Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre. (Ảnh: AP)
Đồng thời, Nhà Trắng cho rằng ngay cả khi xung đột với Nga được giải quyết, tư cách thành viên NATO của Kiev vẫn còn rất xa vời khi nước này gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn của liên minh quân sự này.
Khi được hỏi liệu Ukraine có được cung cấp "một lộ trình rõ ràng để trở thành thành viên NATO" tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva vào tuần tới hay không, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên rằng Kiev vẫn còn nhiều rào cản cần giải quyết.
"Tổng thống (Mỹ Joe Biden) đã nhắc đi nhắc lại điều này: Ukraine sẽ phải thực hiện cải cách để đáp ứng các tiêu chuẩn giống như bất kỳ quốc gia NATO nào trước khi họ gia nhập", bà Karine Jean-Pierre nói trong một cuộc họp báo hôm 5/7. Và trong khi Washington vẫn cam kết với chính sách mở cửa của NATO, bà lưu ý rằng "bất kỳ quyết định nào" về việc mở rộng NATO phải được tất cả các thành viên của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương này ủng hộ.
Mặc dù bà Jean-Pierre không nêu rõ những cải cách mà Kiev sẽ phải thực hiện, nhưng Tổng thống Biden trước đó đã tuyên bố rằng NATO sẽ không "tạo điều kiện đặc biệt để Ukraine gia nhập", lập luận rằng Kiev sẽ phải đáp ứng các tiêu chí giống như bất kỳ quốc gia nào khác muốn trở thành thành viên của NATO.
Bất chấp những bình luận trước đó, trong cuộc gặp giữa Tổng thống Ukraine Zelensky và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg vào tháng 6, hai nhà lãnh đạo được cho là đã thảo luận về kế hoạch đơn giản hóa quá trình gia nhập NATO của Ukraine. Theo kế hoạch của ông Stoltenberg, quốc gia này sẽ không phải hoàn thành "kế hoạch hành động để trở thành thành viên" thường được yêu cầu đối với những nước nộp đơn xin gia nhập NATO. Trong khi các quốc gia Đông Âu khác đã hoàn thành những thủ tục trước khi được kết nạp, thành viên mới nhất của NATO là Phần Lan đã bỏ qua quy trình này sau khi nộp đơn xin gia nhập vào năm 2022.
Quan điểm chính thức của NATO về tư cách thành viên của Ukraine vẫn không thay đổi kể từ năm 2008, khi tổ chức này tuyên bố rằng Ukraine "sẽ trở thành thành viên" vào một thời điểm không xác định trong tương lai. Mặc dù Kiev đã chính thức nộp đơn xin gia nhập vào tháng 9/2022 nhưng đã có rất ít tiến triển kể từ đó.
Một số quan chức Mỹ và đồng minh cho rằng vấn đề chỉ nên được giải quyết sau khi cuộc xung đột với Nga kết thúc, vì việc Ukraine gia nhập NATO có thể khiến khối này có chiến tranh với Nga.
Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng họ coi việc NATO mở rộng sang phía Đông là mối đe dọa đối với an ninh của Nga và coi tính trung lập của Ukraine là một trong những điều kiện cho bất kỳ nền hòa bình lâu dài nào giữa hai nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!