Người dân Trung Quốc đã không còn hào hứng với việc sinh con, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay (Ảnh: Tom Phillips)
Ngay cả trước khi Chính phủ Trung Quốc tuyên bố phá bỏ chính sách một con, các y bác sỹ tại những bệnh viện phụ sản ở Bắc Kinh đều đã tiên liệu trước rằng năm 2016 sẽ là một năm vô cùng bận rộn.
2016 là năm con khỉ và theo người Trung Quốc, đây là một năm đẹp cho việc sinh con. Đã từ nhiều tháng nay, rất nhiều cặp vợ chồng đã đặt chỗ tại các bệnh viện phụ sản lớn nhất Bắc Kinh để chuẩn bị cho việc sinh nở. Và, với việc Chính phủ Trung Quốc thông qua chính sách hai con, đây sẽ là một năm bùng phát dân số đối với quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Ngay sau quyết định mang tính lịch sử này, nhiều phụ nữ Trung Quốc đã đăng tải nguyện vọng sinh thêm con trên các trang mạng xã hội. “Thật sung sướng khi biết rằng giờ đây, tôi có thể sinh thêm con một cách hợp pháp”.
“Tôi muốn có ít nhất hai con”, một phụ nữ 27 tuổi viết với sự hào hứng – “Chỉ có một con sẽ rất cô đơn”.
Li Ze và vợ, 26 tuổi, cho biết họ sẽ tận dụng cơ hội này để có thêm con. “Tôi cho rằng đây là một điều tốt khi họ quyết định để các cặp vợ chồng sinh thêm đứa con thứ 2. Dân số Trung Quốc đang lão hóa rất nhanh. Chính sách này sẽ mở ra một cơ hội tốt cho sự phát triển của Trung Quốc”, anh nói.
Li Ze (trái) và vợ muốn sinh thêm con nhưng lại lo ngại về khoản chi phí khổng lồ (Ảnh: Tom Phillips)
Mặc cho sự háo hức và vui mừng đang hiện diện tại các bệnh viện phụ sản, Wang Feng, một chuyên gia xã hội học và nhân chủng học của Đại học California cho biết sự bùng nổ dân số tại Trung Quốc có thể sẽ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn.
Ông dự đoán chính sách này sẽ không giúp ích gì cho tỷ lệ sinh nở thấp của Trung Quốc, hiện đang ở mức 1,2 – 1,5 con trên một phụ nữ.
Cũng theo Wang Feng, tỷ lệ sinh của Trung Quốc đang ở mức thấp như hiện nay cũng vì chịu nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố xã hội và kinh tế, trong đó có chi phí sinh hoạt và giáo dục ở các đô thị quá đắt đỏ. “Tỷ lệ này sẽ duy trì trong một thời gian”, ông cho biết.
Zhang Suli là một ví dụ điển hình. Cô vừa sinh con cách đây 40 ngày và theo chính sách mới của Trung Quốc, Zhang Suli có thể sinh thêm mà không phải đóng mức phạt hà khắc như lúc trước. Dù vậy, cô cho biết không có kế hoạch sinh con thứ hai.
“Có quá nhiều áp lực và nuôi dạy một đứa trẻ ở Bắc Kinh thì quá tốn kém”, cô lý giải trong lúc chờ mẹ mình ở phòng hộ sinh.
Chuyên gia xã hội học Wang Feng cho biết đó không chỉ là suy nghĩ của Zhang Suli mà còn là suy nghĩ chung của nhiều cặp vợ chồng khác. “Chi phí nuôi dạy một đứa trẻ tại những đô thị lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải là quá lớn. Chi phí cho việc thuê/mua nhà ở đây hiện đang nằm trong top đầu thế giới. Ngoài ra, chi phí đi lại, chăm sóc trẻ cao cũng tỷ lệ nghịch với việc tỷ lệ sinh ở hai thành phố này”, ông lý giải.
Theo Wang Feng, các hộ gia đình sinh sống tại những vùng nông thôn cũng không còn muốn sinh thêm con vì đang bận rộn với việc lo cho miếng cơm, manh áo của chính mình. “Có thêm con đồng nghĩa với việc chất lượng cuộc sống của họ đi xuống”, ông nói.
Cô Fancy Chen sinh thêm đứa con thứ 2 khi Trung Quốc nới lỏng luật vào năm 2013 và cho phép những cặp vợ chồng có vợ hoặc chồng là con một được sinh thêm con (Ảnh: Tom Phillips)
Chuyên gia Wang Feng cho rằng những cặp vợ chồng sinh sống ở những thành phố nhỏ và vừa có lẽ sẽ hưởng lợi từ chính sách hai con bởi chi phí sinh hoạt tại đây rẻ hơn nhiều so với những siêu đô thị như Bắc Kinh hay Thượng Hải. Ở thị trấn Baoding – một thành phố công nghiệp dạng vừa, chi phí nuôi con đến năm 18 tuổi hết khoảng 500.000 NDT (1,7 tỷ đồng). Trong khi đó, tại Bắc Kinh, con số này phải lên tới 800.000 – 1 triệu NDT (2,8 – 3,5 tỷ đồng).
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.