Những điều cần biết về MERS

Thùy Hương (Theo NY Times)-Thứ sáu, ngày 05/06/2015 14:13 GMT+7

(Ảnh: Thinkstock)

VTV.vn - Dưới đây là những điều bạn cần biết về MERS – dịch bệnh đang hoành hành và đe dọa tới tính mạng của hơn 1.000 người trên thế giới.

MERS là gì?

MERS, viết tắt của hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông, là căn bệnh được phát hiện lần đầu ở Saudi Arabia vào cuối năm 2012. Từ đó tới nay, hầu hết các ca nhiễm bệnh được phát hiện là ở Trung Đông, một số khác lại mang mầm bệnh tới nhiều quốc gia khác, trong đó có Mỹ hay hiện giờ là Hàn Quốc - ổ dịch MERS lớn nhất ngoài Trung Đông.

MERS từ đâu mà có?

MERS là căn bệnh gây ra bởi virus corona, cùng họ với virus gây ra bệnh SARS từng hoành hành tại 37 quốc gia trên thế giới và cướp đi mạng sống của tổng cộng 775 người. Mặc dù đã không còn ghi nhận trường hợp nào mắc SARS trên thế giới, song, căn bệnh này vẫn chưa được loại trừ 100% bởi đây là căn bệnh truyền nhiễm từ động vật và có thể tái xuất bất cứ lúc nào.

MERS khiến con người tử vong như thế nào?

Các bệnh nhân nhiễm virus MERS – CoV thường tử vong do sốt cao và viêm phổi. Những người có tiền sử mắc các bệnh về hô hấp, tiểu đường hay bệnh thận thường có khả năng tử vong cao hơn khi nhiễm bệnh. Vì là một loại virus nên các loại kháng sinh không có tác dụng điều trị bệnh MERS. Thay vào đó, các bác sĩ sẽ phải cung cấp oxy và sử dụng tới các biện pháp khác để duy trì hơi thở cho bệnh nhân cho tới khi hệ thống miễn dịch của người nhiễm bệnh tự có khả năng đánh bại virus. Theo WHO, tỷ lệ tử vong đối với các ca nhiễm MERS lên tới 38%.

Con người nhiễm virus MERS – CoV như thế nào?

Loại virus chết người này được cho là tồn tại trên loài dơi và được phát hiện trên các cá thể lạc đà một bướu ở Trung Đông. Ngoài khả năng phơi nhiễm từ loài dơi, các chuyên gia y tế cho rằng hầu hết các trường hợp nhiễm virus MERS – CoV đầu tiên trên loài người đều lây chủng virus này từ lạc đà – loài vật thường được các quốc gia Arab nuôi để lấy thịt, sữa hoặc làm phương tiện di chuyển. Virus MERS – CoV có thể lây truyền sang con người từ sữa thô của lạc đà. Điều này tương tự với virus SARS trên loài dơi nhưng lại được phát hiện trên một số động vật ăn thịt ở Trung Quốc như cầy hương.

MERS lan truyền từ người sang người như thế nào?

Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đều là lây truyền giữa các thành viên trong gia đình và trong cùng bệnh viện. Mặc dù có thể nhiễm virus MERS – CoV qua tiếp xúc, qua đường máu hoặc những đường lây truyền khác nhưng MERS không hề dễ lây truyền như bệnh cúm hay sởi. Ngoài ra, con người chỉ nhiễm bệnh khi hít phải một lượng lớn virus MERS – CoV.

Trong khi đó, đối với dịch SARS, sai lầm nguy hiểm nhất của các quan chức y tế là tập hợp các bệnh nhân nhiễm bệnh với nhau trong những căn phòng có máy thông gió và máy xông khí dung. Điều này vô tình tạo nên một đám mây mang mầm bệnh và thâm nhập vào hệ thống thông gió, khiến SARS lây lan mạnh hơn.

Đã có vaccine hay phương pháp điều trị MERS chưa?

Hiện vẫn chưa có bất cứ phương pháp hữu hiệu nào điều trị MERS.

Dịch MERS có thể được ngăn chặn không?

Tất cả những trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus MERS – CoV đều phải được báo cáo và cách ly. Bác sĩ và các y tá cũng có khả năng trở thành vật thể trung gian truyền bệnh.

Liệu MERS có khả năng trở thành đại dịch trên toàn cầu?

Các chuyên gia y tế cho rằng điều này khó xảy ra trừ khi virus MERS – CoV có sự đột biến làm tăng tính lây lan. Tuy nhiên, họ cũng lo ngại sẽ xuất hiện một số ổ bệnh như trường hợp của Hàn Quốc. Ngoài ra, các chuyên gia cũng lo sợ loại virus chết người này có thể phát tán trong cuộc hành hương tới thánh địa Mecca của những người Hồi giáo nếu dịch MERS tiếp tục kéo dài tới mùa thu năm nay.

Hàn Quốc: Hơn 1.500 người tiếp xúc với bác sĩ nhiễm MERS Hàn Quốc: Hơn 1.500 người tiếp xúc với bác sĩ nhiễm MERS

VTV.vn - Theo các quan chức Hàn Quốc, một bác sĩ nhiễm virus MERS – CoV tại Seoul được cho là đã tiếp xúc với hơn 1.500 người dân trong một cuộc họp lớn diễn ra cuối tuần qua.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước