Neil Armstrong bên cạnh lá cờ Hoa Kỳ trên Mặt trăng. (Ảnh: AFP)
Ngày 22/2 tới, dự kiến tàu đổ bộ của công ty Mỹ Scorpius sẽ hạ cánh lên bề mặt mặt trăng. Nếu thành công, đây sẽ là thành tựu lớn đối với một công ty tư nhân.
Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu, trên toàn cầu, hơn 100 sứ mệnh mặt trăng dự kiến sẽ diễn ra từ nay tới năm 2030. Lần cuối dấu chân con người in trên mặt trăng là vào năm 1972. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, giờ là lúc các nước đang đua nhau quay trở lại.
Mô phỏng tàu vũ trụ SLIM của Nhật Bản trên bề mặt mặt trăng (Ảnh: JAXA)
Tại xưởng chế tạo của công ty Scorpius, họ đang chế tạo bình chứa nhiên liệu, một trong những công nghệ mới trang bị trên tàu vũ trụ sẽ đáp xuống mặt trăng. Ông Jim Wertz, Chủ tịch công ty Microcosm, cho biết: "Bình nhiên liệu của chúng tôi sẽ được sử dụng trong tất cả các loại tàu vũ trụ ở quỹ đạo thấp của Trái đất, lên mặt trăng, tới sao Hỏa, khám phá phần còn lại của hệ mặt trời. Nó sẽ được sử dụng cho hầu hết các tàu không gian vì nó nhẹ và rất mạnh mẽ".
Cuộc đua chinh phục mặt trăng đang chứng kiến sự tham gia của cả các công ty tư nhân và các chính phủ. Tháng 1/2024, Nhật Bản đã trở thành quốc gia thứ năm, sau Nga, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, đổ bộ lên bề mặt mặt trăng với kỹ thuật hạ cánh mềm chính xác.
Ông Shinichiro Sakai - Giám đốc dự án tàu thăm dò mặt trăng của Nhật Bản - nói: "Tôi tin rằng chúng tôi đã đạt được điều mà trước đây chưa ai có thể làm được, chứng minh rằng bạn có thể hạ cánh xuống ở nơi bạn muốn, thay vì chỉ hạ cánh ở nơi bạn có thể. Những cánh cửa mới sẽ mở ra và chúng tôi sẽ có thể thực hiện những sứ mệnh mà trước đây chúng tôi chưa thể thực hiện được và tôi nghĩ đó là điểm quan trọng nhất".
Trong năm nay, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA hy vọng sẽ khởi động sứ mệnh đưa robot tự hành lên mặt trăng, từ đó mở đường cho việc đưa con người trở lại vệ tinh này vào năm 2026.
Tên lửa Vulcan mang theo tàu đổ bộ mặt trăng của Mỹ được phóng vào ngày 8/1 (Ảnh: AFP)
Ông Victor Glover - phi hành gia - chia sẻ: "Thúc đẩy bản thân khám phá là bản chất của con người chúng ta. Chúng tôi ra ngoài đó và khám phá để tìm hiểu xem chúng ta đang ở đâu, tại sao chúng ta tồn tại, hiểu được những câu hỏi lớn về vị trí của chúng ta trong vũ trụ. Cuộc thám hiểm mà chúng tôi đang thực hiện là những bước đầu tiên trên con đường đưa con người lên sao Hỏa".
Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đều có ý định đưa phi hành gia lên mặt trăng muộn nhất vào năm 2040, trong khi Trung Quốc và Nga muốn xây dựng căn cứ ở đó vào năm 2035.
Ông Takeshi Tsuchiya, Đại học Tokyo, Nhật Bản nhận định: "Mặt trăng rất quan trọng vì đó là nơi dễ tiếp cận nhất từ Trái đất và cũng bởi vì mặt trăng đã được phát hiện có chứa nhiều tài nguyên như Heli - một nguyên tố hiếm trên Trái đất".
Heli được coi là Chén Thánh của năng lượng sạch vì nó có thể được sử dụng để tạo ra phản ứng tổng hợp hạt nhân, tạo ra nhiều năng lượng hơn nhưng không có các sản phẩm phụ phóng xạ có hại. Ngoài Heli, các nhà khoa học tin rằng có một lượng lớn oxit kim loại bên dưới bề mặt mặt trăng như các lớp silicon, titan, nhôm, và đất hiếm.
Các nhà khoa học hy vọng rằng việc khám phá không gian có thể thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia. Cách đây hơn 100 năm, việc nghiên cứu về cực Nam của Trái đất đã kết nối hàng nghìn người từ hàng chục quốc gia. Đến nay, sự khởi đầu của việc nghiên cứu cực Nam của mặt trăng có thể dẫn đến sự hợp tác toàn cầu lớn hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!