Ấn Độ đang trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào giữa năm nay, theo ước tính của Liên hợp quốc. Các chuyên gia phân tích, dân số đông đem lại một số ưu thế cho Ấn Độ như lực lượng lao động dồi dào, tuy nhiên cũng có một số bất lợi, các bệnh viện ở một số vùng vốn đã quá tải bệnh nhân, nay lại đứng trước thách thức thiếu nhân viên y tế.
Anh Mithilesh Chaudhary được ông nội đưa lên New Delhi chữa bệnh. Hai ông cháu đã đi quãng đường dài gần 1.200 km bằng tàu hỏa từ quê nhà ở bang Bihar lên thành phố. Tuy nhiên, họ cùng hàng trăm bệnh nhân khác cũng từ những vùng xa xôi đến đã phải chờ đợi nhiều ngày bên ngoài bệnh viện.
Ông Bhim Lal - Người nhà bệnh nhân: "Chúng tôi sẽ ở lại đây một tuần hoặc 15 ngày nếu cần thiết, nhưng đã 3 ngày trôi qua, chúng tôi không biết đến khi nào mới được vào khám".
Cùng cảnh ngộ với gia đình ông Bhim Lal là một nông dân đến từ bang Uttar Pradesh, đến New Delhi với hy vọng tìm được cách chữa trị cho người vợ đang chiến đấu với bệnh tim. Chỉ có điều họ đã phải chờ đợi hơn 2 tuần.
Anh Mahendra Kumar - Người nhà bệnh nhân: "Chúng tôi đến đây vì được biết ở đây có cơ sở y tế tốt nhưng vẫn chưa được vào khám. Chúng tôi hy vọng sẽ được tư vấn ngay hôm nay, nếu không chúng tôi đành phải trở về nhà vì đã ở đây lâu quá rồi".
Dữ liệu cho thấy, Ấn Độ đang đối mặt với tình trạng quá tải ở các bệnh viện công trên toàn quốc do dân số quá đông. Tỷ lệ bác sĩ trên bệnh nhân ở Ấn Độ đã giảm trong vài thập kỷ qua, từ 1,2 bác sĩ trên 1.000 bệnh nhân vào năm 1991 xuống còn 0,7 bác sĩ vào tháng 6/2022, theo dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hội đồng Y khoa Ấn Độ.
Giới chức y tế Ấn Độ đang nỗ lực tăng số lượng bác sĩ trong hệ thống y tế công cộng trên khắp đất nước, nhưng cũng cho biết tình hình chưa thể cải thiện được ngay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!