Những xu hướng chủ chốt của kinh tế Trung Quốc năm 2022

TTXVN-Chủ nhật, ngày 09/01/2022 06:05 GMT+7

VTV.vn - Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh các chính sách kinh tế năm 2022 nên ưu tiên sự ổn định song song với theo đuổi tăng trưởng.

Nền kinh tế Trung Quốc đã có một năm 2021 đáng nhớ với những thách thức bất ngờ cùng nhiều bất ổn, nhưng cũng đánh dấu mốc mới khi nước này bắt đầu hành trình trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại

Giờ đây, khi năm mới 2022 đã đến, liệu Trung Quốc có duy trì được đà phục hồi sau đại dịch trong năm nay? Những ưu tiên kinh tế trong năm nay là gì? Hành trình hướng tới hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa tại Trung Quốc sẽ như thế nào? Dưới đây là một số xu hướng chủ chốt đáng chú ý của nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay.

Ưu tiên tính ổn định

Những xu hướng chủ chốt của kinh tế Trung Quốc năm 2022 - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất ô tô ở Hải Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Sự ổn định sẽ là ưu tiên hàng đầu của kinh tế Trung Quốc vào năm 2022. Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương diễn ra vào đầu tháng 12/2021, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh rằng các chính sách kinh tế năm 2022 nên ưu tiên sự ổn định song song với theo đuổi tăng trưởng.

Ngoài việc cảnh báo rằng sự phát triển của kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với áp lực từ việc thu hẹp nhu cầu, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng suy yếu, cuộc họp cũng nhấn mạnh khả năng phục hồi kinh tế mạnh mẽ của nước này và các nguyên tắc cơ bản không thay đổi sẽ làm nền tảng cho tăng trưởng về dài hạn.

Theo dự đoán của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Trung Quốc ước đạt 8% trong năm 2021 và "hạ nhiệt" vừa phải ở mức ổn định 5,1% vào năm nay. Động lực của nền kinh tế dự kiến sẽ đi lên, được hỗ trợ bởi các chính sách tài khóa phù hợp.

Củng cố "sức sống" của thị trường

Năm 2022, ngoài việc chú ý hơn đến hiệu suất và nhu cầu của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc cam kết sẽ cải thiện tính chính xác và hiệu quả chính sách để giúp những doanh nghiệp này đối phó với áp lực, đồng thời hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển của họ. Một trong số những chính sách được áp dụng là giảm thuế đối với các công ty công nghệ cao, từ đó giúp họ tăng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Các số liệu chính thức cho thấy tổng giá trị các khoản cắt giảm thuế và phí mới được bổ sung ước vượt 1.000 tỷ NDT (khoảng 156,88 tỷ USD) vào năm ngoái. Những biện pháp này dù đã hết hiệu lực vào năm 2021 sẽ lại được gia hạn trong năm nay để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cam kết đẩy mạnh nỗ lực xây dựng một môi trường thể chế công bằng, minh bạch và ổn định cho tất cả các doanh nghiệp tham gia thị trường.

Thúc đẩy nỗ lực phi carbon hóa

2021 được coi là "Năm đầu tiên" để Trung Quốc tiến tới trung hòa carbon. Trong năm nay, Chính phủ nước này đã phát hành tài liệu cấp cao nhất về chính sách hướng tới tương lai trung hòa carbon, cùng một kế hoạch hành động để đưa mức phát thải khí carbon đạt đỉnh trước năm 2030.

Theo hướng dẫn này, Trung Quốc đã đưa ra các đổi mới thể chế và công cụ chính sách mới để hỗ trợ thúc đẩy quá trình khử carbon, bao gồm thiết lập thị trường carbon quốc gia vào tháng 7/2021. Dự kiến, những biện pháp này sẽ đóng một vai trò nổi bật hơn vào năm 2022.

Một báo cáo nghiên cứu của ngân hàng Morgan Stanley năm ngoái dự báo Chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ chính sách mạnh mẽ hơn cho các khoản đầu tư xanh từ năm 2022 chẳng hạn như năng lượng tái tạo, mạng lưới điện thông minh, thiết bị lưu trữ điện và nâng cấp thiết bị sản xuất. Sự thúc đẩy theo hướng "xanh hóa" này được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho nền kinh tế Trung Quốc.

Những xu hướng chủ chốt của kinh tế Trung Quốc năm 2022 - Ảnh 2.

Trung Quốc đang thúc đẩy việc phát triển năng lượng tái tạo trong quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế carbon thấp. (Ảnh: The New York Times)

WB cũng chỉ ra rằng việc phổ biến công cụ định giá carbon, cùng với cải cách ngành điện và phát triển một loạt các công cụ tài chính xanh sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp của Trung Quốc, đồng thời khuyến khích đổi mới và thúc đẩy triển vọng tăng trưởng trung hạn.

Đẩy mạnh mở cửa nền kinh tế

Vào ngày đầu tiên của năm 2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà Trung Quốc là một thành viên đã chính thức có hiệu lực.

Trung Quốc nhấn mạnh sự kiện mang tính bước ngoặt này phát đi tín hiệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ủng hộ tự do thương mại và duy trì hệ thống thương mại đa phương. Không dừng tại đó, sự kiện trên còn đánh dấu bước khởi đầu mạnh mẽ của Trung Quốc trong năm 2022 đối với việc mở cửa nền kinh tế hơn.

Năm 2021 đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp Chính phủ Trung Quốc rút ngắn hai danh sách cấm đối với hoạt động đầu tư nước ngoài để các nhà đầu tư quốc tế dễ dàng tiếp cận thị trường tỷ dân này hơn.

Trung Quốc cũng đã cam kết mở rộng nền kinh tế ở mức độ cao và mở cửa thể chế, đối xử công bằng đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu hút thêm các công ty đa quốc gia và tạo điều kiện sớm triển khai các dự án lớn có vốn đầu tư nước ngoài vào năm 2022.

Trước xu hướng sụt giảm mạnh đầu tư xuyên biên giới trên toàn cầu, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc lục địa trong 11 tháng của năm 2021 trên thực tế đã tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2020 lên 157,2 tỷ USD, nhiều hơn số tiền của cả năm 2020. Chính phủ Trung Quốc đang kỳ vọng xu hướng này tiếp tục kéo dài trong năm 2022 với những hỗ trợ, ưu đãi về chính sách cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trung Quốc thành nền kinh tế số 1 thế giới vào năm 2030? Trung Quốc thành nền kinh tế số 1 thế giới vào năm 2030?

VTV.vn - Trung Quốc được dự báo sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030, muộn hơn 2 năm so với dự báo trước đó.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước