Rất nhiều người muốn ghi lại khoảnh khắc đẹp tại một địa điểm đẹp, bất chấp nguy hiểm.
Hầu hết chúng ta đều muốn ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ hoặc địa điểm đẹp từng đi qua. Selfies – hành động tự chụp ảnh check-in tại địa điểm nào đó đã trở thành thói quen của nhiều người. Nhưng cũng chính vì những bức ảnh độc – lạ này, mà nhiều người bất chấp mạo hiểm cả tính mạng của họ.
Báo Channel News Asia đã có bài phân tích rằng chúng ta cần nhìn nhận thực tế rằng chụp ảnh selfies như một hiện tượng xã hội, được thúc đẩy bởi sự gia tăng của điện thoại thông minh và mạng xã hội. Chúng ta cần coi những bức ảnh tự sướng là mối nguy hiểm thực sự đối với sức khỏe cộng đồng.
Một số địa điểm đẹp như tranh vẽ đã ghi nhận những cái chết do chụp ảnh selfie bao gồm Vườn quốc gia Yosemite ở California, Mỹ. Ở Úc, nhiều người đã thiệt mạng ở những nơi như vách đá, hồ bơi tự nhiên và thác nước.
Đây không phải là sự cố cá biệt. Một nghiên cứu cho thấy 379 người trên toàn thế giới đã thiệt mạng do chụp ảnh tự sướng từ năm 2008 đến năm 2021, thậm chí số người bị thương còn nhiều hơn. Sự cố tai nạn khi chụp ảnh thường xảy ra ở thanh niên, đặc biệt là nam giới.
Những bức ảnh với góc chụp độc lạ luôn nhận được nhiều lượt tương tác trên mạng xã hội. Ảnh New York Post
KHÔNG CÓ GÌ LÀ RỦI RO KHÁCH QUAN
Ở Úc và Mỹ, những người chụp ảnh tự sướng có xu hướng bị thương hoặc thiệt mạng khi chụp một mình và thường ở những địa điểm rất khó tiếp cận đối với các dịch vụ cứu hộ khẩn cấp. Ở các quốc gia như Ấn Độ và Pakistan, những người chụp ảnh tự sướng có nhiều khả năng tử vong theo nhóm, một cách bi thảm, đặc biệt là gần các vùng nước, chẳng hạn như hồ bơi.
Các nhà nghiên cứu đã kêu gọi việc cắm biển cảnh báo "khu vực cấm chụp ảnh tự sướng" xung quanh các điểm dễ xảy ra tai nạn như các tòa nhà cao tầng. Chính quyền Nga và Ấn Độ đã áp dụng những quy định này. Nga thậm chí còn ban hành hướng dẫn "selfie an toàn".
Nhưng đến hiện tại, chúng ta vẫn không rõ hiệu quả của những chiến lược này ra sao bởi sự cố chụp ảnh tự sướng dường như đang gia tăng trên toàn cầu.
Những địa điểm cao như nóc các nhà thờ luôn được những người ưa mạo hiểm tới check-in
Các phương tiện truyền thông thường miêu tả những người liên quan đến các sự cố chụp ảnh tự sướng là ngu ngốc hoặc ích kỷ. Điều này dường như xác nhận nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Úc cho thấy báo cáo phương tiện truyền thông thường đổ lỗi cho nạn nhân.
Nhưng cần hiểu rõ rằng chụp ảnh tự sướng là một phần bình thường trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người. Chúng ta cần ngừng phán xét những người chụp ảnh tự sướng mạo hiểm mà thay vào đó hãy coi những bức ảnh tự sướng mạo hiểm là một vấn đề sức khỏe cộng đồng. Nếu một người không nhận được những lời khen, những lượt "like" trên các trang mạng xã hội khi đăng tải những bức ảnh này, thì tần suất xuất hiện của chúng sẽ ngày càng ít đi.
TẠI SAO ĐÂY LÀ VẤN ĐỀ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG?
Nếu leo lên tòa tháp cao nhất đã là mạo hiểm thì hãy nhìn bức ảnh này. Hãy thử tạo dáng với một con vật nguy hiểm chỉ cách bạn vài bước chân. Chụp ảnh tự sướng với gấu đang nở rộ và mặc dù những con vật dễ thương này có vẻ vô hại, thì điều quan trọng nhất là những người đi bộ đường dài và cắm trại cần nhớ là họ đang đối mặt với động vật hoang dã.
Các nhà nghiên cứu Úc đã gặp vấn đề tương tự với các hoạt động khác mà giờ đây họ coi đó là mối nguy hại cho sức khỏe cộng đồng. Những hành động đó bao gồm lái xe không thắt dây an toàn, đi xe đạp không đội mũ bảo hiểm, hút thuốc lá hoặc uống quá nhiều rượu bia.
Đây là tất cả những ví dụ mà mọi người từng coi là "bình thường", mà bây giờ chúng ta coi là rủi ro. Chụp ảnh tự sướng nguy hiểm cần được thêm vào danh sách đó.
Bằng cách coi những bức ảnh tự sướng này là một vấn đề sức khỏe cộng đồng, chúng ta không còn đổ lỗi cho nạn nhân mà thay vào đó cần thông báo rủi ro một cách hiệu quả cho những người chụp ảnh tự sướng.
Một ví dụ liên quan đến điểm chụp ảnh tự sướng phổ biến, Hồ bơi Hình Số Tám ở Công viên Quốc gia Hoàng gia, New South Wales, Úc - nơi mọi người có thể bị choáng ngợp bởi những con sóng lớn, "quái dị". Các nhà chức trách đã đưa ra xếp hạng rủi ro được mã hóa màu có tính đến các điều kiện thời tiết và đại dương. Mọi người có thể lên mạng để xem rủi ro khi đến bể bơi từ mức "rất thấp" đến "cực kỳ cao".
Nếu chúng ta coi những bức ảnh tự chụp nguy hiểm này là một vấn đề sức khỏe cộng đồng, thì chúng ta cũng hướng tới giáo dục và phòng ngừa rủi ro.
Dấu hiệu nguy hiểm tại các điểm chụp ảnh selfie là một chuyện. Nhưng các dấu hiệu đó thường bị bỏ qua, hoặc đơn giản là không nhìn thấy. Vì vậy, giới chức các địa phương cần truyền đạt tốt hơn các thông điệp an toàn đến những người chụp ảnh tự sướng khi nào và bằng cách nào thì họ sẽ thực sự chú ý.
Nghiên cứu với mạng xã hội Instagram nhằm thực hiện điều này bằng kết nối tiếp trực tiếp với những người chụp ảnh tự sướng thông qua ứng dụng Instagram. Mục đích là điều chỉnh thông báo an toàn cho người dùng Instagram bằng cách định vị địa lý của họ với các điểm chụp ảnh tự sướng rủi ro đồng thời gửi cho người dùng cảnh báo an toàn trong thời gian thực. Điều này có nghĩa là nếu bạn muốn đăng ảnh trên Instagram và muốn check-in địa điểm, ngay lập tức, vị trí này sẽ hiện nhãn cảnh báo an toàn hay nguy hiểm khi chụp ảnh selfie.
Khi tham gia vào một trong những sự kiện hoành tráng nhất thế giới như Lễ hội bò tót ở Tây Ban Nha, việc muốn ghi lại kỷ niệm là điều đương nhiên. Nhưng chụp một bức ảnh tự sướng thú vị cũng có thể đồng nghĩa với việc bị những con bò tót giận dữ giẫm chết.
Rất nhiều địa phương đã cắm biển cảnh báo du khách không được chụp ảnh trước đoàn tàu đang chạy nhưng vẫn có những người mạo hiểm.
5 MẸO ĐỂ GIỮ AN TOÀN KHI CHỤP ẢNH SELFIE
1. Xem xét điều kiện thời tiết và mối nguy từ nước.
Thời tiết và điều kiện ở những vùng ven biển có thể thay đổi nhanh chóng. Chính vì thời tiết và sóng không có vẻ nguy hiểm khi bạn bắt đầu hành trình đến địa điểm đó để check-in, nhưng chúng có thể nguy hiểm khi bạn đặt chân đến đó. Kiểm tra trước khi bạn đi, tránh thời tiết xấu và theo dõi chặt chẽ các điều kiện thủy triều và sóng là điều tối quan trọng.
2. Không đi bộ qua biển báo an toàn và rào chắn.
Hãy để ý các dấu hiệu cảnh báo có sẵn. Đừng nhảy hoặc đi vòng qua bất kỳ rào cản nào nếu đó là khu vực không được phép tiếp cận. Không phải tự nhiên giới chức địa phương lại đặt những biển báo "cấm vào" nếu khu vực đó an toàn đối với tất cả mọi người.
3. Đi đúng lộ trình.
Đi trên các lối đi và đường mòn là an toàn nhất và cũng giúp bảo vệ các hệ sinh thái mỏng manh như thảm thực vật hai bên đường. Bạn không nên trèo lên cách vách đá hoặc dẫm lên những thảm cỏ mà không biết bề mặt bên dưới của chúng có vững chắc và an toàn hay không.
4. Đừng đến quá gần mép vực. Hãy nhận biết các mảnh đất đá có thể vỡ.
Đừng tin tưởng vào các cạnh vách đá và cần phải hiểu dấu hiệu mặt đất không ổn định. Các cạnh của vách đá đang bị xói mòn một cách tự nhiên và trọng lượng tăng thêm của bạn sẽ chỉ làm cách vách đá dễ lở ra hơn. Nhiều trường hợp đã thiệt mạng vì các cạnh vách đá sụp đổ khi họ cố tình đứng trên chúng để chụp ảnh selfie.
5. Không có số lượng 'like' nào đáng giá bằng mạng sống của bạn
Hãy nghĩ lại xem mục đích của bạn để chụp ảnh tự sướng và sử dụng phương tiện truyền thông xã hội là gì? Các nghiên cứu cho thấy việc thực sự dành thời gian trong tự nhiên, khám phá thiên nhiên sẽ rất tốt cho sức khỏe của chúng ta. Hãy chỉ lưu lại những bức hình đẹp vì bạn muốn chia sẻ với bạn bè chứ không phải vì câu "like" trên mạng xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!