Tùy theo từng nền văn hóa mà người ta gọi năm sau là năm con Mèo, hay năm con Thỏ. Nhưng dù là mèo hay thỏ thì chắc chắn một điều, Tết là dịp mà người dân nhiều nước chi tiêu mạnh tay nhất trong năm.
Tết năm 2021, khi đại dịch COVID-19 khiến nhiều quốc gia phải phong tỏa nghiêm ngặt, không thăm hỏi trực tiếp được, thì người ta hay mừng tuổi nhau qua ứng dụng lì xì trên điện thoại. Ngân hàng DBS của Singapore năm ấy đã thống kê, mới mùng 2 Tết mà số tiền người dân Singapore mừng tuổi nhau qua ứng dụng đã lên tới 1,5 triệu USD - tương đương hơn 35 tỷ VNĐ.
Mà không phải chỉ có tiền mừng tuổi. Tết đến sẽ sinh ra các khoản chi cho đồ ăn, quần áo, đồ trang trí nhà cửa, chị em thì có mỹ phẩm son phấn, rồi giải trí, vui chơi, du lịch. Danh sách chi tiêu này cộng với tình hình lạm phát cao kỷ lục ở nhiều quốc gia trong năm vừa rồi đủ để làm nhiều người phải đau đầu suy nghĩ xem làm thế nào để có thể ăn Tết đầy đủ mà vẫn vừa túi tiền?
Người dân Singapore xếp hàng dài chờ rút tiền mới
Cảnh tượng hàng trăm người xếp thành những hàng dài tại các cây rút tiền đang trở nên quen thuộc tại Singapore. Tục lệ mừng tuổi hồng bao cũng rất phổ biến ở nước này, đặc biệt là mừng tuổi các bậc cao niên trong nhà, hay trẻ nhỏ. Có những người phải xếp hàng hơn 2 tiếng đồng hồ mới tới lượt rút tiền. Các ngân hàng tại Singapore đang có tình trạng thiếu tiền mặt, đặc biệt là mệnh giá 2 USD, 10 USD và 50 SGD.
Ông Benny Chan - Quản lý chi nhánh ngân hàng UOB, Singapore cho biết: "Chúng tôi đã điều động rất nhiều nhân viên để hỗ trợ khách hàng, thậm chí phải gọi cả các nhân viên đã nghỉ hưu tới để giúp trong dịp Tết Nguyên đán. Chúng tôi cũng phải huy động hệ thống đặt chỗ xếp hàng qua tin nhắn".
Người dân Trung Quốc hào hứng mở ví chi tiêu Tết
Sau ba năm trong đó có tới hai cái Tết im ắng vì đại dịch COVID-19, thì Tết Quý Mão mà người Trung Quốc gọi là năm con Thỏ, được cho là dịp người dân bung sức tiêu tiền. Đầu tiên phải kể tới mảng du lịch.
Theo số liệu từ Bộ Giao thông Trung Quốc được trích dẫn bởi hãng Reuters, từ 7/1 đến 15/2 sẽ có khoảng 2 tỷ chuyến đi lại, du lịch được ghi nhận tại Trung Quốc. Tức là gần như gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vẫn kém một chút so với trước đại dịch.
Thị trường Trung Quốc có sức tiêu thụ hàng hóa dịch vụ rất lớn, nhưng ba năm dịch bệnh khiến sức mua ấy bị dồn nén. Nên việc Bắc Kinh mở cửa đúng vào dịp trước Tết Nguyên đán được cho là sẽ tạo cơ hội để người dân không chỉ du lịch, mà còn giải trí, mua sắm, buôn bán bù lại cho những năm trước.
Đèn lồng đỏ đủ kích cỡ, câu đối, dây đèn nhấp nháy và những móc treo hình con thỏ - biểu tượng của năm mới 2023 theo truyền thống của người Trung Quốc - ngập tràn tại các khu bán đồ Tết ở thành phố Nghĩa Ô. Một trong những tiểu thương bán đèn lồng cho biết, số lượng đèn lồng bán ra hàng ngày trong dịp tết này lên tới hơn 4.000 cặp. Nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhiều trung tâm mua sắm ở Nghĩa Ô giảm giá để kích cầu mua sắm cho du khách nước ngoài đến Trung Quốc dịp Tết.
Ông Wu Min - Phó Tổng giám đốc, Tập đoàn Yiwu Mall, Nghĩa Ô: "Đối với các thương nhân nước ngoài, chúng tôi đã chuẩn bị các phiếu giảm giá chỗ ở và các gói quà tặng khi mua sắm để chi tiêu thuận tiện khi họ đến thành phố Nghĩa Ô".
Sau khi đã sắm sửa đồ trang trí Tết, điểm tiêu tiền tiếp theo của người dân chính là các hàng quán và trung tâm thương mại - những nơi đã được hoạt động lại khi các hạn chế chống dịch được dỡ bỏ. Quản lý một nhà hàng lẩu ở Trùng Khánh cho biết, lượng khách trong tuần đầu của tháng 1 đã đạt mức trung bình cao nhất của các năm trước khi dịch bùng phát. Đối với các mặt hàng xa xỉ như vàng và trang sức cũng chứng kiến lượng khách tăng vọt dịp cuối năm.
Ông Li Yang - Chuyên viên phân tích đầu tư vàng cấp cao, Caibai Jewelry, Bắc Kinh: "Khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được dỡ bỏ, chúng tôi đã chứng kiến lượng khách tăng đột biến. Tuần trước lượng khách tăng gấp ba lần so với tuần trước".
Trong ba năm Trung Quốc quy định hạn chế ra xuất nhập cảnh để chống dịch, nhiều địa phương đã thay đổi chính sách để thúc đẩy chi tiêu khiến nhiều người tiêu dùng đổ đến đảo Hải Nam, nơi được miễn thuế đối với hàng xa xỉ của Trung Quốc để mua sắm các mặt hàng cao cấp. Theo Bloomberg, xu hướng ưu tiên nội địa cũng lan sang cả lĩnh vực du lịch bởi người dân sẽ lại được đoàn tụ với gia đình sau nhiều năm xa cách.
Lạm phát ảnh hưởng tới tiêu dùng ngày Tết
Tại Hàn Quốc, giá xăng dầu tăng liên tục kể từ ngày 1/1. Để đi lại thoải mái trong tháng Tết có thể mất thêm 80 đến 120 USD tiền đổ xăng so với tháng trước.
Chị Lee Ju-hyung - Người dân Hàn Quốc: "Đi đâu tôi cũng cố gắng tìm xem có trạm xăng nào giá rẻ hơn không".
Không chỉ xăng dầu, mà cả giá thực phẩm cũng đi lên. Năm nay để chuẩn bị một mâm cơm cúng tổ tiên trong ngày Tết âm lịch của một gia đình 4 người tại Hàn Quốc trung bình hết khoảng hơn 200 USD - tương đương gần 5 triệu VNĐ. So với năm ngoái, như vậy giá thực phẩm tại Hàn Quốc đã tăng tới 5,8% trong dịp Tết này.
Để hỗ trợ người dân đón Tết, Bộ Tài chính Hàn Quốc sẽ chi 23,5 triệu USD và cùng với các doanh nghiệp bán lẻ có biện pháp để bình ổn giá các loại thực phẩm chính. Đối với 16 mặt hàng thực phẩm được mua sắm nhiều trước Tết, chính phủ nước này cũng sẽ nỗ lực tăng cường nguồn cung.
Còn tại Singapore, mỗi hộ gia đình đều có thể đăng ký nhận phiếu giảm giá mua hàng trị giá 300 SGD dịp Tết này. Đây là nỗ lực của chính phủ nhằm hỗ trợ người dân trong thời kỳ bão giá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!