Thông tin trên được nhóm nhà khoa học thuộc World Weather Attribution (WWA) chuyên điều tra mối liên hệ giữa hiện tượng nóng lên toàn cầu và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trên toàn thế giới công bố hôm 18/4. Bằng cách sử dụng kết hợp dữ liệu thời tiết lịch sử và mô hình máy tính, nhóm nhà khoa học so sánh các sự kiện trong đời thực với các kịch bản giả định, trong đó biến đổi khí hậu không tồn tại để xác định mức độ tồi tệ hơn do lượng phát thải khí nhà kính của con người gây ra.
Nghiên cứu đã xem xét đợt nắng nóng như thiêu đốt các vùng của Tây Phi và khu vực phía Tây Sahel của lục địa này vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 vừa qua. Theo nghiên cứu, nhiệt độ nóng nhất được ghi nhận vào ngày 3/4 tại Mali với 48,5oC. Con số chính xác các ca ốm bệnh và tử vong liên quan đến nhiệt vẫn chưa được xác định, mặc dù hàng triệu người bị ảnh hưởng do nhiệt độ quá khắc nghiệt. Tại thủ đô Bamako, Bệnh viện Gabriel-Toure thông báo số ca tử vong tăng vọt, với 102 ca tử vong trong 4 ngày đầu tháng 4.
Nhiệt độ ở các vùng của Burkina Faso cũng lên tới 45oC. Theo nhà sử học thời tiết Maximiliano Herrera, người theo dõi nhiệt độ kỷ lục trên khắp thế giới, đây là nhiệt độ tháng 4 nóng nhất từng được ghi nhận ở châu Phi. Nắng nóng cực độ cũng thiêu đốt nhiều vùng ở Niger, Nigeria, Benin, Togo, Ghana, Côte d'Ivoire, Mauritania, Senegal, Gambia, Guinea-Bissau và Guinea.
Theo các nhà khoa học, Tây Phi là nơi có những nhóm dân cư dễ bị tổn thương, thiếu khả năng tiếp cận với điện, thiết bị làm mát hoặc nước uống sạch. Phần lớn khu vực này cũng trải qua quá trình đô thị hóa mạnh mẽ trong những năm gần đây, làm giảm không gian xanh hoặc bóng râm và tăng nhiệt độ cục bộ trong một hiện tượng được gọi là hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.
Nguy cơ đối với nhiều người có thể tăng cao do nhiệt độ khắc nghiệt. Đợt nắng nóng trùng với tháng thánh lễ Ramadan khi nhiều người Hồi giáo kiêng ăn hoặc uống từ lúc bình minh đến hoàng hôn, một tập tục có thể khiến một số người dễ bị tổn thương hơn trước những nguy cơ sức khỏe do nắng nóng cực độ gây ra.
Một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bao gồm Burkina Faso và Mali, cũng đang phải vật lộn với tình trạng mất điện thường xuyên do cơ sở hạ tầng điện cũ kỹ, nhu cầu ngày càng tăng và mạng lưới điện ngày càng quá tải. Mất điện cũng trùng với đợt nắng nóng gần đây ở cả hai nước, làm giảm khả năng tiếp cận máy điều hòa.
Phát biểu tại cuộc họp báo công bố phát hiện này, ông Kiswendsida Guigma, nhà khoa học khí hậu thuộc Trung tâm Khí hậu Trăng lưỡi liềm đỏ và Chữ thập đỏ tại Burkina Faso và đồng tác giả của nghiên cứu mới, cho biết: "Nắng nóng đã dẫn đến việc cắt điện và việc cắt điện đã làm trầm trọng thêm tác động của nắng nóng cực độ trong khu vực".
Các nhà nghiên cứu nhận thấy một đợt nắng nóng như gần đây vẫn còn tương đối hiếm, ngay cả trong điều kiện khí hậu ngày nay nóng lên 1,2oC. Trên khắp khu vực Tây Phi rộng lớn hơn, nhiệt độ ban ngày cao tương tự có thể xảy ra khoảng 30 năm một lần. Tuy nhiên, nhiệt độ ban ngày giống như nhiệt độ ở Mali và Burkina Faso dự kiến sẽ xảy ra khoảng 200 năm một lần.
Dù vậy, các nhà khoa học cũng cảnh báo các đợt nắng nóng cực độ như trên sẽ trở nên phổ biến hơn và thậm chí còn nguy hiểm hơn, trừ khi thế giới tránh xa nhiên liệu hóa thạch và các quốc gia nhanh chóng giảm lượng khí thải xuống mức 0. Nếu toàn cầu nóng lên thêm 2oC, như dự báo sẽ xảy ra vào những năm 2040 hoặc 2050, những hiện tượng tương tự sẽ xảy ra thường xuyên hơn gấp 10 lần, trừ khi nhanh chóng hạn chế được lượng phát thải khí nhà kính.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!