ có phải hy sinh một số lợi ích nào đó đi chăng nữa.
Ngoài các lợi ích kinh tế, bằng việc nâng cấp cảng Tartus, hải quân Nga sẽ có căn cứ vững chắc ở Trung Đông. Ngược lại, sự có mặt thường trực của Nga tại cảng Tartus cũng đảm bảo an ninh cho chính quyền của Tổng thống Assad trước trong quá trình tái thiết đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!