Hơn 515,66 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 83,36 triệu ca mắc và hơn 1,023 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm khoảng 13.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Đây là con số cao nhất thế giới tính theo quốc gia. Số liệu trên là một lời nhắc nhở rằng Mỹ vẫn đang phải chống chọi với sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, hiện nay trung bình mỗi ngày nước này ghi nhận 325 ca tử vong do COVID-19, trong khi số bệnh nhân COVID-19 cần nhập viện điều trị là 2.214 người/ngày. Ngoài ra, tờ Los Angeles Times số ra ngày 3/5 thông tin, trong tuần qua, bang California đã có số ca nhiễm mới tăng 30%.
CDC Mỹ tiếp tục hối thúc người dân tiếp tục đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng như máy bay, tàu hỏa, xe bus... để bảo vệ bản thân và những người xung quanh do mật độ người tập trung tại khu vực này rất cao. CDC Mỹ nêu rõ, khuyến nghị này dựa trên dữ liệu hiện có, bao gồm sự hiểu biết về những biến thể đang lưu hành, tác động của các biến thể này đối với mức độ nghiêm trọng của bệnh và hiệu quả của vaccine, diễn tiến dịch bệnh ở các cộng đồng cùng với dự báo dịch bệnh trong những tháng tới.
CDC Mỹ khuyến nghị, người dân nước này tiếp tục đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng như máy bay, tàu hỏa, xe bus... Cơ quan này tiếp tục khuyến nghị tất cả những người trên 2 tuổi đeo các loại khẩu trang phù hợp khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và tại các nhà ga, bến đỗ để bảo vệ bản thân cũng như cộng đồng. Mỹ hiện cung cấp nhiều công cụ cần thiết để giúp người dân phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm COVID-19, trong đó có các loại khẩu trang chất lượng cao.
Một nghiên cứu của nhóm 4 nhà khoa học Mỹ đã cho thấy, biến thể Omicron của virus SARS-CoV2 về bản chất cũng nguy hiểm như các biển thể ghi nhận trước đó. Điều này trái ngược với những kết luận được đưa ra trong các nghiên cứu trước đây rằng Omicron có khả năng lây lan với tốc độ vượt trội so với các biến thể khác, nhưng lại gây ít ảnh hưởng hơn.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 5/5, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,09 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 523.900 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 663.800 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,5 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 5/5 ước tính, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của từ 13,3 triệu đến 16,6 triệu người trong năm 2020 - 2021, nhiều gấp 3 lần số ca tử vong trực tiếp vì căn bệnh này. Sau một thời gian dài chờ đợi, WHO đã công bố ước tính tổng số ca tử vong vì đại dịch nói trên, bao gồm cả những người tử vong vì tác động của đại dịch, qua đó đưa ra con số về tác động rộng lớn hơn của cuộc khủng hoảng y tế này.
Con số này nhiều hơn 13% so với dự kiến trong vòng 2 năm. WHO cho biết, nhiều quốc gia chưa thống kê đầy đủ được số người tử vong vì COVID-19. Ở Ấn Độ, thực tế có 4,7 triệu ca tử vong do COVID-19, gấp 10 lần số liệu chính thức. Các quốc gia có tổng số ca tử vong do COVID-19 vượt mức cao nhất bao gồm Nga, Indonesia, Mỹ, Brazil, Mexico và Peru. Các quốc gia ở châu Phi có rất ít dữ liệu về số ca tử vong COVID-19.
Một nghiên cứu mô hình được thực hiện ở Israel cho thấy, các dòng phụ của biến thể Omicron có thể tự tiêu diệt trong vài tháng tới, nhưng biến thể Delta hoặc một biến thể khác của virus SARS-CoV-2 có thể làm bùng phát một đợt dịch COVID-19 nữa trong mùa hè này.
COVID-19 có thể bùng phát trở lại do biến thể Delta. (Ảnh: AP)
Theo nghiên cứu do Đại học Ben-Gurion (BGU) của Israel thực hiện và được công bố trên tạp chí Science of The Total Environment, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã thay thế các biến thể trước, nhưng Omicron chưa loại bỏ được biến thể Delta nguy hiểm xuất hiện trước nó và có thể bùng phát trở lại.
Theo mô hình do các nhà nghiên cứu BGU phát triển, Omicron có thể suy giảm cho đến khi triệt tiêu hoàn toàn, trong khi Delta vẫn tồn tại một cách khó hiểu. Điều này có thể dẫn đến bùng phát một đợt dịch mới do Delta gây ra hoặc phát sinh một thế hệ biến thể mới đáng lo ngại. Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng cần triển khai chiến dịch dịch tễ học dựa trên nước thải bởi đây là một công cụ tiện lợi có thể ngăn ngừa đại dịch.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi ngày 5/5 đã kêu gọi tất cả những bên mua vaccine ngừa COVID-19 ở châu lục này đặt hàng với hãng dược phẩm Aspen Pharmacare của Nam Phi, đồng thời cho biết, thị trường này đóng vai trò mấu chốt trong việc phát triển hoạt động bào chế vaccine trên ở "Lục địa Đen".
Theo CDC châu Phi, trung tâm này đang nỗ lực hết sức để tránh tình trạng Aspen phải đóng cửa nhà máy sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của hãng này do thiếu đơn đặt hàng.
Theo Phó Giám đốc của CDC châu Phi, Ahmed Ogwell Ouma, thị trường Nam Phi đóng vai trò lớn nhất trong việc đảm bảo sự phát triển mạnh mẽ về sản xuất vaccine phòng COVID-19 ở châu Phi. Ông Ouma nhấn mạnh: "Thông điệp của chúng tôi là chúng tôi cần có tất cả những người mua vaccine ở cấp độ toàn cầu cho các nước châu Phi và họ trước hết cần đặt hàng mua vaccine của các hãng sản xuất vaccine ở châu lục này".
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đã chỉ thị các Bộ Y tế, Giao thông Vận tải, Du lịch và Thể thao phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi COVID-19 từ đại dịch sang bệnh đặc hữu.
Phó Phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Trisulee Trisaranakul dẫn lời Phó Thủ tướng Anutin đánh giá, số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục giảm trong hai tuần sau Tết cổ truyền Songkran, tạo điều kiện Thái Lan chuẩn bị công bố COVID-19 là bệnh đặc hữu. Ông Anutin cho rằng, việc hạ cấp COVID-19 xuống trạng thái bệnh đặc hữu phải được thực hiện cùng với việc cung cấp kiến thức liên quan đến sức khỏe cho người dân để họ có thể tự bảo vệ mình và sống chung với căn bệnh này một cách an toàn.
Quốc gia Đông Nam Á này vào ngày 5/5 xác nhận thêm 9.790 ca mắc mới (không kể 8.728 ca có kết quả dương tính khi xét nghiệm bằng phương pháp kháng nguyên) cùng 54 người tử vong trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 ở Thái Lan được xác nhận ở dưới ngưỡng 10.000 người, trong khi số trường hợp tử vong ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3. Đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng trên 4,3 triệu ca nhiễm, trong đó có 28.914 bệnh nhân thiệt mạng.
Theo ông Anutin, Bộ Y tế Thái Lan sẽ tiếp tục theo dõi tình hình COVID-19. Nếu tình hình có thể được kiểm soát, sẽ có thêm nhiều hạn chế được nới lỏng để chuẩn bị tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu. Một trong số những đề xuất là chấm dứt việc xin Thẻ thông hành "Thailand Pass" cho người muốn nhập cảnh Thái Lan, ban đầu là đối với người Thái Lan về nước và sau đó là đối với người nước ngoài.
Thủ đô Trung Quốc siết chặt phòng chống dịch sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày. (Ảnh: AP)
Trước thực trạng số ca nhiễm mới COVID-19 tại Malaysia đang giảm dần xuống dưới 1.000 ca/ngày và Chính phủ nước này đã dỡ bỏ hầu hết những quy định kiểm dịch trước đây, các chuyên gia y tế nước này cảnh báo không nên dỡ bỏ thêm bất kỳ hạn chế nào nữa.
Các chuyên gia cho rằng, mặc dù dữ liệu cho thấy, tình hình COVID-19 đang ổn định và nằm trong tầm kiểm soát, nhưng các nhà chức trách nên đợi ít nhất 2 tuần sau dịp nghỉ lễ Hari Raya Aidilfitri, lễ tết lớn nhất của người Hồi giáo, bắt đầu từ ngày 1/5 trước khi chuyển sang giai đoạn tiếp theo.
Trong bối cảnh thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) siết chặt các biện pháp hạn chế để chống dịch COVID-19, nhiều người dân đã lựa chọn hình thức du lịch đường bộ về các khu vực ngoại ô, nông thôn trong kỳ nghỉ lễ Ngày Quốc tế lao động kéo dài từ ngày 1 - 4/5. Trong kỳ nghỉ lễ 5 ngày này, thủ đô Bắc Kinh đã thu hút 3 triệu lượt khách du lịch, thu về 1,58 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 238,9 triệu USD). Trong đó, 3 quận ngoại ô Diên Khánh, Bình Cốc và Mật Vân là những điểm đến được ưa chuộng hàng đầu.
Thủ đô Bắc Kinh tiếp tục siết chặt các biện pháp chống dịch sau kỳ nghỉ lễ, theo đó tạm dừng các hoạt động văn hóa và giải trí tại các địa điểm công cộng trong nhà; công viên và địa điểm tham quan ngoài trời được đón tiếp lượng khách tương đương 50% sức chứa. Nhà chức trách cũng cho đóng cửa một số trạm xe bus và 13 tuyến tàu điện ngầm.
Cơ quan y tế Bắc Kinh đã bắt đầu tiến hành thêm 3 đợt xét nghiệm axit nucleic trong 3 ngày liên tiếp từ ngày 3 - 5/5. Từ ngày 5/5, những người đến các địa điểm công cộng hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 7 ngày trước đó. Những người trở lại làm việc hoặc đến trường học sẽ phải trình kết quả xét nghiệm âm tính từ trước đó 48 giờ. Ngày 5/5, thành phố Bắc Kinh ghi nhận thêm 50 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng.
Trước đó, một trường hợp dương tính đã lây nhiễm cho gần 40 người khác sau khi sử dụng 3 nhà vệ sinh công cộng khác nhau vào hôm 3/5. Các biện pháp hạn chế này được đưa ra sau khi Bắc Kinh ghi nhận hơn 500 ca mắc COVID-19 từ ngày 22/4 - 4/5.
Trong khi đó, hơn 70% doanh nghiệp lớn tại thành phố Thượng Hải đã nối lại hoạt động và phục hồi công suất trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hoành hành tại thành phố này. Các khu công nghiệp tại thành phố cảng quan trọng hàng đầu thế giới này đang dần nối lại hoạt động và phục hồi sản xuất. Tỷ lệ phục hồi ở nhóm hơn 660 doanh nghiệp trọng yếu đạt 90%. Các chuỗi nhà máy sản xuất quan trọng như nhà máy sản xuất ô tô, mạch điện và dược phẩm sinh học tiếp tục khôi phục hoạt động và tăng sản lượng trong khi những doanh nghiệp dẫn đầu duy trì sản lượng ổn định.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, ngày 5/5, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này vẫn giảm dưới 50.000 ca trong ngày thứ hai liên tiếp trong bối cảnh Hàn Quốc đã dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi đi ra ngoài nhằm đưa đất nước trở lại bình thường như trước khi đại dịch bùng phát.
Theo KDCA, Hàn Quốc ghi nhận thêm 42.277 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số người bệnh ở nước này lên hơn 17,43 triệu trường hợp. Số ca mắc mới ngày 5/5 đã giảm nhẹ so với 49.064 ca vào ngày 4/5 và giảm mạnh so với 57.464 bệnh nhân một tuần trước đó.
Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 79 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng vì căn bệnh này đến nay lên 23.158 ca. Tính tới ngày 5/5, đã có 44,55 triệu người (86,8% dân số) ở Hàn Quốc đã được tiêm các mũi vaccine cơ bản, trong đó 33,16 triệu người đã tiêm mũi tăng cường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!