Cuộc gặp giữa hai Thủ tướng chưa đủ phá vỡ bế tắc trong nhiều năm giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Ảnh: Nikkei.
Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-Yon thay mặt Tổng thống Moon Jae-in tới Nhật Bản dự lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito. Sau buổi lễ, Thủ tướng Hàn Quốc đã có cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà, Abe Shinzo. Đây là cuộc gặp cấp cao nhất kể từ khi căng thẳng giữa hai bên bùng phát liên quan vấn đề lao động cưỡng bức trong thời kỳ chiến tranh và dẫn tới xung đột thương mại trong thời gian gần đây.
Lãnh đạo hai nước đưa ra những phát biểu rất chung về tình hình, đó là cần cải thiện quan hệ. Tuy không có những sáng kiến cụ thể nhưng đây có thể là tiền đề cho những bước cải thiện thực chất sau này.
Cuộc gặp diễn ra ở một thời điểm rất mấu chốt, khi mà các bên đã dần thấm những biện pháp thương mại áp đặt lên lẫn nhau. Nhật Bản hạn chế các vật liệu công nghệ cao xuất khẩu sang Hàn Quốc trong khi Hàn Quốc hủy các thỏa thuận chia sẻ thông tin quân sự, loại bỏ Nhật Bản ra khỏi danh sách các nước ưu tiên xuất khẩu.
Tác động của những biện pháp này có độ trễ nhất định. Các vật liệu công nghệ cao là cực kỳ thiết yếu với ngành sản xuất chip, rồi điện thoại di động của Hàn Quốc. Tuy nhiên, bất cứ một doanh nghiệp lớn nào cũng sẽ trữ kho một số lượng nhất định nguyên vật liệu sản xuất, đủ đảm bảo cho vài tháng hoạt động trong trường hợp nguồn cung gián đoạn. Tới nay, đã qua vài tháng, bên phía Hàn Quốc không còn thời gian để thi gan với Nhật Bản.
Đối với phía Nhật Bản, làn sóng dân tộc tại Hàn Quốc dâng cao đang là vấn đề. Người dân Hàn Quốc hiện giờ bài sản phẩm, dịch vụ Nhật Bản cung cấp. Du lịch Nhật Bản, vốn phụ thuộc vào du khách Hàn Quốc, giờ đang chịu tác động.
Tăng trưởng GDP năm 2019 của Hàn Quốc được dự báo sẽ chỉ đạt 2%, mức thấp nhất kể từ cuộc suy thoái toàn cầu 2008. Còn phía Nhật Bản, xuất khẩu giảm mạnh, doanh số ô tô Nhật Bản ở Hàn Quốc giảm 57% trong tháng 9/2019. Du khách Hàn Quốc tới Nhật Bản cũng giảm một nửa.
Như vậy, với căng thẳng hiện nay, Hàn Quốc và Nhật Bản đang tự níu mình lại. Đây có thể là một thời điểm cho một sự hòa giải?
Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản và Hàn Quốc tại Tokyo, hai bên đã nhất trí sẽ thảo luận về biện pháp giải quyết căng thẳng thương mại thông qua các kênh ngoại giao. Mặc dù chưa nêu được biện pháp cụ thể nhưng đây cũng là động thái tích cực mới nhất về quan hệ song phương.
Trước đó, phía Hàn Quốc đã đề xuất một số giải pháp cho căng thẳng giữa hai nước, nổi bật là đề nghị thành lập quỹ chung để bồi thường cho những người phụ nữ mua vui, nạn nhân của quân đội Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Tuy nhiên, Nhật Bản không xem xét đề nghị này một cách nghiêm túc, vì mới cách đây 3 tháng, cũng chính phía Hàn Quốc đã đơn phương ra lệnh giải thể quỹ bồi thường do Nhật Bản thành lập vào năm 2015. Gần đây, chính phủ Hàn Quốc còn thực hiện các biện pháp hạn chế phong trào bài Nhật trong nước.
Các nhà phân tích cho rằng khó có khả năng căng thẳng giữa hai nước sẽ sớm được giải quyết do hành động hạn chế xuất khẩu đang nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của các đảng phái chính trị lớn. Do vậy, có thể dự đoán căng thẳng giữa hai nước nhiều khả năng sẽ còn kéo dài.
Đúng là những mâu thuẫn lịch sử thường phức tạp, sẽ không dễ giải quyết, đặc biệt trong bối cảnh cả Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Hàn Quốc đều đang rất cần sự ủng hộ của người dân trong nước. Đường lối đối ngoại đề cao chủ nghĩa dân tộc thế này sẽ là một phương cách để thu hút cử tri nhưng sẽ tới lúc cả hai bên cần cân nhắc lại liệu có đáng để đánh đổi các lợi ích phát triển lấy những kết quả kiểu này hay không.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!