Theo đánh giá mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong bản báo cáo cập nhật tháng 7, nền kinh tế phục hồi trong ngắn hạn nhưng các chỉ số vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới
Qua báo cáo cập nhật tuần qua của IMF, bức tranh kinh tế thế giới đã có thêm những mảng sáng nhưng cũng vẫn còn những gam màu tối.
Một vài con số để so sánh, đó là tăng trưởng toàn cầu năm 2021 là 6,3%, năm 2022 tụt xuống mức 3,5%, năm 2023 này đang ở mức dự báo 3%. Và sự phục hồi chung của kinh tế toàn cầu phụ thuộc rất lớn vào các đầu tàu kinh tế. Thu hút sự quan tâm rất lớn tuần qua là các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vì chính sách lãi suất của nền kinh tế lớn nhất thế giới có tác động đến thị trường toàn cầu và nó gợi mở về chiều hướng chính sách, ưu tiên chống lạm phát hay thúc đẩy tăng trưởng.
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại Washington (Ảnh: AP)
FED vừa tăng lãi suất lên mức cao nhất 22 năm, đây đã là lần tăng lãi suất thứ 11 kể từ tháng 3 năm ngoái. Sau quyết định hôm 26/7 của FED và sau dữ liệu về GDP quý II vừa qua, phố Wall đang có hai quan điểm trái chiều về bước đi tiếp theo của FED.
Một mặt nhiều nhà đầu tư "rỉ tai" nhau rằng, đây chắc là lần tăng cuối cùng trong chu kỳ. Đại diện cho quan điểm này có các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs hay công cụ theo dõi FED của CME. Công cụ này phản ánh các nhà đầu tư đặt cược khả năng FED tăng lãi suất thêm một lần nữa chỉ là 35%. Và lộ trình nhóm này đưa ra là các dữ liệu kinh tế sắp tới (như lạm phát) sẽ giảm tiếp khiến FED bỏ qua việc tăng trong cuộc họp tháng 9. Rồi đến tháng 11, FED sẽ thấy lạm phát đã hạ nhiệt đủ sâu để không tăng lần nào nữa trong năm nay.
Nhưng nhóm 2 gồm Bank of America, Citigroup và Barclays cho rằng, sẽ có thêm một lần tăng lãi suất nữa. Lộ trình họ đưa ra là tăng thêm một lần vào tháng 11, giữ nguyên đến hết tháng 6 sang năm, sau đó sẽ hạ lãi suất từ tháng 7. Lý do là kinh tế đang tăng trưởng tốt hơn dự kiến, FED không phải chịu nhiều áp lực nếu tăng thêm một lần nữa. Tuy nhiên, cả hai lộ trình trên chỉ mang tính tham khảo và dự báo (có thể còn điều chỉnh). FED vẫn thận trọng khi quan niệm: "Vạn sự tuỳ vào dữ liệu" từng tháng. Và họ đã luôn làm đúng theo phương châm này.
Trung Quốc ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân
Một đầu tàu khác cũng đặc biệt quan trọng với kinh tế thế giới là Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đóng góp tới 1/3 tăng trưởng toàn cầu.
Cơ quan chức năng Trung Quốc nhận định, tình hình thế giới phức tạp, khó đoán định được nhu cầu tiêu dùng của các thị trường xuất khẩu lớn nhưng với thành phần kinh kế tư nhân, vốn đóng góp đến 60% GDP thì Chính phủ Trung Quốc nắm trong tay. Thành phần này tiềm năng rất lớn với nhiều tập đoàn kinh tế tầm thế giới chi phối nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế Trung Quốc như Alibaba, Tencent, TCL, BYD, Didi Chuxing…
Kinh tế tư nhân chiếm đến 60% GDP của Trung Quốc, với những tập đoàn chi phối nhiều lĩnh vực
Và hơn lúc nào, thành phần kinh tế tư nhân cần sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ Đảng - Chính phủ để giải phóng năng lực phát triển mạnh như trước. Nói như vậy vì hơn 2 năm nay, Chính phủ Trung Quốc xử phạt mạnh tay các tập đoàn với hành vi độc quyền, khiến nhiều doanh nghiệp có vẻ co cụm.
Bởi thế nên khi Trung ương Đảng - Chính phủ có những cam kết mạnh mẽ về môi trường cạnh tranh công bằng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia mạnh hơn vào các công trình dự án mang tầm chiến lược quốc gia, xác định những lĩnh vực ưu tiên kêu gọi tư nhân đóng góp để tạo nên những mũi nhọn công nghệ trong quá trình tự lực tự cường…
Các chuyên gia đánh giá, đây như một làn gió mới, một liều thuốc bổ để khơi dậy niềm tin, sức sáng tạo mạnh mẽ của các doanh nghiệp tư nhân - lực lượng vốn góp phần quan trọng trong tạo nên sự nhảy vọt cho nền kinh tế Trung Quốc trước đây. Đây như một mũi tên trúng nhiều đích, trước hết nó là cú hích để doanh nghiệp tư nhân trong 6 tháng cuối năm mở rộng đầu tư bởi 6 tháng đầu năm, tư nhân đầu tư quá yếu, giảm 0,2% so với cùng kỳ. Thứ hai nó giải quyết bài toán việc làm đang khá nhức nhối khi vẫn có trên 20% thanh niên 16 - 24 tuổi ở thành thị thất nghiệp bởi 80% việc làm được tạo ra từ thành phần kinh tế tư nhân. Thứ ba, từ đây sẽ góp phần kích thích hiệu quả nhu cầu trong nước. Và Trung Quốc cũng muốn cho thế giới phương Tây thấy rằng, nền kinh tế số 2 thế giới đang nỗ lực để tạo môi trường cạnh tranh ngày càng công bằng giữa các thành phần kinh tế, trong đó có cả đầu tư nước ngoài.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy khó khăn chung của kinh tế thế giới khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại trong khi lãi suất toàn cầu tăng cao, nhu cầu của các đối tác thương mại chính giảm sút tác động tiêu cực đến lĩnh vực xuất khẩu.
Tuy nhiên, Việt Nam đã có sự điều hành chính sách linh hoạt, hài hòa giữa tăng trưởng và lạm phát và kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi vào nửa cuối năm nay. Đây là đánh giá của đoàn công tác Quỹ Tiền tệ quốc tế và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong các chuyến thăm đến Việt Nam trong tháng 7 này.
Theo Báo cáo đánh giá quốc gia mới nhất về Việt Nam, Quỹ Tiền tệ quốc tế đưa ra dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay ở mức 5,8%.
Ông Paulo Medas - Trưởng đoàn Giám sát kinh tế vĩ mô, tài chính và tiền tệ Việt Nam, Quỹ Tiền tệ quốc tế - cho biết: "So với mức tăng trưởng toàn cầu, tăng trưởng của Việt Nam rất khả quan. Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, giúp phục hồi tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, nửa đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã đạt 3,7% và chúng tôi kỳ vọng con số này sẽ cao hơn trong nửa cuối năm nay".
Điểm sáng của nền kinh tế là lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam đã được bù đắp phần nào nhờ vào sự phục hồi đang tiếp diễn. Cụ thể, các ngành dịch vụ liên quan đến du lịch, bao gồm vận tải, lưu trú và ăn uống tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh, tăng 7,7%.
Quý III sẽ là thời điểm quan trọng vì đây là những tháng thường chứng kiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu tăng mạnh trước nhu cầu lễ hội cuối năm tại các thị trường phát triển. Tăng trưởng quý III có thể hồi phục dựa trên sự cải thiện đáng kể của hoạt động xuất khẩu. Điều này đồng nghĩa còn nhiều dư địa để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chính sách điều chỉnh lãi suất.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen (Ảnh: AP)
Bà Janet Yellen - Bộ trưởng Tài chính Mỹ - nhận định: "Việt Nam có sự điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá rất linh hoạt và hiện đại, đề cao tính minh bạch và đã thể hiện rõ ưu thế trong bối cảnh toàn cầu rơi vào cú sốc kinh tế 2 năm qua. Dù tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt Nam đang có phần chậm lại nhưng tôi đánh giá cao sự hài hoà trong tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát. Tỷ lệ nợ công trên GDP được kiểm soát chặt chẽ những năm qua giúp Việt Nam duy trì được không gian tài khoá. Rõ ràng, sự phối hợp linh hoạt giữa chính sách tài khoá và tiền tệ là nền tảng để Việt Nam có thể tiếp tục đưa ra các chính sách hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng".
Dòng vốn FDI mới đổ vào lĩnh vực sản xuất tăng mạnh từ đầu năm phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào tiềm năng dài hạn của Việt Nam vẫn không hề suy giảm. Trên cơ sở này, nhiều chuyên gia tin rằng, trong nửa cuối năm nay, xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng nhẹ khi chu kỳ ngành điện tử toàn cầu phục hồi. Các dịch vụ trong nước và ngành du lịch của Việt Nam có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt và bổ trợ cho nền kinh tế.
Dù còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có sự cải thiện với mức tăng trưởng 3,28% trong quý I và 4,14% trong quý II vừa qua. Tính chung 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng đạt 3,72%.
Nhìn chung toàn cầu, kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng chậm, mà theo như nhận định của IMF là vẫn còn quá sớm để ăn mừng. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực, dù nhỏ, cũng là một sự khích lệ rất có ý nghĩa, cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay. Đây cũng là thời điểm mà các quyết định về chính sách cần có sự thận trọng, hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để duy trì đà phục hồi cũng như sự ổn định kinh tế vĩ mô.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!