Đây là nhóm hóa chất được sử dụng trong công nghiệp và các sản phẩm tiêu dùng như chảo chống dính, áo mưa và các sản phẩm chống nhiệt, chống nước. Điều đáng lo là các hóa chất này thường phân hủy rất chậm, có thể tích tụ lâu dài trong cơ thể con người, động vật và môi trường.
Kết quả này đã khiến một số người dân tại Mỹ lo ngại nguy cơ bị phơi nhiễm, khi cách đây chưa lâu, nhiều bang đã trải qua cuộc khủng hoảng hóa chất PFAS và đến nay lòng tin vẫn chưa thực sự được phục hồi.
Mỗi sáng, chị Betty Rivas đều chuẩn bị cho con đi học và không quên nhắc đi nhắc lại quy tắc trong nhà: không được uống nước máy. Để cho an toàn, gia đình chị uống nước đóng chai.
Cộng đồng chủ yếu là người Mỹ Latin tại Commerce City, bang Colorado, Mỹ từng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng PFAS hồi năm 2018 do nhiều nhà máy lạm dụng PFAS xả hóa chất độc hại ra nguồn nước. Giới chức địa phương đảm bảo vấn đề đã được giải quyết, tuy nhiên một số người dân vẫn chưa thể lấy lại lòng tin.
Chị Betty Rivas - Bang Colorado, Mỹ: "Chúng tôi vốn biết rằng không nên uống nước ở khu vực này. Những nghiên cứu gần đây về PFAS lại càng cho chúng tôi thêm lý do để tiếp tục không uống nước máy nữa".
PFAS còn được gọi là "hóa chất vĩnh cửu" vì chúng khó phân hủy, tích tụ vĩnh viễn trong cơ thể con người và môi trường. PFAS gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, tổn thương gan thận, đặc biệt ở trẻ nhỏ, nhiều vấn đề sức khỏe khác và có nguy cơ gây ung thư.
Bà Susan Pinney - Nhà nghiên cứu Đại học Cincinnati, Mỹ: "Một khi nhiễm PFAS, hóa chất này sẽ tích tụ trong cơ thể và với tốc độ tiếp xúc với hóa chất hiện nay, ta khó có thể loại bỏ nó hoàn toàn".
PFAS đã được các nhà sản xuất Mỹ tự nguyện loại bỏ nhưng vẫn được sử dụng hạn chế và tồn tại trong môi trường vì chúng không phân hủy theo thời gian. Lo lắng của người dân Mỹ không phải là không có cơ sở khi những nghiên cứu gần đây chỉ ra sự tồn tại của PFAS trong môi trường nước. Người dân mong đợi Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ đề xuất các hạn chế đối với "hóa chất vĩnh cửu" trong nước uống, nhưng các chuyên gia cho biết việc loại bỏ PFAS sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD - một gánh nặng với các cộng đồng nhỏ ít tài nguyên. Đây cũng không vấn đề của riêng nước Mỹ. Hiện EU đang xem xét cấm các loại "hóa chất vĩnh cửu" vì những tác hại của nó tới môi trường và sức khỏe.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!