Thượng nghị sĩ Kamala Harris đã chính thức nhận đề cử liên danh Phó Tổng thống Mỹ (Nguồn: Reuters)
Vai trò của bà Kamala Harris trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ
Theo một nguồn tin thân cận của Ủy ban Tranh luận Tổng thống Mỹ - Cơ quan giám sát cuộc tranh luận trực tiếp tại Utah giữa ứng cử viên đảng Cộng hòa - Phó Tổng thống Mike Pence và ứng cử viên đảng Dân chủ - Thượng nghị sĩ Kamala Harris, sẽ không có chuyện các phiên tranh luận tiếp theo của các ứng cử viên tranh cử bị gián đoạn, bất chấp kết quả xét nghiệm dương tính của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trước đó, vào ngày 20/8 (theo giờ Việt Nam), tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Kamala Harris đã chính thức tiếp nhận đề cử liên danh Phó Tổng thống cùng ứng cử viên Tổng thống Joe Biden. Hiện hai ứng cử viên Phó Tổng thống là Mike Pence của đảng Cộng hòa và Kamala Harris của đảng Dân chủ đều có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Ông Joe Biden trước đó đã cam kết sẽ lựa chọn một ứng cử viên nữ trong liên danh tranh cử lần này, sau khi có sự cân nhắc đối với Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar và Elizabeth Warren. Phản ứng với tuyên bố của ông Joe Biden, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng: "Ông ấy đang tự buộc mình vào một nhóm người nhất định".
Tuy nhiên, quyết định này lại mở ra cơ hội lớn giúp nước Mỹ lần đầu tiên có nữ Phó Tổng thống trong lịch sử.
Thượng nghị sĩ Kamala Harris đã chính thức nhận đề cử liên danh Phó Tổng thống Mỹ (Nguồn: Reuters)
Bà Kamala Harris 55 tuổi, mang hai dòng máu Jamaica và Ấn Độ, sẽ là người phụ nữ da màu đầu tiên giành tấm vé tranh cử vị trí Phó Tổng thống Mỹ. Trong một bài phát biểu của mình, bà chia sẻ: "Về phương hướng lãnh đạo nước Mỹ, chúng tôi có trách nhiệm đương đầu với những thay đổi cực đoan".
Sự góp mặt của bà Kamala Harris được kì vọng sẽ hỗ trợ đắc lực ứng cử viên Joe Biden, khi có thể giúp liên danh tranh cử của ông giành được sự ủng hộ tối đa từ những nữ cử tri, người Mỹ gốc Phi và các cử tri da trắng theo trường phái ôn hòa, đặc biệt tại các bang quan trọng như Michigan, Pennsylvania và Wisconsin - những tiểu bang không dành nhiều sự ủng hộ cho ông Donald Trump trong lần tranh cử năm 2016.
Người Mỹ gốc Phi là những cử tri trung thành nhất của Đảng Dân chủ. Bốn năm trước, sự sụt giảm lần đầu tiên sau 20 năm về số lượng cử tri da màu đi bỏ phiếu đã là một trong những nhân tố chính khiến Đảng Dân chủ thua cuộc.
Cái chết của công dân da màu George Floyd đã đánh thức hàng triệu người dân Mỹ trong bối cảnh nạn phân biệt chủng tộc tại quốc gia này vẫn luôn tạo ra sự bất bình âm ỉ. Điều này khiến ứng cử viên Joe Biden phải chịu áp lực tương đối lớn trong bối cảnh Đảng Dân chủ mong muốn chọn một ứng cử viên nữ, cụ thể là một phụ nữ da màu. Joe Biden trước đó cũng đã được các cử tri da màu "giải cứu" trong cuộc bầu cử sơ bộ tại South Carolina hồi tháng 2.
Người dân nước Mỹ tham dự buổi diễn thuyết của bà Kamala Harris (Nguồn: Reuters)
Lá phiếu của những cử tri da màu được kỳ vọng có thể giúp ứng cử viên Joe Biden giành được thêm sự ủng hộ từ các tiểu bang miền Nam Georgia và Florida, những nơi từng đứng về phía Tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng nay lại đang có sự chuyển dịch trong tâm lý cử tri. Sự cạnh tranh của hai ứng cử viên trên đường đua vào Nhà Trắng đang "nóng" hơn bao giờ hết.
Nhìn lại chặng đường chính trị của bà Kamala Harris trước thềm cuộc tranh luận
Thượng Nghị sĩ Kamala Harris từng là công tố viên. Phong cách chất vấn mạnh mẽ của bà được thể hiện rõ nét nhất tại phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện của ông Brett Kavanaugh, người được Tổng thống Donald Trump đề cử cho vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ.
Có suy đoán cho rằng ông Joe Biden sẽ chỉ tiếp quản một nhiệm kỳ vì lý do tuổi tác khiến bà Kamala Harris trở thành ứng cử viên tiềm năng cho lá phiếu đề cử vào năm 2024. Tuy nhiên, điều này khiến một số đồng minh của ông Joe Biden đặt dấu chấm hỏi về sự trung thành của bà.
Sau thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump dương tính với virus SARS-CoV-2, trong một bài phát biểu của mình, bà Kamala Harris nói: "Không ai đáng mắc phải căn bệnh này. Tôi sẽ cầu nguyện cho sự phục hồi nhanh chóng của tất cả mọi người".
Khoảng cách giữa ông Joe Biden với Tổng thống Donald Trump đã được nới rộng những ngày gần đây. Tuy nhiên, sáng nay 6/10 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở lại Nhà Trắng và tuyên bố sẽ nhanh chóng trở lại chiến dịch vận động tranh cử.
Thượng nghị sĩ Kamala Harris khởi động chiến dịch tranh cử (Nguồn: Reuters)
Bà Kamala Harris lúc đầu đã ra tranh cử vị trí Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, chiến dịch vận động tranh cử của bà đã nhanh chóng kết thúc, dù thu hút hơn 20.000 người trong buổi vận động mở màn tại Oakland.
"Tôi không phải là tỷ phú. Tôi không thể tài trợ cho chiến dịch của riêng mình. Việc huy động một số tiền lớn để tranh cử trở nên thật khó khăn. Đối với những người ủng hộ, những người thân yêu của tôi, đây sẽ là sự tiếc nuối sâu sắc khi chiến dịch phải dừng lại trong ngày hôm nay".
Năm 2016, bà Harris trở thành người phụ nữ gốc Phi thứ 2 trong lịch sử nước Mỹ trở thành thượng nghị sĩ và được bầu chọn vào Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ. Bà từng có lần tuyên bố: "Tôi không tin bạn là người phân biệt chủng tộc. Tôi đồng tình với những nỗ lực của người dân Mỹ trong việc tìm ra điểm chung giữa những màu da".
Trước đó, Kamala Harris cũng lên tiếng phản đối chính sách di cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump: "Hoàn toàn sai lầm khi có bất kỳ chính sách chia rẽ nào, đặc biệt là chia cắt cha mẹ với con cái. Điều này không phản ánh giá trị của chúng ta, với tư cách là người dân của một nước. Tôi phản đối chính sách này".
Người dân Mỹ ủng hộ bà Kamala Harris (Nguồn: Reuters)
Chưa đầy một tháng nữa, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra. Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đã sớm duy trì được lợi thế về số lượng các lá phiếu phổ thông trên toàn nước Mỹ. Tuy nhiên, nhiều biến số được cho là vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, khiến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3/11 (giờ Mỹ) tới đây trở thành lần tranh cử khó đoán nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Cuộc tranh luận tiếp theo giữa hai ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump dự kiến diễn ra vào ngày 15/10 tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Adrienne Arsht, thành phố Miami, bang Florida, nơi diễn ra các cuộc tranh luận sơ bộ đầu tiên của đảng Dân chủ vào năm ngoái.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!