Nga - Trung Quốc - Ấn Độ họp trực tuyến: Bước ngoại giao quan trọng của Kremlin?

Thế giới hôm nay-Thứ tư, ngày 24/06/2020 06:15 GMT+7

VTV.vn - Cuộc họp trực tuyến ba bên giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Ấn Độ và Liên bang Nga, vừa diễn ra ngày 23/6, theo ý tưởng của Moscow.

Nga cho biết, chủ đề chính của cuộc gặp là hợp tác chống COVID-19, song giới phân tích đánh giá đây là hai bước đi ngoại giao quan trọng của Nga, thể hiện vai trò của mình trong giảm nhiệt vấn đề căng thẳng biên giới hiện tại giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Người phát ngôn của Điện Kremlin nhấn mạnh, Trung Quốc và Ấn Độ là những đối tác và đồng minh thân thiết của Nga, đồng thời là những nước có mối quan hệ rất gần gũi, cùng có lợi được xây dựng trên sự tôn trọng lẫn nhau.

Cuộc họp diễn ra chỉ 1 ngày trước ngày duyệt binh kỷ niệm Chiến thắng Phát xít 24/6. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cũng đã tới Nga nhân sự kiện này. Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ sẽ cùng tham gia vào cuộc duyệt binh quan trọng ở Quảng trường Đỏ.

Theo truyền thông Ấn Độ, New Delhi thực ra đã có một lịch sử quan hệ song phương mạnh mẽ với Moscow. Hàng loạt tiếp xúc ngoại giao trực tiếp và qua điện thoại giữa Ấn Độ và Nga đã được thực hiện trong quá trình xảy ra căng thẳng biên giới Ấn Độ - Trung Quốc, cho thấy Ấn Độ xem trọng vai trò và tiếng nói của Nga.

Ấn Độ có xem đây là cơ hội để giảm căng thẳng biên giới với Trung Quốc?

Nga - Trung Quốc - Ấn Độ họp trực tuyến: Bước ngoại giao quan trọng của Kremlin? - Ảnh 1.

Quân đội Ấn Độ di chuyển trên đường cao tốc về khu vực Ladakh, gần Kashmir, ngày 18/6 (ba ngày sau cuộc xung đột đẫm máu ở biên giới). Ảnh: Reuters

Thời gian gần đây, tâm lý đối đầu với Trung Quốc ngày càng dâng cao trong xã hội Ấn Độ, đặc biệt là kể từ khi ông Narendra Modi tái đắc cử. Ông Modi là người theo trường phái dân tộc chủ nghĩa cao độ, ông xây dựng hình ảnh của mình là một nhà lãnh đạo dám hành động và không chịu khoan nhượng nếu lợi ích quốc gia bị thua thiệt.

Với những yếu tố như vậy, dư luận Ấn Độ cho rằng New Dehli có thể sẽ chưa vội mà tìm điểm lùi với Trung Quốc ngay sau cuộc đối thoại lần này. Tuy vậy cũng cần phải thấy, người Ấn những ngày qua, dù tỏ ra rất nóng mày nóng mặt, cũng thẳng thắn thừa nhận Bắc Kinh vẫn đang là đối tác thương mại lớn nhất của mình. Kim ngạch thương mại hai nước hàng năm hiện lên 92 tỷ USD. Giới chức Ấn Độ trong một tuyên bố gần đây cũng nhấn mạnh là phản ứng với Trung Quốc thì phải đúng cách. Những phong trào mà một bộ phận người dân Ấn Độ đang kêu gọi như tẩy chay hàng Trung Quốc hay đóng cửa biên giới thì không khác gì "tự lấy đá ghè vào chân mình".

Trung Quốc trông đợi gì vào các giải pháp ngoại giao lúc này?

Hội nghị hàng năm giữa Ngoại trưởng ba nước Nga - Ấn - Trung (RIC) vào ngày 23/6 diễn ra trực tuyến trong bối cảnh Nga - Ấn còn vật lộn với đại dịch COVID-19. Trước đó, Ngoại trưởng nước chủ nhà Nga khẳng định nội dung nghị sự chính là vấn đề COVID-19 và Nga không can thiệp vào công việc nội bộ của hai nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đụng độ biên giới Ấn Độ và Trung Quốc trầm trọng nhất trong nửa thế kỷ nay, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tận dụng cơ hội này để giảm căng thẳng. Trong khi Nga lại coi đây là cơ hội để đóng vai trò trung gian hòa giải, bởi Nga rất sợ nếu không làm tốt vai trò trung gian thì Ấn Độ sẽ có những điều chỉnh chính sách, tham gia các sáng kiến của Mỹ.

Nga - Trung Quốc - Ấn Độ họp trực tuyến: Bước ngoại giao quan trọng của Kremlin? - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích Trung Quốc làm leo thang căng thẳng biên giới với Ấn Độ, cũng như quân sự hóa và tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Ảnh: Reuters

Trước thềm đối thoại ba bên, hôm qua cuộc gặp giữa lãnh đạo quân đội hai nước, Trung Quốc - Ấn Độ đã nhất trí ngừng giao tranh ở khu vực biên giới, từng bước rút quân khỏi khu vực tranh chấp. Nhiều chuyên gia cho rằng thời điểm này Trung Quốc trông chờ vào giải pháp ngoại giao để làm dịu tình hình căng thẳng với nước láng giềng, chứ không muốn khuấy động mâu thuẫn, bởi Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế do COVID-19. Mối quan hệ Mỹ - Trung đang rất xấu, vấn đề Hong Kong với luật an ninh quốc gia, rồi mâu thuẫn với Autralia, Canada.

Đến nay truyền thông Trung Quốc vẫn chưa thông tin chi tiết về nội dung cuộc đối thoại Nga - Ấn - Trung.

Không chỉ Nga, trước đó Mỹ cũng đề nghị làm trung gian hòa giải cho căng thẳng biên giới Trung Quốc và Ấn Độ nhưng Ấn Độ từ chối? Vậy sự lựa chọn của Ấn Độ đã cho thấy điều gì trong chính sách đối ngoại của nước này?

Nga - Trung Quốc - Ấn Độ họp trực tuyến: Bước ngoại giao quan trọng của Kremlin? - Ảnh 3.

Giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc, Ấn Độ có thể thúc Nga sớm chuyển giao S-400. Ảnh: AP

Ấn Độ vốn là một đối tác mua vũ khí lớn của Nga. Các điều tra gần đây cho thấy có khoảng 60-70% hợp đồng vũ khí của Ấn Độ là mua của Nga. Có vẻ như New Dehli, dù biết rằng mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh đang ngày càng gắn kết, nhưng họ cũng đủ tự tin là mình có thể tác động tới Nga. Thật ra New Dehli đang không chỉ tìm tới Moscow như là đối tác thứ ba duy nhất để giải quyết vấn đề này.

Các thông tin cho biết, Ấn Độ đang còn muốn thông qua sự hợp lực của bộ tứ là Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ để có các sức ép tới Trung Quốc. Nhưng rõ ràng, nếu muốn có một trung gian để kết nối cho các cuộc đối thoại giữa New Dehli và Bắc Kinh, không bên nào có thể phù hợp hơn là Moscow.

Ấn Độ, Nga và Trung Quốc còn đang là trụ cột của nhiều cơ chế hợp tác mà Moscow mong muốn củng cố, nhằm tạo đối trọng với phương Tây như BRICS hay SCO. Nga được cho là đang nhìn thấy lợi ích trong việc giải tỏa căng thẳng Ấn - Trung. Tuy vậy, theo dư luận Ấn Độ, trong bối cảnh quan hệ giữa Ấn Độ với Trung Quốc như hiện nay, căng thẳng vừa qua có thể được tháo ngòi, nhưng sức sống của những cơ chế như BRICS hay SCO thì thực sự phải đặt dấu hỏi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước