Những quan ngại về chất lượng vaccine COVID-19 của Nga
Người phát ngôn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết vẫn chưa nhận được đủ thông tin về loại vaccine ngừa COVID-19 có tên Sputnik-V, mới đăng ký của Nga để đánh giá về hiệu quả của nó.
Vaccine Sputnik V của Nga
Ông Jarbas Barbosa, Trợ lý Giám đốc khu vực của Tổ chức y tế thế giới, chia sẻ: "Chúng tôi đang chờ thông tin của Nga về loại vaccine mới. WHO chỉ đưa ra khuyến nghị về một loại vaccine sau khi đã phân tích và kiểm định tất cả các thông tin và dữ liệu cần thiết".
Còn về phía một số nhà khoa học Mỹ và Đức, họ cũng đưa ra một số quan ngại.
Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, bày tỏ những hoài nghi về số lượng người tham gia thử nghiệm lâm sàng cho vaccine của Nga.
Ông Gottlieb trả lời kênh CNBC: "Tôi chắc chắn sẽ không dùng nó ngoài mục đích thử nghiệm lâm sàng vào lúc này. Nó dường như mới được thử nghiệm tối đa trên vài trăm bệnh nhân. Một số báo cáo còn cho hay nó được thử nghiệm với chưa đến 100 bệnh nhân".
Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ, trả lời kênh CNBC về vaccine của Nga
Theo hãng tin Reuters, Hiệp hội các tổ chức thử nghiệm lâm sàng (ACTO) đặt tại Matxcơva đã từng kêu gọi Bộ Y tế Nga hoãn phê duyệt vaccine Sputnik V cho đến khi thử nghiệm giai đoạn 3 thành công.
Nga phản hồi trước những quan ngại về chất lượng vaccine Sputnik V
Trước những quan ngại về chất lượng vaccine Sputnik V, Giáo sư Alexander Gintsburg, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh Gamaleya, nơi đã và đang điều chế loại vaccine này đã đưa ra giải thích rằng, khái niệm "tốc độ nhanh" mà báo giới phương Tây đang chỉ trích chỉ mang tính chất tương đối, còn tùy vào cách tính thời điểm xuất phát.
Trên thực tế, các nhà khoa học Nga đã nghiên cứu công nghệ này từ 25 năm trước, đã tạo ra ba đến bốn loại vaccine trên cơ sở này.
Từ năm 2014, các chuyên gia Nga đã tạo ra vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết Ebola và hai biến thể khác của vaccine này trong 15 tháng, với các cuộc thực nghiệm ở Châu Phi. Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, vaccine ngăn ngừa virus Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) cũng gần như đã được hoàn thành. Có nghĩa là ở thời điểm đó, để tạo ra một loại vaccine chống virus corona chủng mới chỉ cần chèn thêm một trình tự khác vào vector như một cách thức "vận chuyển" vật liệu di truyền vào tế bào, chứ thực chất vaccine mới tương đồng đến 80% với vaccine đã được thử nghiệm. Đồng thời khi đó cũng đã có hơn 220 người Nga được tiêm thử nghiệm vaccine MERS và cho kết quả an toàn.
Tất cả điều này cho phép các nhà khoa học Nga lặp lại những gì đã được thực hiện trong thời gian ngắn nhất có thể, để tạo ra vaccine phòng ngừa COVID-19.
Nhà khoa học nghiên cứu vaccine Sputnik V
Quy trình phát triển vaccine thông thường
Thông thường, để phát triển thành công một loại vaccine sẽ phải trải qua các 5 bước: Phân lập và nuôi cấy được virus, thử nghiệm tiền lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng, phê duyệt - chấp thuận, theo dõi - hậu đánh giá.
Trong thử nghiệm lâm sàng sẽ chia ra thành 3 giai đoạn:
Giai đoạn I: Thử nghiệm ở một nhóm rất nhỏ, đôi khi chỉ khoảng 5-6 người, giúp loại bỏ các vấn đề an toàn chính và tìm ra liều lượng phù hợp cho bước tiếp theo trong quy trình thử nghiệm.
Giai đoạn II: Thử nghiệm vaccine với nhóm từ 100 đến 200 người. Số lượng người tham gia có thể lên tới 1000 người. Tại giai đoạn này, các nhà nghiên cứu kiểm tra khả năng đáp ứng miễn dịch của vaccine và theo dõi bất kỳ tác dụng phụ nào có thể xảy ra.
Giai đoạn III: Giai đoạn thử nghiệm quy mô lớn với sự tham gia của hàng ngàn người để theo dõi hiệu quả của vaccine, kiểm tra các vấn đề hiếm gặp, chưa xuất hiện trong giai đoạn II. Đây thường là giai đoạn quan trọng để xem xét phê duyệt một loại vaccine.
Những vấn đề đối với vaccine chưa được thử nghiệm đầy đủ
Trên tạp chí Foreign Affair, ông Thomas Bollyky - Giám đốc chương trình Y tế toàn cầu của tổ chức Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR) - cảnh báo rằng, vaccine không được thử nghiệm đầy đủ tiềm ẩn nguy cơ, ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe. Ngoài ra, nó còn tạo ra cảm giác an toàn giả. Thậm chí, nếu đưa vào sử dụng và có những tác hại không mong muốn thì nó có thể khiến nhiều người mất niềm tin vào vaccine.
Công ty Moderna (Mỹ) là một trong những nhà sáng chế dẫn đầu cuộc đua vaccine COVID-19
Tạp chí Wired có nhắc tới những tác dụng phụ của vaccine khi chưa được thử nghiệm đầy đủ và cũng đặt vấn đề rằng độ an toàn của tất cả các loại vaccine ngừa COVID-19, kể cả của loại mà hãng Moderna (Mỹ) và Đại học Oxford đang nghiên cứu cũng không là ngoại lệ.
Có thể nói, cuộc đua tìm ra vaccine ngừa COVID-19 đạt được kết quả sớm sẽ là thành tựu lớn của ngành khoa học, y tế thế giới. Nhưng cũng cần sự chắc chắn và hiệu quả thật sự để đảm bảo rằng con người sẽ được bảo vệ hoàn toàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!