Các thành viên thuộc Các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tới sân bay ở Juba. (Nguồn: TTXVN)
Ngày 10/3, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo Chính phủ Nhật Bản sẽ chấm dứt sự tham gia của Các lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Nam Sudan vào cuối tháng 5 tới.
Trả lời phỏng vấn, Thủ tướng Abe cho hay do Nam Sudan đang bước vào giai đoạn mới của việc xây dựng quốc gia, Nhật Bản cho rằng nước này có thể chấm dứt các nỗ lực xây dựng mà SDF đang tham gia tại Thủ đô Juba của Nam Sudan.
Trong khi đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh việc rút SDF không phải do tình hình an ninh xấu đi tại khu vực các binh sĩ SDF được triển khai. Luật pháp Nhật Bản cho phép các binh sĩ SDF tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình chỉ khi thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên tham chiến tại quốc gia sở tại được duy trì.
Tháng 11/2016, nhiệm kỳ của SDF đã được gia hạn thêm 5 tháng để tiếp tục nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng tại Nam Sudan. SDF lâu nay bị hạn chế sử dụng vũ khí, trừ trường hợp họ là mục tiêu tấn công. Tuy nhiên, luật an ninh gây tranh cãi được ban hành năm ngoái của Nhật Bản đã mở rộng phạm vi hoạt động của SDF.
Chính phủ Nhật Bản đã quyết định giao cho Lực lượng Phòng vệ Mặt đất (GSDF) thêm nhiệm vụ mới là giải cứu các nhân viên LHQ và những người khác bị tấn công kể cả khi GSDF không phải là mục tiêu tấn công trực tiếp. Động thái trên đã làm dấy lên tranh cãi về môi trường an ninh tại Nam Sudan.
Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đã bị chỉ trích về việc đánh giá thấp tính nghiêm trọng của cuộc xung đột tại Nam Sudan, khi cho rằng đây chỉ là xung đột vũ trang trong khi nhật ký hoạt động hàng ngày của binh sĩ Nhật Bản lại miêu tả đây là những cuộc chiến.
Nam Sudan đã rơi vào nội chiến kéo dài kể từ tháng 12/2013, sau khi Tổng thống Salva Kiir cáo buộc cựu Phó Tổng thống, đồng thới là thủ lĩnh phe đối lập, Riek Machar âm mưu đảo chính. Với sự trung gian của LHQ và Mỹ, một thỏa thuận hòa bình đã ký kết vào tháng 8/2015 và một chính phủ hòa hợp dân tộc chuyển tiếp được thành lập vào tháng 4/2016, nhưng một lần nữa thỏa thuận hòa bình đã bị đổ vỡ và bạo lực tái bùng phát từ tháng 7/2016 đến nay.
Tháng trước, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã lên án việc giao tranh tiếp diễn tại Nam Sudan và kêu gọi các bên chấm dứt thù địch. HĐBA cũng bày tỏ quan ngại rằng Chính phủ Nam Sudan đang cản trở lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ thực hiện nhiệm vụ tại đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!