Nhiều nhà khoa học và các chính phủ đều lý giải, sự bùng phát đợt dịch COVID-19 này là do biến thể Delta nguy hiểm. Khu vực Đông Nam Á đang là điểm nóng COVID-19 trên thế giới trong đợt dịch này. Những câu chuyện ở Indonesia hay Malaysia thực sự là lời cảnh báo với bất kỳ quốc gia và người dân nào, trong đó có Việt Nam, nếu chúng ta lơ là trước COVID-19, dịch bệnh sẽ chủ động tấn công chúng ta.
Làn sóng lây nhiễm của biến thể Delta chưa kịp lắng ở Ấn Độ thì đã lan sang các châu lục khác. Những hình ảnh từng xuất hiện ở Ấn Độ nay lặp lại ở Indonesia, nghĩa địa mới với huyệt mộ đào mới liên tục. Liên tục trong những tuần qua, Indonesia ghi nhận kỷ lục số ca lây nhiễm mới trong ngày, cao nhất là 55.000 người dương tính với COVID-19. Ngày 19/7, Indonesia có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất từ trước đến nay với hơn 1.300 trường hợp.
Không riêng Indonesia, nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN cũng đang đối mặt với một làn sóng COVID-19 mới, trong đó số ca nhiễm và tử vong cao chưa từng có tiền lệ.
Ở Malaysia, từ tháng 6, nước này đã phải tái áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc. Có những người quá vất vả đã phải treo cờ trắng trước cửa nhà xin trợ giúp. Gần 2 tháng sau khi các quốc gia Đông Nam Á này phát hiện những ca nhiễm biến thể Delta đầu tiên, biến chủng này đã trở thành biến thể chiếm đa số ở đây và lây lan rất nhanh.
Các biện pháp kiểm soát cũ không hẳn là không còn hiệu quả, nhưng một loạt yếu tố nguy cơ đã gia tăng. Việc nới lỏng hạn chế, mở cửa nhập cảnh quốc tế diễn ra quá sớm, trong khi Đông Nam Á chưa phải là khu vực có độ phủ vaccine rộng.
Ở Việt Nam, trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư này, các ca bệnh tại các tỉnh phía Nam chủ yếu là nhiễm biến thể Delta, số ca mắc mới lên tới hàng nghìn người mỗi ngày.
Sự nguy hiểm của biến thể Delta không chỉ nằm ở việc nó đã "học" cách để lây lan nhiều hơn với ít tiếp xúc hơn. Các nhà dịch tễ học cho rằng, biến thể Delta là một kẻ thù đặc biệt đáng sợ vì nó có thể gây ra các triệu chứng trên cơ thể con người không giống virus gốc. Vì thế, việc xác định người bệnh thông qua các biểu hiện lâm sàng ban đầu cũng khó khăn hơn. Và đặc biệt, nếu chủ quan, không có các biện pháp đề phòng, chính người bệnh sẽ biến mình trở thành nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.
Với biến thể Delta, đau đầu là triệu chứng phổ biến nhất, sau đó là sổ mũi, đau họng, hắt hơi. Triệu chứng ho xuất hiện ít hơn, được xếp là dấu hiệu mắc bệnh phổ biến cao thứ 5, trong khi mất vị giác hoặc khứu giác, một triệu chứng phổ biến của biến thể gốc, giờ chỉ xếp vị trí thứ 9/10.
Ông Yevgeny Timakov, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm và vaccine của Nga cho biết, biến thể Delta đã học cách "ngụy trang" thành các bệnh cúm theo mùa thông thường. Theo đó, bệnh nhân có các triệu chứng như sổ mũi, vốn không phải là triệu chứng điển hình của chủng virus ban đầu. Ngoài ra, nó cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa. Các triệu chứng cũng giống với cảm lạnh thông thường do sử dụng điều hòa như chảy nước mũi và ho. Điều này khiến người bệnh lầm tưởng là mắc các bệnh thông thường khác.
Tỷ lệ nhập viện với bệnh nhân nhiễm biến thể Delta cao hơn 85% so với bệnh nhân nhiễm biến thể Alpha phát hiện lần đầu ở Anh. Dù hiện chưa có đủ dữ liệu để kết luận biến thể Delta có gây chết người nhiều hơn các biến thể khác hay không, nhưng biến chủng này là "con quái vật" đang gây ra những làn sóng dịch mới ở khắp các châu lục, khiến chính phủ các nước khó ứng phó hơn trong kiềm chế sự lây lan. Virus đã biến đổi và chúng ta cần phải thay đổi chiến lược chống dịch
Theo nhiều chuyên gia, virus SARS-CoV-2 có thể sẽ không biến mất và thậm chí sẽ biến đổi cùng thời gian. Do đó, tùy diễn biến, mỗi quốc gia sẽ cần kết hợp hài hòa việc theo dõi ca nhiễm, giãn cách và tăng tốc tiêm vaccine để định hình một chiến lược sống chung với virus trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!