Nguy cơ khủng hoảng nợ công của các nước đang phát triển

Quỳnh Chi (T/h)-Chủ nhật, ngày 05/03/2023 18:01 GMT+7

(Ảnh minh họa: Getty)

VTV.vn - 25 trong số 52 nước đang phát triển gặp vấn đề về nợ đang phải chi khoảng 20% thu nhập công chỉ để chi trả cho các khoản nợ.

Ngày 5/3, Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), ông Achim Steiner, đã kêu gọi gia tăng các biện pháp khẩn cấp nhằm hỗ trợ 52 nước đang đối mặt khủng hoảng nợ công, thậm chí đứng trước nguy cơ vỡ nợ, giảm bớt gánh nặng này.

Trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị lần thứ 5 của Liên hợp quốc về các nước kém phát triển đang diễn ra tại thủ đô Doha (Qatar), ông Steiner nhấn mạnh, thực trạng nợ nần tại các nước đang phát triển này hiện ở mức rất nghiêm trọng, khi tất cả 52 nước "đang trong tình trạng nợ nần chồng chất, hoặc rất gần với nguy cơ vỡ nợ".

Ông Steiner kêu gọi nỗ lực quốc tế nhằm tăng tính thanh khoản, cũng như những giải pháp tái cơ cấu và gia hạn nợ, tránh để các nước trên lâm vào cảnh vỡ nợ.

Vào tháng 12/2022, Hội nghị quản lý nợ lần thứ 13 do Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) chủ trì diễn ra tại Geneve (Thụy Sĩ) đã thu hút sự tham gia của lãnh đạo nhiều quốc gia, trong bối cảnh làn sóng khủng hoảng toàn cầu đã khiến nhiều nước đang phát triển phải vay nợ nhiều hơn. Thế giới cần các giải pháp đa phương mạnh mẽ để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ mà các nước đang phát triển phải đối mặt.

Nguy cơ khủng hoảng nợ công của các nước đang phát triển - Ảnh 1.

(Ảnh: ACT)

Sau những "cú sốc" mang tính hệ thống tác động mạnh đến nhiều quốc gia cùng một lúc, bao gồm đại dịch, bất ổn địa chính trị và tình trạng khí hậu khắc nghiệt, mức nợ của chính phủ tính theo tỷ trọng GDP đã tăng ở hơn 100 quốc gia đang phát triển từ năm 2019 đến năm 2021. Nếu không tính Trung Quốc, mức tăng này ước tính vào khoảng 2.000 tỷ USD. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các nước nghèo nhất thế giới hiện đang nợ các chủ nợ song phương chính thức 62 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2021.

Với lãi suất tăng mạnh, khủng hoảng nợ đang gây áp lực lớn lên tài chính công, nhất là với các nước đang phát triển cần đầu tư cho giáo dục, y tế, nền kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ước tính của UNCTAD cho thấy, nếu mức tăng trung bình của các khoản nợ chính phủ được xếp hạng kể từ năm 2019 được phản ánh đầy đủ trong các khoản thanh toán lãi, các chính phủ sẽ phải trả thêm 1,1 nghìn tỷ USD cho tổng nợ toàn cầu vào năm 2023. Số tiền này gần gấp 4 lần khoản đầu tư ước tính hằng năm là 250 tỷ USD cần thiết cho việc thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển.

Gánh nặng nợ công tại các nước đang phát triển Gánh nặng nợ công tại các nước đang phát triển

VTV.vn - Trong khi các nước giàu ít gặp khó khăn trong việc đối phó với các khoản nợ ngày càng tăng thì nhiều nền kinh tế đang phát triển chịu áp lực lớn hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước