Ngày 19/2, công ty Astroscale (Nhật Bản) cho biết đã phóng thành công một vệ tinh để thăm dò trạng thái của một phần tên lửa H2A được phóng vào quỹ đạo không gian trước đó. Đây là động thái đầu tiên trên thế giới trong bối cảnh công ty khởi nghiệp này tìm cách phát triển công nghệ dọn rác vũ trụ.
Công ty Astroscale do cựu quan chức Bộ trưởng Tài chính Nobu Okada thành lập năm 2013 nhằm cung cấp các dịch vụ thương mại để dọn rác thải không gian.
Cơ quan Vũ trụ Châu Âu ước tính có khoảng một triệu mảnh vụn lớn hơn 1 cm từ vệ tinh và tên lửa đang ở trên quỹ đạo. Những mảnh vụn này có thể vô hiệu hóa hoạt động của các tàu vũ trụ.
Mô hình robot dọn rác vũ trụ của công ty Astroscale (Ảnh: Japantimes)
Tàu vũ trụ được Nhật Bản phóng từ New Zealand hôm nay là tàu đầu tiên được chọn cho chương trình loại bỏ các mảnh vụn lớn trong vũ trụ, có nguồn gốc từ Nhật Bản. Những loại rác như vệ tinh không còn được sử dụng, các bộ phận của tên lửa và mảnh vỡ từ các vụ va chạm đã xuất hiện kể từ khi con người bắt đầu thời đại vũ trụ. Các giải pháp tiềm năng bao gồm sử dụng chùm tia laser để đẩy các vật thể rác vào quỹ đạo mới và sử dụng nam châm để thu thập và di chuyển các vệ tinh không còn hoạt động.
Trong tương lai, Nhật Bản có kế hoạch thu gom rác thải vũ trụ bằng cách sử dụng cánh tay robot được trang bị trên vệ tinh và đốt rác thải trong khí quyển.
Năm 2023, Trạm vũ trụ quốc tế ISS đã phải thực hiện các thao tác để ngăn chặn va chạm với phần còn lại của các vệ tinh không còn được sử dụng của Nga và Trung Quốc. Thật không may, cho đến nay vẫn chưa có công nghệ nào được phát triển để loại bỏ nó khỏi quỹ đạo.
Thời gian gần đây, Nhật Bản đã thể hiện được năng lực cạnh tranh trong ngành công nghiệp vũ trụ. Ngày 20/1 vừa qua, Nhật Bản chính thức trở thành quốc gia thứ 5 đưa tàu đổ bộ đáp thành công xuống Mặt Trăng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!