Khoảng 9.000 binh sĩ, 50 tàu chiến và 80 máy bay từ 20 quốc gia NATO đã tham gia cuộc tập trận Baltops lớn nhất từ trước đến nay. Đây cũng là cuộc tập trận Baltops đầu tiên mà Thụy Điển tham gia với tư cách là thành viên của khối.
Các kế hoạch tác chiến mới của NATO nhằm bảo vệ khu vực châu Âu - Đại Tây Dương cũng sẽ được áp dụng trong cuộc tập trận này.
Cuộc tập trận của NATO diễn ra trong bối cảnh nhiều lãnh đạo của liên minh quân sự này cảnh báo các chính phủ phương Tây cần chuẩn bị cho một cuộc xung đột với Nga trong 2 thập kỷ tới.
Bên cạnh việc tăng cường hoạt động quân sự gần biên giới với Nga, một yếu tố khác cũng đang khiến đối đầu NATO - Nga leo thang là việc NATO cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ tấn công bên trong lãnh thổ Nga, dẫn đến nguy cơ đối đầu quân sự trực diện với Moscow.
Trong cuộc họp báo tại Phần Lan, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các nước đồng minh tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine.
Ông Jens Stoltenberg phát biểu: "Trong những tháng qua, chúng tôi đã nhận thấy một số thiếu sót, một số chậm trễ trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Chúng ta cần đảm bảo điều đó không tiếp diễn. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang có kế hoạch thành lập một phái đoàn NATO chuyên trách Ukraine, cũng như tìm cách đạt được một cam kết tài chính dài hạn để đảm bảo Ukraine có dự tính và quản lý những khoản hỗ trợ quân sự từ các đồng minh NATO".
Tuần trước, ông Stoltenberg đã đề cập quan điểm cho phép Ukraine dùng vũ khí phương Tây đánh sang lãnh thổ Nga. Nhiều nước thành viên NATO đã bày tỏ đồng thuận quan điểm này.
Cuối tuần trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo ủy quyền cho Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ gửi để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong Nga, gần biên giới với tỉnh Kharkov của Ukraine. Trước đây, ông Biden nhất quyết hạn chế Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ gửi để tránh xung đột trực tiếp Nga - NATO. Sự thay đổi chính sách của Nhà Trắng đánh dấu lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ cho phép phản ứng quân sự hạn chế nhằm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ của một nước có vũ khí hạt nhân.
Khoảng 9.000 binh sĩ, 50 tàu chiến và 80 máy bay từ 20 quốc gia NATO đã tham gia cuộc tập trận Baltops lớn nhất từ trước đến nay (Ảnh: Tasnim News)
Sau Mỹ, Đức cũng tuyên bố rằng Ukraine có thể dùng vũ khí do Berlin gửi để tấn công sang các mục tiêu bên kia biên giới mà Nga sử dụng để tấn công Kharkov.
Cộng hòa Czech, Hà Lan, Phần Lan và Ba Lan ủng hộ quyết định này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thậm chí còn nhắc lại ý tưởng gửi quân phương Tây đến Ukraine mà ông từng đề xuất hồi tháng 2. Paris được cho là đang thảo luận với Kiev về việc gửi các huấn luyện viên quân sự của Pháp tới Ukraine.
Hà Lan, Đan Mạch bật đèn xanh cho Kiev sử dụng các máy bay chiến đấu F-16 mà các nước này cam kết gửi cho Ukraine để tấn công các mục tiêu bên trong Nga.
Các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư luôn đi đầu trong yêu cầu của Ukraine về viện trợ quân sự từ phương Tây, trong nỗ lực thách thức lợi thế sức mạnh không quân của Nga. Đến nay đã có Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy cam kết gửi tiêm kích F-16 cho Kiev.
Việc ngày càng nhiều nước NATO ủng hộ cho phép Ukraine dùng vũ khí phương Tây đánh sang Nga đang khiến căng thẳng đối đầu giữa liên minh quân sự này và Nga thêm nóng.
Phía Nga đã ghi nhận sự tăng cường hiện diện quân sự của NATO ở khu vực biên giới phía Bắc và phía Tây khu vực an ninh tập thể của Hiệp ước An ninh tập thể CSTO. Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu cho biết sự hiện diện quân sự của NATO ngày càng tăng với các hệ thống vũ khí mới được triển khai và số lượng các hành động khiêu khích trên không phận cũng gia tăng.
Nga cho rằng có một nỗ lực nhằm biến khu vực Á - Âu thành một đấu trường đối đầu địa chính trị và kêu gọi các thành viên Tổ chức CSTO tăng cường hợp tác quân sự và kỹ thuật nhằm đảm bảo an ninh khu vực.
Trong ngày 5/6, tại cuộc gặp với đại diện cấp cao của các hãng thông tấn quốc tế bên lề Diễn đàn Kinh tế quốc tế đang diễn ra tại Saint Petersburg, Tổng thống Nga Putin đã bác bỏ những cáo buộc về việc Nga có ý đồ tấn công các quốc gia NATO. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng Moscow không nên bị coi là kẻ thù vì điều này không có lợi cho các nước phương Tây. Ông Putin một lần nữa khẳng định Nga không có bất kỳ tham vọng đế quốc hay kế hoạch tấn công các nước NATO. Moscow sẵn sàng đàm phán về Ukraine nhưng điều quan trọng là phải tìm được một bên để ký thỏa thuận.
Theo giới phân tích, căng thẳng Nga - NATO ngày càng leo thang và rõ ràng là đang ở mức đối đầu trực tiếp. Trong bối cảnh tiềm năng quân sự của NATO gần biên giới Nga được tăng cường, Nga đã tuyên bố tăng cường an ninh theo các hướng chiến lược và thành lập 2 nhóm lực lượng khu vực chiến lược - quân khu Leningrad và Moscow.
Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev cảnh báo việc các nước phương Tây cho phép tấn công Nga bằng vũ khí của NATO là hành vi "tham gia trực tiếp vào chiến tranh" và có thể trở thành lý do chính thức dẫn đến bùng nổ chiến sự. Khả năng về một cuộc chiến tranh hạt nhân không phải là không có cơ sở để lo ngại.
Trong cuộc gặp hôm 5/6, Tổng thống Putin đã nhắc đến học thuyết hạt nhân của Nga. Theo đó, nếu có hành động đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Moscow sẽ cân nhắc sử dụng mọi biện pháp. Tuy nhiên, Tổng thống Nga cũng khẳng định việc sử dụng vũ khí hạt nhân phải được cân nhắc một cách thận trọng. Nhà lãnh đạo Nga chỉ ra rằng phương Tây đã nhiều lần cáo buộc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân nhưng đến nay "Mỹ là quốc gia duy nhất sử dụng vũ khí hạt nhân trong Thế chiến thứ hai".
Những diễn biến hiện nay cho thấy sự cần thiết phải nối lại đối thoại Nga - Mỹ về giảm thiểu rủi ro hạt nhân và kiểm soát vũ khí để tránh tính toán sai lầm và cạnh tranh hạt nhân.
Các quốc gia không có vũ khí hạt nhân có thể thúc giục Moscow và Washington tham gia đàm phán về một thỏa thuận khung kiểm soát vũ khí hạt nhân mới trước khi Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới hết hạn vào năm 2026.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!