Chiếc khẩu trang đã trở thành một vật bất ly thân với mỗi chúng ta trong mùa đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, cũng có thể coi khẩu trang như một biểu tượng cho tinh thần nhân ái của người Việt Nam ở nước ngoài khi trong những tháng qua, phong trào may khẩu trang, phát miễn phí của cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã và đang được lan tỏa rộng khắp ở nhiều nước.
Nếu như dịch COVID-19 mang những mối nguy hại và sự căng thẳng, lo âu của toàn cầu thì trong "tâm bão" của dịch bệnh, chúng ta đã thấy hình ảnh của nhiều người dân Việt Nam sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để có những hành động tốt đẹp bảo vệ sức khỏe của cộng đồng. Mỗi hành động nhỏ của họ đều thắp lên niềm tin, niềm hy vọng, không những vậy còn vun đắp và tô đậm thêm truyền thống nhân ái của người Việt Nam bao đời nay.
Lòng nhân ái, tinh thần tương trợ của người dân Việt Nam đã và đang được phát huy vào những thời khắc khó khăn nhất, dù ở đâu trên khắp thế giới. Trong thời gian qua, báo chí quốc tế liên tiếp nhắc đến hình ảnh Việt nam và con người Việt Nam như một hình mẫu trong công tác ứng phó chống dịch COVID-19. Đó là một quốc gia chống dịch minh bạch, quyết liệt, hiệu quả, sẵn sàng tương trợ cho các nước trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Đó còn là hình ảnh giản dị về một cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với những hành động và đóng góp nhỏ bé nhưng mang đầy ý nghĩa của tình nhân ái và ý thức cộng đồng.
Chủ đề Việt nam chống dịch COVID-19 và người Việt nam chống dịch COVID-19 tại Đức đã được các phương tiện báo chí Đức quan tâm trong tháng 4. Đài truyền hình RBB của Đức đã thông tin về hoạt động thiện nguyện của cộng đồng người Việt Berlin trong thời kỳ dịch bệnh.
Cộng đồng người Việt đã tham gia ủng hộ cuộc chiến đẩy lùi COVID-19 bằng cách tự may những chiếc khẩu trang, quyên góp tiền, đặt mua các dụng cụ bảo hộ để tặng cho các cơ sở y tế tại Berlin. Đây đều là những mặt hàng đang khan hiếm trên thị trường do tình hình dịch bệnh. Hàng nghìn khẩu trang, găng tay dùng một lần và nước khử khuẩn đã được trao tặng. Đồng loạt trên tài khoản Facebook và Instagram của Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức ngày 14/4 đã đăng tải bài viết ghi nhận sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam cũng như cộng đồng người Việt tại Đức trong việc vượt qua cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19.
Cũng theo Bộ Ngoại giao Đức, cộng đồng người Việt Nam tại Đức đã huy động được hàng nghìn khẩu trang y tế, khẩu trang vải tự may, găng tay bảo hộ y tế để trao tặng cho các bệnh viện và viện dưỡng lão. Nhiều nhà hàng của người Việt ở Đức cũng trao tặng hàng nghìn suất ăn cho các y bác sĩ.
Hàng loạt báo của Cộng hòa Czech cũng đề cập đến các hoạt động thiện nguyện của cộng đồng Việt Nam.
Theo trang Twitter Văn phòng Chính phủ Cộng hòa Czech, Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Czech đã quyên tặng 40.000 khẩu trang, Trung tâm thương mại SaPA của người Việt quyên tặng 20.000 khẩu trang. Bài đăng cũng bày tỏ: "Hành động giúp đỡ của Việt Nam và cộng đồng người Việt rất có ý nghĩa với chúng ta. Cảm ơn tất cả mọi người đã chia sẻ".
Báo Blesk. Cz, tờ báo có lượng phát hành nhiều nhất Cộng hoà Czech, đã có bài viết bày tỏ sự thán phục: "Hàng trăm người Việt Nam may hàng nghìn khẩu trang với tốc độ như tia chớp để hỗ trợ các bác sĩ tuyến đầu".
Báo chí Thuỵ Điển cũng đưa tin về hoạt động thiện nguyện của người Việt. Báo Sverigesradio.se, trang báo điện tử radio Thụy Điển, đưa tin 18 nghìn người Việt đang sống và làm việc tại Thụy Điển đã tham gia ủng hộ chống COVID-19 tại Thuỵ điển. Sau 1 ngày, số tiền thu được khoảng 7000 USD, được dùng để mua nhiều thiết bị bảo hộ y tế như găng tay, nước kháng khuẩn, khẩu trang… để tặng 3 bệnh viện ở 3 thành phố lớn là Stockholm, Gothenburg và Malmoe.
Các báo Ba Lan đã dành từ "thiết thực" để mô tả về những món quà mà cộng đồng người Việt tại Ba lan trao tặng các bệnh viện. Món quà thiết thực được báo Termedia, trang thông tin chuyên về y tế của Ba Lan, đề cập là hơn 4.000 kit xét nghiệm COVID-19 nhanh được Hội người Việt Nam tại Ba Lan tặng tới các cơ sở y tế của Ba Lan.
Báo Wyborcza đã điểm lại phong trào hỗ trợ y, bác sĩ của cộng đồng người Việt. Các quán ăn Việt Nam ớ thủ đô Warszawa và nhiều tỉnh khác cũng cấp hàng ngàn suất ăn miễn phí cho các y bác sĩ. Các báo đều bày tỏ sự cảm ơn tới những món quà thiết thực mà cộng đồng người Việt đã dành tặng cho đất nước Ba lan.
NBC News (Mỹ) ca ngợi loạt tiệm nail của Việt Nam quyên góp dụng cụ y tế cho bệnh viện. Trong khi Mỹ thực hiện cách ly xã hội, nhiều tiệm nail do người Việt Nam làm chủ cũng mất đi nguồn thu nhập đáng kể trong ngành công nghiệp làm đẹp tỷ USD. Tuy vậy, họ không hề phàn nàn mà còn sẵn lòng đóng góp khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ - những thiết bị đang rất khan hiếm ở bệnh viện tại Mỹ.
Nhiều người còn cải tổ tiệm nail của mình thành nhà máy "dã chiến" trong mùa dịch COVID-19 để sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ. Các máy móc chuyên dụng làm nail đã được thay bằng máy may, các tình nguyện viên miệt mài làm việc mỗi ngày để kịp thời cung cấp đồ bảo hộ cho bệnh viện.
Trong khi đó, các cửa hàng ăn lại trở thành địa điểm nấu các suất cơm từ thiện. Trong 3 tuần qua, hơn 120.000 chiếc khẩu trang và hàng trăm suất cơm từ thiện đã được các chủ tiệm nail người Việt quyên góp cho gần 70 bệnh viện, nhà dưỡng lão, sở cảnh sát hay các phòng khám y tế.
Tổng cộng, hơn 130.000 USD cũng đã được quyên góp cho công việc từ thiện. Vượt qua khó khăn của việc phải đóng cửa vì đại dịch, cộng đồng làm nail của Việt tại Mỹ trở thành những tình nguyện viên hỗ trợ tận tình cho những tuyến đầu chống dịch.
Tại Moscow, Liên bang Nga, những thùng khẩu trang do người Việt Nam tự may rồi mang đến đặt ở ngay lối đi vào các cửa hàng, siêu thị, hiệu thuốc, chân tòa nhà cao tầng… Mỗi người đi qua đều có thể lấy 1, 2 thậm chí 5, 10 cái, tùy theo nhu cầu sử dụng của gia đình mình mà không phải trả tiền.
Còn ở Australia, những túi gạo, gói mì tôm, đôi khi là tã, bỉm, sửa, thuốc... lại được nhóm bà mẹ Việt tại Australia gửi tới những người mẹ đơn thân, du học sinh, người già neo đơn, lao động mất việc... giữa mùa dịch bệnh. Mỗi ngày, điện thoại của nhóm đều nhận được các cuộc gọi và những tin nhắn đề nghị giúp đỡ như "Bác bị bệnh không đi ra ngoài được", "Bác có được phát gạo miễn phí không?", hay "Con là du học sinh, hiện tại đang gặp khó khăn lúc COVID-19, cô cho con xin đăng ký gạo được không?"... Và những gói quà cứu trợ lại được các tình nguyện viên chuẩn bị để chuyển tới tận tay người đang gặp khó khăn.
Có quan điểm cho rằng những việc làm ý nghĩa không phải do tuổi tác, thu nhập hay địa vị quyết định mà tất cả đều xuất phát từ trái tim. Quan điểm này có lẽ đúng khi nói về những người Việt Nam làm thiện nguyện trên khắp thế giới trong đại dịch COVID-19. Họ chưa thật sung túc, thậm chí còn có vô vàn những khó khăn khi mưu sinh nơi xứ người. Tuy nhiên, họ đã dành thời gian và công sức với tất cả mọi tâm huyết để giúp đỡ đồng bào mình, giúp đỡ bạn bè quốc tế. Họ cho đi mà chỉ cần nhận lại duy nhất hai từ “cảm ơn".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!