Quan hệ Ấn Độ, Nga và Trung Quốc sẽ thúc đẩy hòa bình trên thế giới

VTV News-Chủ nhật, ngày 27/10/2013 12:00 GMT+7

Đây là lời nhận định của ông Hoàng Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Ngoại giao - khi trao đổi về mối quan hệ hiện nay giữa Ấn Độ, Nga và Trung Quốc trong chương trình "Toàn cảnh thế giới" phát sóng sáng 27/10 trên VTV1.

Những ngày cuối tháng 10 này, thế giới ghi nhận những hoạt động ngoại giao khá sôi động giữa 3 cường quốc Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Các chuyến thăm liên tiếp của thủ tướng Ấn Độ tới Nga và Trung quốc cùng với những kết quả quan trọng khi ký kết thỏa thuận hợp tác về kinh tế, thương mại, năng lượng, quân sự và đặc biệt là thỏa thuận biên giới Trung - Ấn đã cho thấy những nét vẽ mới trong các trục quan hệ giữa 3 cường quốc giữ vai trò trọng yếu trên bản đồ chính trị, an ninh và kinh tế thế giới.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã hoàn tất hai chuyến thăm quan trọng tới Trung Quốc và Nga trong tuần qua. Ở cả hai nước đối tác lớn này của Ấn Độ, Thủ tướng Manmohan Singh đều ký kết những thỏa thuận quan trọng, trong đó có những thỏa thuận sẽ giúp làm tăng sức sống cho sự hợp tác và tin cậy lẫn nhau giữa Ấn Độ và các nước đối tác.

‘ Ông Hoàng Anh Tuấn trao đổi tại trường quay "Toàn cảnh thế giới" (Ảnh: VTV News)

Nhìn nhận rõ nét hơn về mối quan hệ Ấn Độ, Nga và Trung Quốc, ông Hoàng Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Ngoại giao – đã có những phân tích cụ thể trong chương trình Toàn cảnh thế giới.

PV: So sánh 2 mối quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ và Nga - Ấn Độ, ông có thấy điều gì khác biệt ?

Ông Hoàng Anh Tuấn: Trong quan hệ của Ấn Độ, Nga và Trung Quốc có 3 điểm khác biệt.

Thứ nhất, về mặt chiến lược: Ấn Độ luôn coi Nga là người đồng minh, đối tác truyền thống; ngược lại, Ấn Độ coi Trung Quốc là một địch thủ và 2 quốc gia luôn có sự cạnh tranh nhất định trên 3 phương diện: kinh tế, địa vị chính trị và sự nghi ngờ lẫn nhau trong quá khứ của 2 quốc gia.

Thứ hai, về quan hệ kinh tế: Dù Ấn Độ và Nga có quan hệ chính trị tốt nhưng quan hệ về kinh tế lại chưa tương xứng. Năm 2012, tỷ trọng thương mại giữa Nga và Ấn Độ đạt 11 tỷ USD, trong khi tỷ trọng này giữa Trung Quốc và Ấn Độ là 67 tỷ USD. Tuy nhiên, tiềm năng mở rộng thương mại và khả năng đầu tư giữa Ấn Độ và Nga lại lớn hơn so với tiềm năng giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Thứ ba, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Nga là tương đối ổn định, mâu thuẫn về chiến lược là không tồn tại. Trong khi đó, giữa Ấn Độ và Trung Quốc, tính ổn định không cao. Ngay cả quan hệ kinh tế – mối quan hệ được coi là điểm sáng giữa Ấn Độ và Trung Quốc – cũng còn tiềm ẩn nhiều vấn đề, đặc biệt là về thương mại. Dù mối quan hệ này đạt được 67 tỷ USD trong năm 2012 nhưng thâm hụt của Ấn Độ lại rất lớn, lên tới 28 tỷ USD. Dự kiến, năm nay sẽ lên tới 35 tỷ USD.

PV: Có thể nói, giữ được thế cân bằng trong các mối quan hệ với các cường quốc là một vấn đề hết sức nan giải. Vậy, theo ông, ông nhận xét gì về việc duy trì thế cân bằng của Ấn Độ trong quan hệ với các nước lớn?

Ông Hoàng Anh Tuấn: Trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ nói chung trong thời gian gần đây, Ấn Độ đã thể hiện được bản lĩnh về quan hệ ngoại giao của mình nên đã duy trì được quan hệ cân bằng với các nước lớn và duy trì được vị trí, vai trò của mình trên thế giới với tư cách là một cường quốc.

Ấn Độ thể hiện rõ khả năng ngoại giao của mình trong các chuyến thăm nước ngoài của Thủ tướng Manmohan Singh tới Mỹ, Trung Quốc, Nga. Đồng thời, Ấn Độ thể hiện sự độc lập của mình khi đưa ra các quyết sách lớn, không thiên theo bất cứ một quốc gia nào như Mỹ, Nga,… Và giữ được thế cân bằng của mình khi Mỹ có điều chỉnh chính sách, Ấn Độ cũng có những điều chỉnh tương ứng như là việc thúc đẩy quan hệ với các nước khác như Nga và Trung Quốc. Hiện nay, những chính sách điều chỉnh của Ấn Độ giúp quốc gia này có vị thế cân bằng hơn với các cường quốc trên thế giới.

‘ Chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ tới Trung Quốc và Nga cho thấy những bước chuyển rõ nét về quan hệ ngoại giao (Ảnh: VTV News)

PV: Theo ông, những thành công về mặt đối ngoại này tác động gì đến vấn đề đối nội của Ấn Độ khi quốc gia này đang chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử vào năm 2014?

Ông Hoàng Anh Tuấn: Theo tôi trong quá trình diễn ra 2 chuyến thăm Nga và Trung Quốc, Ấn Độ có một số diễn biến đáng chú ý.

Về nội trị, trong 1 năm vừa qua, nền kinh tế Ấn Độ lại gặp một số khó khăn, trong đó có cả vấn đề tham nhũng. Trong bối cảnh Tổng tuyển cử hiện nay, điều này cũng có ảnh hưởng nhất định đến vị thế và vai trò của Thủ tướng Manmohan Singh.

Trong vấn đề đối ngoại, Ấn Độ cũng cần một số điều chỉnh. Các chuyến thăm nước ngoài của ông Manmohan Singh có những tác động chính đối với Ấn Độ: giúp Ấn Độ mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa của mình, tăng cường quan hệ an ninh năng lượng với Nga và tạo ra một môi trường hòa bình ổn định, đặc biệt là trong quan hệ với Trung Quốc khi có thỏa thuận về biên giới.

PV: Ấn Độ và Trung Quốc –hai “người khổng lồ” của châu Á đã bắt tay nhau và lần này là một cái bắt tay rất chặt. Đây là cuộc gặp gỡ cấp cao lần thứ 2 trong năm nay giữa hai bên. Ngoài quan hệ hợp tác kinh tế thương mại tiếp tục được thúc đẩy, kết quả nổi bật lần này chính là việc hai bên đạt được một thỏa thuận về vấn đề biên giới cùng với việc nhất trí rằng hòa bình và ổn định tại biên giới hai nước phải là nền tảng cho sự phát triển quan hệ Ấn - Trung.Ông có cho rằng đây chỉ là một động thái để thúc đẩy niềm tin chiến lược chứ chưa hẳn là một giải pháp cho vấn đề tranh chấp biên giới?

Ông Hoàng Anh Tuấn: Có lẽ trong thời gian hơn 50 năm qua, kể từ khi cuộc chiến biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc kết thúc, 2 bên cũng đã có vài lần bắt tay nhau để giải quyết các vấn đề biên giới nhưng chưa được ngã ngũ. Lần này, 2 bên bắt tay nhau trong bối cảnh hoàn toàn khác, chúng ta thấy quyết tâm rất lớn của 2 nhà lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ cùng các cơ quan liên quan của 2 nước trong việc giảm nhẹ mối tranh chấp về biên giới, không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ.

Trong phát biểu của Thủ tướng Manmohan Singh, ông có nói: “Khi Ấn Độ và Trung Quốc bắt tay nhau, cả thế giới phải chú ý”. Và đúng như vậy, cả thế giới đang chú ý đến vấn đề này. Ông cũng nhìn xa hơn trong phát biểu tại trường Đảng của Trung Quốc: “Có 5 nhân tố mà Ấn Độ và Trung Quốc cùng cần chú ý thúc đẩy để quan hệ 2 bên phát triển vững chắc trong thời gian tới. Đó là các vấn đề nhạy cảm, lòng tin chiến lược, mối quan hệ kinh tế, vấn đề ngoại giao và sự minh bạch hóa các chính sách trong vấn đề quan hệ với các nước láng giềng”.

‘ Theo ông Hoàng Anh Tuấn, quan hệ giữa Ấn Độ, Nga và Trung Quốc hiện nay sẽ thúc đẩy hòa bình, ổn định trên thế giới (Ảnh: VTV News)

PV: Diễn biến các chuyến thăm cho thấy những tiến triển tốt đẹp trong quan hệ Trung - Ấn và Nga - Ấn. Theo ông, những nhân tố gì dẫn đến xu thế hòa dịu và thuận lợi trong các mối quan hệ này?

Ông Hoàng Anh Tuấn: Theo tôi, các nhân tố đó là về vấn đề nội trị, kinh tế và tác động lan tỏa của xu thế hòa dịu bắt nguồn từ quan hệ Mỹ - Trung Quốc vào giữa năm 2013.

PV: Có thể nói diễn biến trong quan hệ Trung - Ấn và Nga - Ấn có ảnh hưởng rất lớn đến cục diện quan hệ các cường quốc trên thế giới. Theo ông, xu hướng này tác động như thế nào đến tình hình thế giới năm 2014?

Ông Hoàng Anh Tuấn: Theo tôi có 2 tác động quan trọng nhất là giúp củng cố xu hướng hòa dịu, hòa giải của các nước lớn trong quan hệ đối ngoại với nhau và thúc đẩy hòa bình, ổn định trên thế giới. Rõ ràng, trong mối quan hệ giữa Ấn Độ, Nga và Trung Quốc hiện nay, cả 3 quốc gia này đang thể hiện rõ vai trò của mình trong các vấn đề đó.

Xin cảm ơn ông!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước