Những bi kịch từ sự bùng nổ trong ngành thương mại điện tử

Thanh Hiệp-Thứ sáu, ngày 29/01/2021 09:56 GMT+7

VTV.vn - Đại dịch COVID-19 đã giúp ngành thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, người tiêu dùng ít biết về những câu chuyện bi kịch đằng sau những món hàng được giao.

Mô hình làm việc bóc lột

Lần cuối cùng ông Jang Gwang và bà Park Mi Suk nhìn thấy người con trai của mình còn sống, đó là khi anh rời nhà vào một buổi tối Chủ nhật, lên chiếc xe đưa đón của công ty để kịp giờ làm ca đêm.

Những bi kịch từ sự bùng nổ trong ngành thương mại điện tử - Ảnh 1.

Bà Park Mi Suk và ông Jang Gwang cùng di ảnh của người con trai - anh Jang Dug Joon - một nhân viên của hãng thương mại điện tử Coupang (Nguồn Nikkei Asia)

Con trai của họ - anh Jang Dug Joon là một người yêu thích công nghệ, và đã tốt nghiệp đại học với bằng kỹ sư chế tạo robot. Thế nhưng do không thể tìm được việc làm trong lĩnh vực này, anh buộc phải lựa chọn một nghề nghiệp khác - nhân viên đóng gói bưu kiện tại một trung tâm hoàn tất đơn hàng của Coupang - gã khổng lồ trong ngành thương mại điện tử Hàn Quốc, và đã làm việc được 16 tháng.

Nơi anh Jang làm việc nằm tại một khu công nghiệp ngoại ô thành phố Daegu và là một phần trong mạng lưới giao nhận toàn quốc, cho phép giao hàng nhanh chóng mọi loại sản phẩm, từ sữa, trứng cho tới đồ nội thất hay đồ điện tử.

Tháng 2 năm 2020, quê hương của anh - Daegu, một thành phố với 2,5 triệu dân, bất ngờ trở thành tâm chấn của làn sóng COVID-19 đầu tiên tại Hàn Quốc và cũng là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. Mọi thứ thay đổi một cách nhanh chóng: các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt được thực thi, việc làm trở nên bấp bênh khi hàng loạt doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa.

Những bi kịch từ sự bùng nổ trong ngành thương mại điện tử - Ảnh 2.

Trung tâm hoàn thiện đơn hàng của Coupang tại Chilgok, Hàn Quốc – nơi anh Jang Dug Joon làm việc trước khi qua đời (Nguồn: Nikkei Asia)

Tuy nhiên, với những doanh nghiệp như nơi anh Jang làm việc, mọi chuyện lại diễn ra hoàn toàn khác: số lượng đơn hàng mà anh phải xử lý trong mỗi ca làm việc tăng vọt, khi người tiêu dùng quay lưng lại với các cửa hàng truyền thống.

"Khi con trai bắt đầu làm việc tại đó, chúng tôi cảm thấy rất vui vì Coupang là một công ty lớn và hiện đang hoạt động rất tốt. Do đó, chúng tôi nghĩ đây thực sự là một cơ hội tốt" - ông Jang Gwang chia sẻ với báo Nikkei Asia.

Cả ông Jang Gwang và bà Park Mi Suk đều không thể ngờ được rằng, sự khởi đầu của đại dịch COVID-19 cũng kéo theo sự suy sụp hoàn toàn của con trai họ. Sau những ca làm việc quần quật, kéo dài nhiều giờ, đặc biệt là trong mùa hè nóng ẩm ở Hàn Quốc, anh Jang Dug Joon đã sụt tới 15 kg, và những bộ quần áo cũ dần trở nên rộng thùng thình. Khuôn mặt anh nhăn lại vì sụt cân và một chàng trai trẻ bình thường vốn rất năng động, lạc quan, giờ chỉ còn lại sự mệt mỏi, bơ phờ.

Anh Jang đã làm việc 7 ngày liên tục trong dịp lễ Chuseok (Tết Trung thu) - một trong những ngày lễ quan trọng nhất tại Hàn Quốc. Đây đồng thời cũng là dịp cao điểm của hoạt động giao nhận hàng hóa, khi nhu cầu mua và gửi quà là các sản phẩm trái cây, thực phẩm tươi cho người thân, bạn bè tăng cao trên cả nước.

Hệ quả rất thảm khốc. Sau ca làm việc định mệnh đó, anh Jang trở về nhà vào buổi sáng sớm, tắm rửa trước khi đi ngủ. Khoảng 6 giờ sáng ngày 12/10, cha mẹ của anh thấy con trai mình bất động trong bồn tắm. Chàng trai trẻ đã qua đời ở tuổi 27.

Cha mẹ Jang khẳng định, con trai họ không hút thuốc, uống rượu hay có vấn đề nào về sức khỏe. Anh thậm chí còn đang dự định tổ chức một chuyến đi nghỉ cho gia đình ngay trong tuần lễ đó để mừng sinh nhật mẹ. Vì thế, nguyên nhân tử vong, theo gia đình anh Jang, chính là bởi công việc nặng nhọc và áp lực căng thẳng tại nhà kho của Coupang, nơi mà việc giao hàng nhanh chóng, đúng giờ được tính tới từng giây. "Nó làm việc như một cái máy vậy", ông Jang Gwang chia sẻ.

Ngay khi cái chết của người nhân viên xấu số trở thành tâm điểm chú ý của dư luận Hàn Quốc, phía Coupang đã lên tiếng bác bỏ khả năng nguyên nhân tử vong bắt nguồn từ điều kiện làm việc và khẳng định, công ty luôn duy trì môi trường làm việc chuẩn mực. Theo tuyên bố chính thức của Coupang, mặc dù anh Jang Dug Joon chỉ là một nhân viên tạm thời, và không bị giới hạn giờ làm việc ở mức 52 tiếng mỗi tuần như các nhân viên chính thức, công ty vẫn theo dõi sát sao để đảm bảo số giờ lao động của những nhân viên như anh Jang ở dưới mức pháp luật quy định.

Những bi kịch từ sự bùng nổ trong ngành thương mại điện tử - Ảnh 3.

Các nhân viên giao hàng phải đối mặt với áp lực công việc nặng nề (Nguồn: Nikkei Asia)

Coupang cho biết, những lao động tạm thời có quyền lựa chọn lịch làm việc riêng của mình, và trong những tuần trước khi qua đời, anh Jang chỉ làm việc trung bình 44 giờ mỗi tuần. Tuy nhiên, cha mẹ anh tin rằng, con số thực tế là cao hơn nhiều và yêu cầu Coupang cung cấp các dữ liệu chi tiết về giờ làm việc của con trai họ.

Chia sẻ với báo Nikkei, đại diện công ty cũng phủ nhận việc đang áp dụng mô hình kinh doanh bóc lột sức lao động của nhân viên. "Chúng tôi phát triển công nghệ, để giúp đỡ các nhân viên của mình. Chúng tôi cũng đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng. Tất nhiên, chúng tôi muốn giảm bớt khối lượng công việc mà mỗi nhân viên phải xử lý, và đồng thời cũng muốn tự động hóa quy trình bất cứ khi nào có thể, để làm cho hoạt động trở nên hiệu quả hơn, mang lại lợi ích cho cả các khách hàng và các nhân viên".

"Khối lượng giao hàng lớn sẽ không được giải quyết thông qua nỗ lực cá nhân mà bằng việc lập kế hoạch và chương trình tốt ở cấp độ công ty. Đó là lý do vì sao chúng tôi vẫn đang tiếp tục đầu tư vào phần mềm và công nghệ, cũng như dự định thuê thêm tài xế giao hàng làm nhân viên chính thức trong năm nay nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà không khiến các nhân viên khác phải làm việc quá sức" - đại diện của Coupang khẳng định.

Lợi nhuận khổng lồ cho các công ty…

Coupang - công ty thương mại điện tử được Softbank hậu thuẫn, đã liên tục mở rộng quy mô kinh doanh trong thời kỳ đại dịch. Hãng đã tung ra dịch vụ giao hàng tạp hóa trong ngày cho các thành viên tham gia chương trình trả phí Rocket Wow. Coupang cũng đang tích cực mở rộng dịch vụ kinh doanh giao đồ ăn của mình.

Trong quý I/2020, hãng đã trở thành nhà bán lẻ thực phẩm trực tuyến lớn nhất, tính theo giá trị giao dịch, gia tăng thị phần lên gần 25%, và trở thành mối đe dọa lớn đối với các hãng bán lẻ truyền thống như Lotte Shopping.

Mặc dù chưa công bố báo cáo tài chính cho năm 2020, công ty hiện được định giá ở mức 30 tỷ USD - cao gấp 3 lần so với mức định giá 10 tỷ USD trong vòng gọi vốn cuối cùng hồi năm 2018. Điều này cũng đồng nghĩa với một khoản lợi nhuận khổng lồ dành cho Softbank - tập đoàn đã đầu tư 3 tỷ USD vào Coupang trong giai đoạn 2015 - 2018.

Những bi kịch từ sự bùng nổ trong ngành thương mại điện tử - Ảnh 4.

Mức định giá của các tập đoàn thương mại điện tử tăng mạnh sau đại dịch COVID-19 (Nguồn: Nikkei Asia)

Không chỉ Coupang, nhiều công ty chuyển phát nhanh khác trên khắp châu Á cũng đang trải qua giai đoạn kinh doanh đặc biệt thăng hoa, khi đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao. Trong năm 2020, nhiều công ty thương mại điện tử đã ghi nhận lượng đơn hàng tăng 25%, thậm chí là 50%, kéo theo đó là sự đi lên của giá trị cổ phiếu hoặc định giá doanh nghiệp.

Theo Nikkei Asia, thương mại điện tử đang ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong một thập kỷ qua. Mô hình này tỏ ra đặc biệt thành công tại châu Á, một phần là nhờ dịch vụ giao hàng cực rẻ. Nếu như ở Mỹ hay châu Âu, chi phí để giao một bữa trưa rơi vào khoảng 6 - 7 USD thì tại Indonesia hay Trung Quốc, con số này chỉ là 1 - 2 USD.

Ngành chuyển phát hiệu quả và độc nhất này của châu Á, với động lực chính là nguồn lao động giá rẻ khổng lồ, đã hỗ trợ cho sự thành công của Alibaba, JD.com và Meituan tại Trung Quốc, Grab, Gojek, Tokopedia và Sea tại Đông Nam Á, cũng như Rakute ở Nhật Bản hay Coupang ở Hàn Quốc.

… và gánh nặng đè lên vai những người lao động

Tuy nhiên, ngành công nghiệp giao hàng đồng thời cũng là một mô hình thu nhỏ của những bất bình đẳng kinh tế đang ngày càng trầm trọng hơn vì đại dịch COVID-19. Một số ý kiến cho rằng, sự bùng nổ của nền kinh tế kỹ thuật số đang đè nặng lên đôi vai của những người lao động trong chính mạng lưới này. Những người lái xe và nhân viên giao hàng đang phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm hơn, đối mặt với tỷ lệ tai nạn giao thông gia tăng và nguy cơ phơi nhiễm COVID-19 luôn hiện hữu.

Cái chết của anh Jang Dug Joon càng làm nổi bật hoàn cảnh khó khăn của những người lao động trong ngành công nghiệp này. Tại Hàn Quốc, đã có nhiều báo cáo về các nhân viên đóng gói hàng tử vong vì tim mạch và các vấn đề khác được cho là liên quan tới làm việc quá sức. Các trường hợp tử vong của tài xế giao hàng cũng gia tăng, do khối lượng hàng hóa phải vận chuyển lớn hơn, và các công ty liên tục cạnh tranh để cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh nhất, rẻ nhất. Nhiều người lao động được cho là đã phải làm việc trong thời gian dài mà không được nghỉ ngơi một cách hợp lý.

Ông Yang Dong Kyu - thành viên của Liên đoàn Các công đoàn Hàn Quốc cho biết: "Đã có 15 trường hợp tử vong được tính là do làm việc quá sức, nhưng nếu tính cả những trường hợp tử vong do các nguy hiểm trong công việc thì con số có thể tăng lên gấp đôi. Trong khi người ta tự hào về mức tăng trưởng kinh tế, các thực tế khắc nghiệt này vẫn chưa được giải quyết".

Những bi kịch từ sự bùng nổ trong ngành thương mại điện tử - Ảnh 5.

Trong mùa cao điểm, nhiều nhân viên giao hàng tại Hàn Quốc phải làm việc từ 10 – 14 giờ/ngày nhưng chỉ có nửa tiếng để nghỉ ngơi (Nguồn: Nikkei Asia)

Tình hình tương tự cũng diễn ra tại nhiều quốc gia châu Á khác. Nhiều lao động phàn nàn về thời gian làm việc kéo dài, nguy cơ tai nạn giao thông gia tăng, khi họ được yêu cầu phải giao hàng nhanh hơn, và dĩ nhiên, cả nỗi lo lây nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, họ vẫn phải chấp nhận công việc của mình, bởi có rất ít lựa chọn khác.

Những người giao hàng thường không phải là nhân viên chính thức mà chỉ là "đối tác độc lập". Họ liên tục di chuyển trên đường với chiếc điện thoại thông minh gắn trên tay lái xe. Thông qua ứng dụng, các công ty liên tục cập nhật các thuật toán, để buộc người lao động phải làm việc chăm chỉ hơn. Những đối tượng hưởng lợi lớn nhất từ sức lao động của họ là các kỳ lân (công ty khởi nghiệp có định giá hơn 1 tỷ USD), siêu kỳ lân (công ty khởi nghiệp có định giá hơn 10 tỷ USD) và những công ty thương mại điện tử được niêm yết công khai.

Nghịch lý là ở chỗ, trong khi khối lượng công việc không ngừng tăng lên, mức lương cơ bản của các tài xế lại ngày càng giảm xuống, khi các công ty cố gắng tối ưu hóa các tuyến đường để giao được lượng hàng hóa nhiều hơn. Hồi cuối tháng 10, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc cho biết, các tài xế giao hàng đã phải làm việc trung bình 71,3 giờ/tuần - tương đương với "mức làm việc của thế giới 100 năm trước".

Ngay cả trước đại dịch, sự cạnh tranh gay gắt trong ngành giao hàng đã khiến mức thu nhập trên mỗi lần giao hàng của nhân viên sụt giảm. Theo Trung tâm Thông tin Hậu cần Quốc gia Hàn Quốc, đơn giá trung bình của một lần gửi bưu kiện năm 2019 là 2.269 Won (2,05 USD), trong khi hồi năm 2012 là 2.506 Won (2,27 USD).

Đại dịch càng khiến vấn đề này trở nên trầm trọng hơn. Các số liệu thống kê cho thấy, khối lượng hàng được giao ở Hàn Quốc và Trung Quốc đã tăng lần lượt 20% và 31% trong năm 2020, trong khi tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử tại Indonesia tăng vọt 52%. Tuy nhiên, mức thu nhập trên mỗi lần giao hàng của các nhân viên giao hàng đều giảm.

Dù nhu cầu của khách hàng ngày càng gia tăng, các nhân viên giao hàng từ Jakarta cho đến Thượng Hải đều thừa nhận rằng họ phải làm việc nhiều giờ hơn để kiếm được số tiền tương tự, thậm chí ít hơn một năm trước.

"Trước đại dịch, trung bình các tài xế làm việc từ 8-12 giờ, và có thể dễ dàng nhận được hơn 20 đơn đặt hàng. Bây giờ, họ làm việc 10 - 15 giờ mỗi ngày nhưng lại nhận được chưa đầy 20 đơn", ông Igun Wicaksono, Chủ tịch Garda, hiệp hội đại diện cho 100 nghìn tài xế Gojek và Grab, chia sẻ.

"Chúng tôi từng kiếm từ 300 nghìn - 400 nghìn Rupiah (21 - 28 USD) mỗi ngày. Bây giờ, trong thời kỳ bình thường mới, con số này chỉ còn khoảng 150 nghìn - 250 nghìn Rupiah/ngày. Thu nhập ròng của các tài xế chỉ đạt khoảng 30%".

Ông Igun cũng cho biết thêm, với danh nghĩa "đối tác", các tài xế cũng không được công ty đóng bảo hiểm.

Những bi kịch từ sự bùng nổ trong ngành thương mại điện tử - Ảnh 6.

Các tài xế Go Jek tại Indonesia phải làm việc nhiều hơn, để đổi lấy mức thu nhập ít hơn (Nguồn: Asia Nikkei)

Trong khi đó, tại Trung Quốc, những trường hợp tử vong gần đây của các công nhân đã làm dấy lên cuộc tranh cãi gay gắt về điều kiện làm việc khắc nghiệt của những nền tảng thương mại điện tử tại nước này. Ngày 21/12, một nhân viên giao đồ ăn tên Han, làm việc cho công ty con Ele.me của Alibaba, đột ngột qua đời khi đang giao đơn hàng thứ 34 trong ngày.

Những bi kịch từ sự bùng nổ trong ngành thương mại điện tử - Ảnh 7.

Các nhân viên giao hàng tại Trung Quốc cũng phải đối mặt với điều kiện lao động khắc nghiệt (Nguồn: Asia Nikkei)

Công ty sau đó đã nói với gia đình Han rằng, họ sẵn sàng trả 2 nghìn nhân dân tệ (307 USD) để hỗ trợ, bởi Han không phải là nhân viên làm việc trực tiếp với hãng. Giống như nhiều người giao hàng khác, anh chỉ làm việc cho một nhà thầu phụ.

Vụ việc đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội khiến Ele.me phải đưa ra lời xin lỗi hôm 8/1, và tăng khoản tiền trả cho gia đình Han, lên 600 nghìn nhân dân tệ từ quỹ lương hưu đặc biệt của công ty.

Những thay đổi bước đầu tại Hàn Quốc

Ngày 14/10/2020, anh Kim Won-jong, một tài xế giao hàng của CJ Logistics, đã ngã gục tại nơi làm việc và sau đó tử vong ở bệnh viện. Công ty ngay lập tức phải đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội từ dư luận. Giám đốc điều hành CJ Park Keun Hee đã tổ chức họp báo và xin lỗi về cái chết của anh Kim, đồng thời khẳng định công ty sẽ cải thiện điều kiện làm việc cho tài xế và tránh bất cứ trường hợp tử vong nào khác.

"Điều khiến tôi buồn và tức giận là bất cứ ai cũng có thể thấy điều này xảy ra, nhưng không ai ngăn chặn nó", anh Park Seung-hwan, một tài xế giao hàng khác của CJ, bình luận. "Bắt đầu từ năm ngoái, khối lượng công việc đã tăng lên, nhưng công ty không có biện pháp giải quyết vấn đề. Các tài xế chỉ còn cách tự ứng phó mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào".

Trong khi cái chết của những nhân viên giao hàng nhận được sự chú ý từ giới truyền thông và sự cảm thương của công chúng, có một thực tế là không phải tất cả mọi người đều sẵn sàng chấp nhận từ bỏ sự tiện lợi của các dịch vụ giao hàng nhanh. Kết quả một cuộc khảo sát được thực hiện vào cuối tháng 10 của công ty thăm dò ý kiến ​​RealMeter cho thấy 65% ​​người được hỏi đồng ý rằng các công ty chuyển phát nhanh nên thuê thêm nhân công ngay lập tức để cải thiện điều kiện làm việc. Tuy nhiên, chỉ có 27% số người được hỏi cho rằng người tiêu dùng nên chấp nhận việc giao hàng chậm trễ, để giảm áp lực cho người lao động.

Những bi kịch từ sự bùng nổ trong ngành thương mại điện tử - Ảnh 8.

Dư luận Hàn Quốc kêu gọi các công ty cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động (Nguồn: Nikkei Asia)

Các chuyên gia cho rằng, chính quyền cần có những bước đi để quản lý chặt chẽ hơn lĩnh vực giao hàng. Giáo sư Lee Byoung-hoon tại Đại học Chung-Ang khuyến cáo: "Chính phủ cần tạo ra một cơ quan đối thoại giữa các công ty hậu cần, công ty trực tuyến, tài xế giao hàng và nghiệp đoàn để tổ chức những cuộc thảo luận, nhằm hướng tới các giải pháp lâu dài".

"Để giảm thiểu vấn đề phí giao hàng và an toàn của tài xế, chúng ta cần ban hành hệ thống lương tối thiểu cho tài xế", giáo sư Kang Kyung-woo tại Khoa Giao thông Vận tải & Logistics của Đại học Hanyang nhận định.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy, chính phủ và các công ty tại Hàn Quốc đang có những nỗ lực để thay đổi tình hình. Hồi tháng 12 năm ngoái, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua luật cung cấp bảo hiểm việc làm cho tài xế giao hàng. Ngày 12/1/2021, các nhân viên giao hàng đã đạt thỏa thuận với các doanh nghiệp nhằm giảm bớt khối lượng công việc. Theo đó, tài xế sẽ không còn phải chịu trách nhiệm phân loại bưu kiện vốn tốn nhiều thời gian. Các công ty cũng đồng ý giới hạn thời gian làm việc của tài xế ở mức 12 giờ/ngày và 60 giờ/tuần, đồng thời giảm thiểu việc giao hàng sau 9 giờ tối.

Những bi kịch từ sự bùng nổ trong ngành thương mại điện tử - Ảnh 9.

Gia đình anh Jang Dug Joon vẫn mòn mỏi chờ đợi một câu trả lời (Nguồn: Nikkei Asia)

Trong khi đó, gia đình anh Jang Dug Joon vẫn đang cố gắng tìm kiếm câu trả lời liên quan đến cái chết của anh. Họ đã nộp đơn lên chính phủ để được công nhận trường hợp của con trai mình là một tai nạn lao động và đang chờ kết quả khám nghiệm tử thi.

Chia sẻ với phóng viên, bà Park cho biết, cái chết của con trai đã làm bà thay đổi niềm tin rằng sự nỗ lực sẽ dẫn đến thành công.

"Chúng tôi được nuôi dạy để làm việc chăm chỉ và tin rằng điều tốt đẹp sẽ tới. Chúng tôi cũng nói với con cái rằng nếu chúng làm việc chăm chỉ giống chúng tôi, những thứ tốt đẹp sẽ đến với chúng", bà nhớ lại.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước