Những hệ lụy "khó lường" đằng sau quyết định rút nước Mỹ khỏi WHO

Thanh Hiệp-Chủ nhật, ngày 31/05/2020 06:04 GMT+7

VTV.vn - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29/5 tuyên bố, nước này chấm dứt mối quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), động thái sẽ tạo nhiều hệ lụy khó lường.

Nước Mỹ chấm dứt mối quan hệ với WHO

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết, quyết định chấm dứt mối quan hệ được đưa ra sau khi WHO không thực hiện những cải cách mà Mỹ đã yêu cầu. Ngoài ra, ông cho biết, Mỹ sẽ chuyển hướng các khoản tiền đã cam kết hỗ trợ cho WHO sang các nhu cầu y tế công cộng cấp bách khác trên toàn cầu.

Đây được coi là một động thái gây chú ý nhưng không quá bất ngờ từ người đứng đầu Nhà Trắng, nếu nhìn vào những sức ép ngày càng gia tăng mà chính quyền của ông áp lên tổ chức y tế của Liên hợp quốc trong vài tháng qua.

Những hệ lụy khó lường đằng sau quyết định rút nước Mỹ khỏi WHO - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29/5 tuyên bố, nước này chấm dứt mối quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) (Ảnh: Getty)

Trước đó, từ giữa tháng 4, Tổng thống Trump đã yêu cầu Chính phủ Mỹ tạm ngừng tài trợ cho WHO, do cho rằng cách thức giải quyết đại dịch COVID-19 của tổ chức này chưa phù hợp. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cáo buộc WHO đã có mối quan hệ quá gần gũi với Trung Quốc. 

Chỉ 1 tháng sau đó, hôm 18/5, ngay trước thềm kỳ họp Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) lần thứ 73, Tổng thống Trump gửi tối hậu thư tới Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, cảnh báo Washington sẽ vĩnh viễn đóng băng nguồn tài trợ cho WHO và xem xét rút Mỹ ra khỏi tổ chức này, nếu WHO không cam kết tiến hành những cải thiện thực chất đáng kể trong vòng 30 ngày.

Theo trang mạng Politico, quyết định mới đây của Tổng thống Donald Trump đã nhận được sự hưởng ứng từ một số nhà lập pháp và các nhóm vận động có khuynh hướng bảo thủ, vốn không mấy tin tưởng vào các tổ chức quốc tế như WHO. Ông Allan Parker – chủ tịch tổ chức The Justice Foundation cho biết "Chúng tôi tự hào rằng quốc gia của mình sẽ không còn phải gửi tiền thuế của người dân để hỗ trợ một tổ chức có quan điểm gần gũi với Trung Quốc nữa".

Những hệ lụy khó lường đằng sau quyết định rút nước Mỹ khỏi WHO - Ảnh 2.

Mỹ hiện là nhà tài trợ lớn nhất cho WHO (Nguồn DW)

Theo thống kê, Mỹ hiện đứng đầu về mặt đóng góp tài chính cho WHO, với 893 triệu USD trong giai đoạn 2018 – 2019 (gần 3/4 là đóng góp tự nguyện). Sự đóng góp của Mỹ hiện chiếm tới gần 15% tổng số tiền đóng góp tự nguyện cho WHO trên toàn cầu. Do đó, quyết định chưa từng có tiền lệ của nhà lãnh đạo Mỹ được cho là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng lực phản ứng với dịch bệnh COVID-19, cũng như các mối đe dọa y tế khác của WHO.

Giới chuyên gia phản đối quyết định của Tổng thống Trump

Quyết định của Tổng thống Donald Trump ngay lập tức đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội, trước hết là từ giới chuyên gia y tế.Chủ tịch Ủy ban Y tế Thượng viện Mỹ - Thượng nghị sĩ Lamar Alexander cho biết, ông không tán thành quyết định của Tổng thống Donald Trump chấm dứt tư cách thành viên của Mỹ tại WHO, bởi điều này có thể ảnh hưởng đến nỗ lực phối hợp bào chế vaccine phòng COVID-19 cũng như các hoạt động của WHO liên quan đến các dịch bệnh khác có thể xâm nhập nước Mỹ. 

Ông nêu rõ "Chắc chắn cần có một cái nhìn rõ ràng, đầy đủ về những sai lầm mà WHO có thể đã mắc phải liên quan đến COVID-19. Nhưng thời điểm để làm điều đó là sau khi dịch bệnh đã được xử lý, chứ không phải ngay giữa cuộc khủng hoảng như thế này".

Những hệ lụy khó lường đằng sau quyết định rút nước Mỹ khỏi WHO - Ảnh 3.

Việc Mỹ rút khỏi WHO sẽ làm suy yếu các nỗ lực chống COVID-19 toàn cầu (Nguồn Reuters)

Theo các chuyên gia y tế, nước Mỹ hiện đang dựa vào quan hệ đối tác với WHO và các nước khác để chia sẻ những dữ liệu, thông tin quan trọng, bao gồm cách thức điều trị và phát triển vaccine phòng virus SARS-CoV-2 cũng như các mối đe dọa khác như HIV và Ebola. Do đó, việc thiếu vắng sự hợp tác quốc tế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phản ứng của hệ thống y tế Mỹ đối với COVID-19 và các dịch bệnh khác.

Tiến sĩ Howard Koh, cựu Trợ lý Bộ trưởng Y tế dưới thời chính quyền Tổng thống Obama cho biết: "Quyết định này thực sự rất thiển cận và thiếu sáng suốt. Tất cả những gì nó làm là khiến sinh mạng của người Mỹ gặp nguy hiểm".

Các chuyên gia y tế toàn cầu cũng nhận định quyết định rời khỏi WHO của ông Trump là rất nguy hiểm. Ông Richard Horton - Tổng biên tập tạp chí y khoa Lancet (Anh) gọi đây là một quyết định điên rồ, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong thời điểm thế giới đang phải đối mặt với đại dịch. "Chính phủ Mỹ đã hành xử một cách không bình thường trong thời điểm khẩn cấp về mặt nhân đạo. Tất cả các nhà lãnh đạo cần phải kêu gọi củng cố tình đoàn kết quốc tế để hỗ trợ hợp tác đa phương".

Nước Mỹ tự làm suy giảm vị thế của mình trong lĩnh vực y tế

Một trong những lý do chính khiến Tổng thống Trump đi đến quyết định rút khỏi WHO là vì tổ chức này có quan điểm quá gần gũi với Trung Quốc trong khi Mỹ mới là nước đóng góp tài chính lớn nhất. Nhà lãnh đạo Mỹ chỉ trích: "Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn Tổ chức Y tế Thế giới dù chỉ tài trợ 40 triệu USD/năm so với khoảng 450 triệu USD/năm Mỹ đã chi".

Thế nhưng, những người phản đối quyết định của Tổng thống Trump cho rằng, việc rời khỏi WHO sẽ chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Điều này không những không giúp thúc đẩy những cải cách tại WHO – điều mà chính phủ Mỹ mong muốn, ngược lại, còn tạo điều kiện để Trung Quốc có được tầm ảnh hưởng lớn hơn tại tổ chức này sau khi Mỹ rút lui.

Những hệ lụy khó lường đằng sau quyết định rút nước Mỹ khỏi WHO - Ảnh 4.

Hôm 18/5, ngay trước thềm kỳ họp Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) lần thứ 73, Tổng thống Trump gửi tối hậu thư tới Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, cảnh báo Washington sẽ vĩnh viễn đóng băng nguồn tài trợ cho WHO và xem xét rút Mỹ ra khỏi tổ chức này

Bên cạnh đó, việc rút khỏi tổ chức y tế đa phương lớn nhất thế giới giữa lúc đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành, sẽ chỉ làm cho hình ảnh nước Mỹ thêm xấu đi trong mắt cộng đồng quốc tế. Điều này chẳng khác nào "món quà" cho Trung Quốc - quốc gia vẫn đang cố gắng trở thành nước đi đầu trong cuộc chiến chống COVID-19. 

Trong thời gian qua, Bắc Kinh đã liên tục phát đi những cam kết tích cực như ủng hộ 2 tỷ USD trong vòng 2 năm cho cuộc chiến chống COVID-19 trên toàn cầu hay phổ biến vaccine cho tất cả các nước ngay sau khi phát triển thành công, một thông điệp trái ngược hoàn toàn với Washington.

Tiến sĩ Tom Frieden, cựu giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ bày tỏ lo ngại: "Mỹ đã góp phần trong việc thành lập WHO. Và giờ chúng ta đang quay lưng lại với tổ chức này - chúng ta đang quay lưng lại với thế giới. Điều đó làm cho chúng ta và cả thế giới trở nên kém an toàn hơn. Giờ đây, Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới đều có quyền phủ quyết tại WHO, còn nước Mỹ thì không. Điều đó sẽ khiến nước Mỹ dễ bị tổn thương hơn".

Việc Mỹ rút khỏi WHO liệu có khả thi?

Một câu hỏi khác được đặt ra, là quá trình đưa nước Mỹ rút khỏi WHO liệu có dễ dàng? Tổng thống Trump không cung cấp thông tin chi tiết, nhưng theo các chuyên gia và giới lập pháp Mỹ, câu trả lời là không.

"Việc này vượt quá thẩm quyền theo hiến pháp của tổng thống", ông Larry Gostin, Giám đốc Viện nghiên cứu O'Neill về Luật Sức khỏe Quốc gia và Toàn cầu tại Đại học Georgetown cho biết. Ông Gostin tin rằng Tổng thống Trump sẽ cần tới sự phê chuẩn của Quốc hội để chấm dứt tư cách thành viên WHO của nước Mỹ.

Những hệ lụy khó lường đằng sau quyết định rút nước Mỹ khỏi WHO - Ảnh 5.

Quốc hội Mỹ liệu có chấp nhận quyết định của Tổng thống Donald Trump? (Nguồn Reuters)

"Chỉ khi đã được Quốc hội đồng ý trước và giao quyền lực, ông Trump mới có thể rút Mỹ khỏi WHO", Giáo sư y tế công cộng Kelley Lee tại Đại học Simon Fraser cho biết. "Các cố vấn pháp lí có nhiệm vụ thông báo cho Tổng thống biết ông ấy có quyền hạn đến đâu. Hoặc là ông Trump không được nhận những lời khuyên tốt, hoặc là ông ấy không lắng nghe chúng".

Theo ông Larry Gostin, Tổng thống Trump thậm chí có thể bị Quốc hội kiện lên tòa án liên bang nếu tiếp tục thực hiện theo tuyên bố của mình. Tuy nhiên, ông vẫn sẽ thành công trong việc ngưng tài trợ của Mỹ cho WHO cho đến khi phán quyết của tòa được đưa ra.

Trang Politico cho biết, các Hạ nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Dân chủ đã phản ứng rằng Tổng thống Trump không có thẩm quyền để ngừng tài trợ cho WHO, đồng thời cáo buộc ông Trump đã nghiêm trọng hóa vấn đề của tổ chức này, để khiến dư luận khỏi chú ý đến những thiếu sót của Washington trong việc phòng chống dịch COVID-19. Trước đó, khi Tổng thống Trump tuyên bố đóng băng tạm thời nguồn tài trợ cho WHO, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cũng đã nói rằng sẽ ngăn chặn động thái này, dù chưa cho biết những bước đi cụ thể.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước