Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ Chủ tịch Cuba Raul Castro vào tháng 9/2015 tại trụ sở Liên hợp quốc. (Ảnh: AP)
1. Mỹ bỏ phiếu trắng với nghị quyết của Liên hợp quốc yêu cầu Washington chấm dứt cấm vận kinh tế nhằm vào Cuba
Lần đầu tiên trong 25 năm, Mỹ đã bỏ phiếu trắng với nghị quyết
của Liên hợp quốc (LHQ) yêu cầu Washington chấm dứt cấm vận kinh tế nhằm vào
Cuba.
Trong những lần trước đó, Mỹ đều bỏ phiếu chống đối với việc
chấm dứt cấm vận kinh tế nhằm vào Cuba. Với bước đi này của Mỹ, nghị quyết của
Đại hội đồng LHQ đã được thông qua với tỷ lệ áp đảo 191 phiếu thuận cùng 2 phiếu
trắng của Mỹ và Israel. Dù nghị quyết không mang tính ràng buộc nhưng việc Mỹ bỏ
phiếu trắng để văn kiện này được thông qua được xem là một động thái tích cực từ
phía chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Bộ trưởng Ngoại giao Cuba gọi đây là một tín hiệu đầy hứa hẹn
hướng tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa La Habana và Washington sau
hơn nửa thế kỷ thù địch.
Trong hơn 50 năm qua, lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ đã khiến
Cuba thiệt hại hơn 125 tỷ USD.
2. FBI mở lại cuộc điều tra vụ bê bối thư điện tử của bà Clinton
Khi chỉ còn chưa tới 10 ngày nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng
thống Mỹ, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã mở lại cuộc điều tra bê bối thư điện
tử của bà Hillary Clinton.
Cụ thể, FBI điều tra về việc bà Clinton sử dụng hệ thống thư
điện tử cá nhân khi làm Ngoại trưởng. FBI cho biết, cơ quan này sẽ có các biện
pháp điều tra thích hợp để quyết định, liệu những thư điện tử mới có lưu các
thông tin mật hay không. Bà Clinton đã giận dữ yêu cầu FBI làm rõ tuyên bố về vụ
tái điều tra này.
Trong khi đó, ứng viên của đảng Cộng hòa Donald Trump đánh
giá cao quyết định này, đồng thời tuyên bố, bà Clinton không đủ tư cách tham
gia cuộc bầu cử Tổng thống.
3. Bỉ đạt được đồng thuận về Hiệp định thương mại EU – Canada
Các chính trị gia Bỉ đã đạt được thỏa thuận "phá vỡ sự
bế tắc" liên quan đến Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Canada (gọi tắt
là CETA).
Sau những nỗ lực đàm phán marathon không ngừng, các cộng đồng
nói tiếng Pháp tại Bỉ đã tìm được tiếng nói chung với Chính phủ để ủng hộ Hiệp
định thương mại tự do giữa EU và Canada.
Đúng ra, buổi lễ ký kết Hiệp định này đã diễn ra trong ngày
27/10 (theo giờ địa phương), nếu như trước đó không bị người dân vùng Wallonie
của Bỉ phản đối, khiến Bỉ không thể ký Hiệp định. Thỏa thuận này đạt được tại Bỉ
vẫn sẽ phải được 27 nước thành viên khác trong EU nhất trí trước khi ký kết
CETA.
4. Nga bác bỏ cáo buộc can thiệp tiến trình bầu cử Tổng thống tại Mỹ
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ cáo buộc của
Washington cho rằng, Moscow phải chịu trách nhiệm trong các vụ tấn công nhằm
vào mạng máy tính của Đảng Dân chủ ở Mỹ.
Phát biểu trước nhiều chuyên gia về chính sách đối ngoại của
Nga tại miền Nam nước này, ông Putin khẳng định những cáo buộc Nga tấn công mạng
vào Mỹ là hoang đường và hoàn toàn vô căn cứ, đồng thời nhấn mạnh, những cáo buộc
này là nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề trong cuộc bầu cử tại Mỹ.
Ông Putin cũng cho biết, hiện Moscow vẫn chưa rõ lập trường
của cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ trong mối quan hệ với Nga nhưng khẳng định
Nga luôn hoan nghênh những tuyên bố về cải thiện quan hệ giữa hai nước.
5. Tổng thống Hàn Quốc xin lỗi công chúng sau vụ rò rỉ tài liệu
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye mới đây đã chính thức lên
tiếng xin lỗi người dân Hàn Quốc, đồng thời thừa nhận mối quan hệ thân thiết của
mình với bà Choi Sun-Sil, người phụ nữ đang là tâm điểm trong một vụ bê bối
tham nhũng tại Hàn Quốc. Vụ việc đã khiến uy tín của Tổng thống Park Geun-hye,
người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 2/2018, xuống mức thấp nhất kể từ khi bà
lên nắm quyền năm 2013.
Ngoài việc nhờ bà Choi Soon-Sil tư vấn một số vấn đề mang
tính quốc gia, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye cũng thừa nhận bà Choi
Soon-sil đã hỗ trợ bà trong các bài phát biểu ở chiến dịch tranh cử Tổng thống
Hàn Quốc năm 2012 và sau khi bà chính thức nhậm chức năm 2013.
Lời xin lỗi của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye được đưa
ra trong bối cảnh đài truyền hình Hàn Quốc JTBC đưa tin bà Choi Soon-sil, người
không giữ vị trí nào trong Chính phủ đã tham gia vào việc chỉnh sửa một số bài
phát biểu quan trọng của Tổng thống Park Geun Hye và nhiều khả năng đã can thiệp
vào các vấn đề mang tính quốc gia. Bản nháp của các bài phát biểu của bà Park
Geun Hye từ năm 2012 đến năm 2014 đã được tìm thấy trong máy tính cá nhân của
bà Choi Sun-sil.
6. Campuchia cấm ông Sam Rainsy về nước
Chính quyền Campuchia đã ra chỉ thị cấm các cơ quan hữu
trách cho phép Lãnh đạo đảng đối lập CNRP Sam Rainsy về nước.
Chị thị này được đưa ra sau khi Hội đồng Bộ trưởng Campuchia
ra chỉ thị ngày 12/10 cấm các hãng hàng không bán vé máy bay cho ông Sam Rainsy
về Campuchia. Nếu máy bay nào chở ông Sam Rainsy sẽ không được phép hạ cánh tại
các sân bay trên lãnh thổ Campuchia.
Theo phát ngôn của Đảng Nhân dân Campuchia, Chính phủ
Campuchia cần đảm bảo sự ổn định chính trị và hoà bình trên khắp đất nước. Việc
ông Sam Rainsy xuất hiện tại Campuchia sẽ kích động dân chúng gây ra cuộc biểu
tình bạo loạn, làm mất an ninh trật tự, thiệt hại tài sản của nhà nước và người
dân.
Ông Sam Rainsy đã sống lưu vong nước ngoài từ tháng 11/2015,
để tránh án 2 năm tù giam vì tội phỉ báng Phó Thủ tướng Hor Namhong. Dù không
xác định thời điểm về nước nhưng ông Sam Rainsy nói sẽ quay trở lại Campuchia trước
khi cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7/2018.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!