Cảnh sát Indonesia tuần tra tại trạm xe bus ở Kampung Melayu, Jakarta. (Ảnh: Reuters)
Hãng tin Antara ngày 18/1 dẫn lời Bộ trưởng Wiranto khẳng định việc ngăn chặn các hành vi và mối đe dọa khủng bố là trách nhiệm chung của tất cả các cơ quan chức năng cũng như người dân Indonesia, trong đó Cơ quan chống khủng bố quốc gia (BNPT) giữ vai trò phối hợp và hợp nhất các tiềm năng to lớn của tất cả các lực lượng, góp phần thực hiện tốt các biện pháp nhằm giúp cuộc chiến này đạt hiệu quả. Do đó, việc xây dựng sức mạnh tổng hợp rất quan trọng. Tất cả các bộ, các cơ quan liên quan được khuyến khích góp phần chống khủng bố thông qua phương thức phòng ngừa mối nguy này. Điển hình phải kể tới sự phối hợp giữa Bộ Xã hội, Bộ Tài chính, Cơ quan Kế hoạch Phát triển Quốc gia… nhằm ngăn chặn nguồn tài chính dành cho các hoạt động khủng bố.
Indonesia xác định không dễ dàng để loại bỏ các mối đe dọa của khủng bố bởi chúng thiên biến vạn hóa, ngày càng khó nhận biết, khó phát hiện và điều quan trọng là cần nỗ lực bằng mọi cách để các mối đe dọa không có cơ hội phát triển.
Theo một số chuyên gia chống khủng bố Indonesia, một trong những cách hiệu quả để giải phóng nước này khỏi vòng luẩn quẩn của chủ nghĩa cực đoan và khủng bố là trao quyền cho phụ nữ, vì họ có thể góp phần tích cực giải cứu trẻ em Indonesia khỏi âm mưu của các phần tử cực đoan nhằm tuyển mộ các chiến binh nhỏ tuổi.
Indonesia đã trở thành mục tiêu tấn công của các đối tượng khủng bố từ năm 2000. Sự lan truyền chủ nghĩa cực đoan và khủng bố tiếp tục đe dọa đất nước này cho đến nay.
Tháng 5/2018 đã xảy ra 3 vụ tấn công vào các nhà thờ ở thành phố Surabaya, Đông Java. Trước đó, tháng 1/2016, các đối tượng ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Indonesia đã tiến hành một vụ đánh bom liều chết và hàng loạt vụ tấn công ngay tại thủ đô Jakarta, khiến 8 người thiệt mạng.
Vụ việc trên đã thêm vào danh sách các vụ tấn công đẫm máu với kẻ thủ ác là các phần tử khủng bố ở Indonesia. Từ năm 2000 - 2012, hơn 10 vụ tấn công đã xảy ra tại thủ đô, bao gồm vụ đánh bom Đại sứ quán Australia (tháng 9/2004), vụ đánh bom khách sạn Marriott và Ritz-Carlton tháng 7/2009.
Năm 2002, đảo Bali của Indonesia cũng chấn động bởi 3 vụ đánh bom khủng bố do các tay súng Hồi giáo cực đoan tiến hành, khiến 202 người thiệt mạng (phần lớn là khách du lịch đến từ hơn 20 quốc gia) và hơn 200 người khác bị thương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!