Một cuộc "lên đường" quy mô lớn
Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái ở Vũ Hán, Trung Quốc, một cuộc "lên đường" quy mô lớn đã diễn ra khắp nơi trên thế giới, với các bác sĩ, y tá, chuyên gia xét nghiệm, nhân viên hậu cần y tế - những người không ngần ngại đến những nơi đại dịch đang bùng phát.
Bà Liu Chun, một bác sĩ chuyên khoa hô hấp cùng 129 bác sĩ khác tại bệnh viện của mình đã tình nguyện đến Vũ Hán vào đầu tháng 2 - khi ấy là tâm dịch COVID-19 của thế giới. Các tình nguyện viên đã khóc vì sợ hãi trên chuyến bay đến Vũ Hán, thậm chí có người đã viết di chúc. Tuy nhiên, họ vẫn quyết tâm ra tuyến đầu.
Bác sĩ Liu Chun là một trong những tình nguyện viên đầu tiên đến Vũ Hán, Trung Quốc. (Nguồn: Time)
"Phải đi" cũng chính là suy nghĩ của bác sĩ chuyên khoa phổi Rebecca Martin, 44 tuổi ở Mountain Hope, bang Arkansas, Mỹ.
Khi dịch COVID-19 bùng phát ở thành phố New York hồi mùa xuân năm nay, bác sĩ Martin đã bắt một chuyến bay gần như trống không đến New York, hạ cánh xuống một thị trấn ma - không có bóng dáng người đi bộ trên vỉa hè, không có ô tô trên đường - và lên đường đến Trung tâm Y tế Wyckoff Heights ở Brooklyn để tình nguyện phục vụ.
Thật kinh hoàng. Có quá nhiều điều mà chúng tôi chưa biết về COVID-19
Chị đã ở trên tuyến đầu chống dịch tại New York suốt một thời gian dài, giờ đây trở lại Arkansas, chị cũng đang chiến đấu với làn sóng COVID-19 thứ 3 ở Trung tâm Y tế Khu vực Baxter, làm việc 12 đến 14 giờ đồng hồ mỗi ngày. "Chúng tôi sẽ chăm sóc cho cộng đồng của mình," chị nói một cách đơn giản.
Bác sĩ Rebecca Martin: "Chúng tôi sẽ chăm sóc cho cộng đồng của mình." (Nguồn: Time)
Bác sĩ Alan Roth, 60 tuổi, chủ nhiệm khoa y học gia đình tại Trung tâm Y tế Bệnh viện Jamaica ở Queens, New York cho biết: "Trong 15 năm qua, tôi chưa bao giờ thấy nhiều người tử vong đến vậy."
Ông đã mắc COVID-19 vào tháng 3 và hiện đang bị hội chứng kéo dài, vẫn phải vật lộn với nhiều tháng mệt mỏi sau khi giai đoạn cấp tính của bệnh qua đi. Nhưng ông vẫn không từ bỏ vị trí nơi tuyến đầu khi làn sóng dịch thứ 3 ập vào Mỹ.
"Tôi đã làm việc 7 ngày một tuần trong nhiều năm của cuộc đời mình, nhưng chưa bao giờ kiệt sức về thể chất và cảm xúc như bây giờ," ông nói.
Bác sĩ Alan Roth từng mắc COVID-19 trong quá trình công tác. (Nguồn: Time)
Trên khắp thế giới, đã có nhiều sự cống hiến, hy sinh tương tự. Không chỉ riêng nhân viên y tế phải gánh vác trọng trách đó. Giáo viên, nhân viên ngành dịch vụ ăn uống, nhân viên ngành dược hay người làm dịch vụ thiết yếu đều đã làm những công việc anh hùng. Nhưng chính các nhân viên y tế là người dẫn đầu.
Họ đã đảm nhận công việc khi đại dịch mới xuất hiện, và lăn xả trong suốt thời gian dịch diễn biến phức tạp. Công chúng đã cổ vũ họ bằng lời ca tiếng hát và những tràng vỗ tay. Giờ đây, khi công chúng đã mệt mỏi và sự cổ vũ cũng không còn rầm rộ như lúc ban đầu, thì các nhân viên y tế vẫn lặng lẽ, miệt mài làm công việc của mình.
Tờ Time nhận định, những câu chuyện của họ khác nhau, nhưng lòng dũng cảm của họ là một, và điều ấy cần được lan tỏa.
Những người hùng coi công việc của mình là lẽ đương nhiên
Khi điện thoại đổ chuông vào tháng 3, cô Ornella Calderone, 33 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành y ở Turin, Italy, có cảm giác cuộc gọi này sẽ thay đổi cuộc đời mình. Thời điểm ấy Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới tuyên bố COVID-19 là đại dịch, và Italy chính là tâm dịch toàn cầu. Cuộc gọi cho biết bệnh viện đang rất cần người. Kể từ khi ấy, toàn bộ thời gian của cô là ở trong bệnh viện với lịch làm việc dày đặc, chăm sóc các bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nguy kịch.
Chúng tôi buộc phải tiếp thu các khái niệm trong một thời gian rất ngắn, để học mọi thứ ngay lập tức
Cô Calderone trở lại Turin vào tháng 6, sau khi đợt dịch đầu tiên kết thúc. Hiện cô đang làm việc tại một cơ sở địa phương từng là viện dưỡng lão nhưng đã được chuyển đổi thành bệnh viện COVID-19 khi căn bệnh bùng phát trở lại vào mùa thu này. "Làn sóng thứ hai thậm chí còn khó khăn hơn làn sóng đầu tiên," cô nói. Tuy nhiên, cô không hề hối hận. "Khi mở mắt thức dậy, tôi biết mình có một vai trò phải thực hiện."
Chị Archana Ghugare, 41 tuổi, một nhân viên y tế cộng đồng đến từ Pavnar, Maharashtra, Ấn Độ, làm công việc xác định các trường hợp mắc COVID-19 ở vùng nông thôn và hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân.
Khoản tiền hỗ trợ mà chị nhận được chẳng thấm vào đâu so với 12 giờ làm việc mỗi ngày, chỉ 1.000 ruppee/tháng, tương đương 300.000 VND, thấp hơn cả số tiền chị kiếm được từ những công việc bán thời gian khác. Tuy nhiên, chị vẫn không nề hà. "Chúng tôi biết công việc mình đang làm xứng đáng để hy sinh và nhận được sự tôn trọng," chị nói.
Nhân viên y tế cộng đồng Archana Ghugare sẵn sàng làm việc 12h/ngày với đồng lương eo hẹp để hỗ trợ bệnh nhân COVID-19. (Nguồn: Time)
Những người hùng đôi khi không thể bảo vệ chính mình…
Làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên là một cơn ác mộng với người cao tuổi. Điều đó cũng đẩy các nhân viên chăm sóc sức khỏe ở các viện dưỡng lão vào tình huống khẩn cấp. Bà Tanya Lynne Robinson, 56 tuổi, là một phụ tá chăm sóc sức khỏe gia đình ở Cleveland, Mỹ, chuyên chăm sóc những người quá già hoặc ốm yếu không thể ra ngoài.
Chúng tôi làm công việc của mình ngày ngày mà không cần mọi người nói lời cảm ơn
Thời kỳ đầu của đại dịch, họ cũng là những hùng không được bảo vệ. Đồ bảo hộ có hạn, họ bắt buộc phải tái sử dụng hoặc chấp nhận trang bị thiếu thốn. Trong trường hợp của bà Robinson, điều này đặc biệt nguy hiểm. Bị mắc bệnh hen suyễn và đa xơ cứng, bà có nguy cơ mắc COVID-19 rất cao. Tuy nhiên, bà vẫn ở lại với các bệnh nhân nội trú của mình, ngay cả trong thời điểm không có đủ trang thiết bị bảo hộ cần thiết.
Các nhân viên ở viện dưỡng lão như bà Robinson phải tắm rửa theo ca, chỉ giặt quần áo vào những ngày được chỉ định và từ bỏ quyền đơn giản là ngủ trên giường của mình và gặp gỡ người thân, chỉ chuyên tâm phục vụ cộng đồng.
Nhân viên y tếTanya Lynne Robinson: "Chúng tôi làm công việc của mình ngày ngày mà không cần mọi người nói lời cảm ơn." (Nguồn: Time)
… nhưng vẫn thầm lặng cống hiến
Những nhân viên hậu cần y tế đôi khi nhận được quá ít sự công nhận. Bà Sabrina Hopps, 47 tuổi, là một nhân viên vệ sinh làm việc 10 tiếng rưỡi mỗi ngày tại đơn vị chăm sóc đặc biệt ở Washington, D.C., chuyên vệ sinh phòng bệnh cho bệnh nhân. Chính bà Hopps đã khử trùng công tắc đèn, thanh vịn giường, nút gọi, và máy thở.
Do các yêu cầu về quyền riêng tư của bảo hiểm y tế Mỹ, bà không thể biết liệu một bệnh nhân mà bà đang dọn phòng có mắc COVID-19 hay không. Tuy nhiên, bà lại tìm thấy động lực trong công việc mình làm, đặc biệt qua việc tiếp xúc với bệnh nhân.
Chỉ cần trò chuyện với bệnh nhân là sẽ an ủi được họ ít nhiều. Còn nếu bệnh nhân đang thở máy không nói chuyện được ư, tôi đã học cách đọc môi rồi.
Lo ngại dịch COVID-19 lan rộng, nhiều học khu của Mỹ đã phải chuyển sang học trực tuyến. Điều đó đã đặt ra những thách thức đặc biệt cho các y tá trường học như bà Shelah McMillan, 46 tuổi, làm việc tại Trường Rudolph Blankenburg ở Philadelphia, và phòng cấp cứu của Trung tâm Y tế Einstein của thành phố. Với việc học khu của bà đã chuyển sang hình thức học tập hoàn toàn từ xa, bà McMillan lo lắng rằng học sinh sẽ không được chăm sóc sức khỏe đầy đủ.
Bà nói: "Việc không thể gặp mặt tại trường khiến chúng tôi khó theo dõi sức khỏe của học sinh hơn. Chúng tôi phải tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa cộng đồng y tế và các gia đình". Một đường dây nóng đã được tạo ra để nhận các cuộc gọi và tin nhắn từ phụ huynh cũng như trả lời các câu hỏi về đại dịch và sức khỏe của từng học sinh.
Kể từ mùa xuân, bà McMillan cũng đã làm việc với Tổ chức Black Doctors COVID-19, chuyên cung cấp dịch vụ xét nghiệm miễn phí tại các cộng đồng người Mỹ gốc Phi ở Philadelphia, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus tại Mỹ.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ từ ngày 30/11, người Mỹ gốc Phi có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn 1,4 lần so với người da trắng. Chênh lệch thu nhập và thiếu khả năng tiếp cận các cơ sở chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Bà McMillan và những người khác đã và đang làm tất cả những gì có thể để đảm bảo sức khỏe cho các cộng đồng này.
Y tá Shelah McMillan hỗ trợ học sinh lẫn cộng đồng người da màu tại Mỹ trong đại dịch COVID-19. (Nguồn: Time)
Những người hùng vĩnh viễn nằm lại
Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,7 triệu người, trong số đó có các nhân viên y tế, những người đóng vai trò quan trọng trong suốt quá trình ứng phó và tiếp tục phục vụ ở tuyến đầu. Trong những ngày đầu đại dịch xuất hiện, các bác sĩ đã cảnh báo về những tác động tiềm tàng của virus.
Khi virus lây lan, nhiều bác sĩ đã cung cấp phương pháp điều trị cho một căn bệnh mà họ chưa hiểu biết hết, trong khi những người khác nghiên cứu vaccine tiềm năng. Và khi đại dịch COVID-19 trở nên tồi tệ trên toàn thế giới, các chuyên gia y tế đã làm việc không mệt mỏi để chăm sóc cho bệnh nhân, có những người đã về hưu vẫn quay lại hỗ trợ.
Không thể vinh danh tất cả các nhân viên y tế đã tử vong vì COVID-19. Sự hy sinh ấy cũng là lời nhắc nhở về sự cống hiến và phục vụ không ngừng của những người tiếp tục chăm sóc bệnh nhân tại thời điểm mà các ca bệnh và tử vong do COVID-19 đang gia tăng ở nhiều quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!