Những cơn gió ngược chờ đợi con tàu tăng trưởng Trung Quốc

Thanh Hiệp (Nguồn: Reuters, Global Times, Bloomberg, SCMP)-Thứ tư, ngày 19/01/2022 06:01 GMT+7

VTV.vn - Con tàu kinh tế Trung Quốc đã khép lại năm 2021 với mức tăng trưởng tốt nhất trong vòng một thập kỷ qua. Tuy nhiên, những cơn gió ngược đang dần xuất hiện phía trước.

Kinh tế Trung Quốc bứt phá trong năm 2021

Các dữ liệu được chính phủ Trung Quốc công bố hôm 17/1 cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng 8,1% trong năm ngoái, mức tăng trưởng tốt nhất kể từ năm 2011 – và nhanh hơn dự báo 8% của giới chuyên gia. Tốc độ này cũng cao hơn nhiều so với mục tiêu mà chính phủ Trung Quốc đề ra là "trên 6%". 

Có thể thấy, sau khi ghi nhận mức tăng trưởng chỉ 2,2% trong năm 2020 do dịch bệnh COVID-19 - mức tăng trưởng yếu nhất trong 44 năm qua, nền kinh tế Trung Quốc đã có sự phục hồi mạnh mẽ hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác trên thế giới.

Những cơn gió ngược chờ đợi con tàu tăng trưởng Trung Quốc - Ảnh 1.

Kinh tế Trung Quốc bứt phá mạnh mẽ trong năm 2021 với mức tăng trưởng 8,1% (Nguồn: Reuters)

Thương mại được coi là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm vừa qua, bù đắp cho sự suy giảm của các động lực khác. Các số liệu được công bố hồi tuần trước cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt mức 3,36 nghìn tỷ USD – tăng 29,9% so với năm 2020, trong bối cảnh nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc tăng mạnh trên khắp thế giới. Nhờ đó, thặng dư thương mại của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới trong năm 2021 cũng đã tăng 29% so với năm 2021, đạt mức 67,64 tỷ USD – mức cao nhất kể từ khi bắt đầu thống kê số liệu vào năm 1950.

Tổng sản phẩm quốc nội - GDP của Trung Quốc năm 2021 ước đạt 114,37 nghìn tỉ nhân dân tệ (18 nghìn tỉ USD). Ông Liu Xuezhi, chuyên gia kinh tế vĩ mô cấp cao của Ngân hàng Truyền thông Trung Quốc nhận định, nền kinh tế nước này trong năm 2021 tiếp tục "phục hồi nhẹ" trong thời kỳ hậu COVID-19 với các chỉ số kinh tế chính hoạt động ở mức tương đối ổn định.

Các tính toán cho thấy, quy mô nền kinh tế Trung Quốc năm 2021 đã tăng 2 nghìn tỉ USD so với năm 2020, hay gần tương đương với GDP của nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới là Italy. "Quy mô sản lượng kinh tế gia tăng trong năm 2021 cũng đạt mức cao mới," ông Tian Yun, cựu phó giám đốc Hiệp hội Hoạt động Kinh tế Bắc Kinh cho hay. Ông ước tính rằng từ năm 2020 đến năm 2021, mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã đóng góp hơn 50% mức tăng trưởng của thế giới, làm nổi bật vai trò của Trung Quốc như là mỏ neo, giúp duy trì sự ổn định cho nền kinh tế toàn cầu.

Những cơn gió ngược

Tuy nhiên, những dấu hiệu về một sự giảm tốc của con tàu tăng trưởng Trung Quốc đang ngày càng trở nên rõ nét hơn với sự xuất hiện của những cơn gió ngược. Tăng trưởng GDP trong quý IV/2021 chỉ đạt mức tăng trưởng 4% - nhanh hơn so với dự kiến của giới chuyên gia, nhưng vẫn là mức thấp nhất kể từ quý II/2020. Trước đó trong quý III/2021, kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng 4,9%.

"Hiện tại, áp lực đi xuống đối với nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn tương đối lớn, trong khi tăng trưởng việc làm và thu nhập của người dân đang bị hạn chế," Ning Jizhe – người đứng đầu Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) chia sẻ trong một cuộc họp báo.

Những cơn gió ngược chờ đợi con tàu tăng trưởng Trung Quốc - Ảnh 2.

Tầm quan trọng của xuất khẩu đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ giảm sút trong năm 2022 (Nguồn: Reuters)

Các chuyên gia tin rằng, sau một năm đóng vai trò là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng của xuất khẩu trong năm 2022 sẽ bị thu hẹp đáng kể, do tác động từ dịch bệnh COVID-19, lạm phát gia tăng, nhu cầu từ thị trường nước ngoài dần sụt giảm và sự cạnh tranh của các nền kinh tế xuất khẩu khác như khu vực Đông Nam Á. Ngân hàng Standard Chartered dự đoán, thặng dư thương mại sẽ chỉ đóng góp 0,3 điểm % trong mức tăng trưởng GDP 5,3% của kinh tế Trung Quốc trong năm nay. Hồi năm ngoái, mức đóng góp này là 1,5 điểm % trên mức tăng trưởng GDP 8,1%.

Trong khi đó, các lĩnh vực khác của nền kinh tế hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Thị trường nhà đất đã suy yếu đáng kể trong những tháng gần đây, khi các cơ quan quản lý đẩy mạnh chiến dịch cắt giảm tỷ lệ nợ cao, khiến một số công ty bất động sản rơi vào tình trạng vỡ nợ. Tính toán của Reuters dựa trên các dữ liệu chính thức cho thấy, đầu tư vào bất động sản trong tháng 12 đã giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước – tốc độ giảm nhanh nhất kể từ đầu năm 2020. Tính chung trong cả năm 2021, đầu tư vào bất động sản chỉ tăng 4,4% - mức chậm nhất kể từ năm 2016.

Dữ liệu yếu kém của lĩnh vực tiêu dùng cũng khiến triển vọng kinh tế trở nên ảm đạm hơn. Doanh số bán lẻ trong tháng 12 chỉ đạt mức tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước – mức tăng chậm nhất kể từ tháng 8/2020.

Những cơn gió ngược chờ đợi con tàu tăng trưởng Trung Quốc - Ảnh 3.

Dịch bệnh COVID-19 tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hoạt động sản xuất của Trung Quốc (Nguồn: Reuters)

Sản lượng công nghiệp được coi là một điểm sáng của nền kinh tế, với mức tăng 4,3% trong tháng 12 – nhanh hơn dự báo của giới chuyên gia và mức tăng 3,8% của tháng 11. Tuy nhiên, biến thể Omicron và các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt đang làm gia tăng rủi ro đối với hoạt động sản xuất. Mặc dù cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa ghi nhận những thiệt hại trên diện rộng đối với sản lượng công nghiệp và thương mại, nhưng trên thực tế, đã có một số nhà máy ở Tây An và các nơi khác phải đóng cửa hoặc chậm trễ sản xuất vì dịch bệnh.

Frederic Neumann - đồng trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC cho biết: "Ngay cả Hong Kong (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục, vốn được bảo vệ bởi những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất thế giới, cũng không thể hoàn toàn ngăn cản được biến thể Omicron". Theo chuyên gia này, biến thể Omicron có thể dẫn tới việc hàng loạt công nhân nhà máy bị ốm hoặc các biện pháp phong tỏa trên diện rộng, từ đó gây ra sự cố gián đoạn quy mô lớn đối với chuỗi cung ứng.

PBOC nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế

Với những khó khăn kể trên, Nie Wen - chuyên gia kinh tế trưởng tại Hwabao Trust nhận định: "Thách thức lớn nhất trong năm nay đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc là làm thế nào để ổn định tăng trưởng kinh tế ở mức từ 5 - 5,5% trong bối cảnh chính sách zero COVID-19 vẫn đang được áp dụng".

Ngay trước thời điểm các dữ liệu kinh tế được công bố hôm thứ Hai, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã quyết định cắt giảm lãi suất cho vay chủ chốt lần đầu tiên kể từ đầu năm 2020, nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh, những lo ngại về thể trạng tài chính của các nhà phát triển bất động sản và sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron đã phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng.

Những cơn gió ngược chờ đợi con tàu tăng trưởng Trung Quốc - Ảnh 4.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cắt giảm lãi suất cho vay chủ chốt lần đầu tiên kể từ đầu năm 2020 (Nguồn: Reuters)

Cụ thể, PBOC cho biết đã cắt giảm lãi suất 10 điểm cơ bản từ 2,95% xuống 2,85% đối với các khoản vay có tổng trị giá 700 tỷ NDT (110,19 tỷ USD) thông qua công cụ cho vay trung hạn (MLF) một năm của nhiều thể chế tài chính. Với 500 tỷ NDT các khoản vay MLF sẽ đến hạn trong ngày 17/1, quyết định trên đã giúp "bơm" vào hệ thống ngân hàng 200 tỷ NDT. Ngoài ra, PBOC cũng giảm lãi suất của các thỏa thuận mua lại đảo ngược kỳ hạn bảy ngày từ 2,2% xuống 2,1%.

Ông Ken Cheung, chuyên gia cấp cao của Ngân hàng Mizuho, nhận định, quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ sớm ngay từ đầu năm của PBOC cho thấy giới chức Trung Quốc đã cảm nhận được áp lực giám tốc đối với nền kinh tế và tin rằng, khả năng cải thiện trong quý I/2022 là không lớn.

Các chuyên gia phân tích thị trường của Capital Economics cũng nhận định, mức độ và thời điểm của đợt cắt giảm này là một bất ngờ lớn, thể hiện Bắc Kinh đang ngày càng lo ngại hơn về thể trạng của nền kinh tế. 

"Động lực kinh tế vẫn yếu trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát liên tục và lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn. Do đó, chúng tôi dự đoán PBOC sẽ cắt giảm thêm 20 điểm % đối với lãi suất chính sách trong giai đoạn nửa đầu năm nay".

Những cơn gió ngược chờ đợi con tàu tăng trưởng Trung Quốc - Ảnh 5.

Giới phân tích tin rằng, PBOC sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm 2022 để hỗ trợ nền kinh tế (Nguồn: Reuters)

Trong khi đó, công ty dịch vụ tài chính Nomura lại lưu ý rằng, không gian còn lại cho các biện pháp cắt giảm lãi suất trog năm nay là không nhiều. "Chúng tôi dự kiến sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất 10 điểm % trước thời điểm giữa năm 2022".

Bloomberg đánh giá, không giống như ở Mỹ hay châu Âu, lạm phát tại Trung Quốc đang có dấu hiệu hạ nhiệt, tạo điều kiện để ngân hàng trung ương cắt giảm chi phí đi vay. Do vậy, việc hỗ trợ nền kinh tế của PBOC vẫn sẽ thuận lợi hơn nhiều so với những gì mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hay Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đang phải đối mặt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước