Liên Hợp Quốc cho biết, với đà gia tăng dân số như hiện nay, Ấn Độ có thể trở thành ngôi nhà của 1,7 tỷ người vào năm 2064.
Điều này đang mang đến cho Ấn Độ những cơ hội và thách thức gì? Có một số dự báo lạc quan, như ngân hàng Morgan Stanley nhận định, New Delhi đang trên đà "tăng trưởng kinh tế chưa từng có". Tuy nhiên, phía trước sẽ không chỉ là màu hồng.
Dân số Ấn Độ đã tăng nhanh hơn nhiều so với những gì mà thế giới có thể hình dung. Năm 2000, các dự báo cho rằng dân số Ấn Độ sẽ chỉ có thể vượt Trung Quốc vào năm 2045. Cách đây hơn 5 năm, dự báo được rút ngắn nhưng vẫn cho rằng phải đến 2027 dân số Ấn Độ mới vượt Trung Quốc.
Tuy nhiên, đến nay, Quỹ Dân số Liên hợp quốc đã chính thức khẳng định, việc Ấn Độ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới đã ở trước mắt.
Đáng chú ý hơn, theo Thời báo Ấn Độ, Ấn Độ sẽ không chỉ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới mà còn là một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất thế giới. Một nửa dân số Ấn Độ hiện nay là dưới 30 tuổi, 2/3 ở độ tuổi từ 15 - 64.
Ga ở Mumbai, Ấn Độ chật kín người dân chờ tàu. (Ảnh: The New Yoek Times)
Dân số trẻ, lại đông dĩ nhiên sẽ mang lại cho nền kinh tế những ưu thế trong cả nguồn lực sản xuất lẫn tiêu thụ hàng hóa dịch vụ và thúc đẩy đổi mới. Một số trang báo nhận định, dân số với đông đảo người ở trong lực lượng lao động như vậy, dù đã có việc hay đang thất nghiệp cũng sẽ tất yếu khiến cho các hoạt động của nền kinh tế trở nên sôi động hơn.
Dân số trẻ, đông đảo, lại có một nền kinh tế hội nhập cao độ với việc sử dụng tiếng Anh là một ngôn ngữ chính thức, Ấn Độ đặt mục tiêu sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong vòng chỉ 4 - 5 năm tới. Cụm từ "Thế kỷ của Ấn Độ" cũng được một số trang báo nhắc đến vì lẽ đó.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, theo thời báo Kinh tế Ấn Độ, để giữ được tỉ lệ việc làm của nền kinh tế ở mức lành mạnh, Ấn Độ sẽ phải tạo ra tới 90 triệu việc làm mới trước năm 2030. Ngoài ra, theo báo Al Jazeera, dân số đông nhưng 45% lực lượng lao động của Ấn Độ lại đang hoạt động trong các ngành nghề chỉ đóng góp được khoảng 20% GDP cho nền kinh tế.
Trong khi đó, sự đóng góp vào nền kinh của nữ giới, tức một nửa dân số tại Ấn Độ, đang thấp hơn khá nhiều quốc gia. Nếu như ở Trung Quốc, nữ giới chiếm gần 45% lực lượng lao động thì ở Ấn Độ, nữ giới chỉ chiếm được 1/5 lực lượng lao động. Một báo cáo của McKinsey ước tính rằng nếu có thể tăng thêm 10%, lực lượng lao động nữ tại Ấn Độ sẽ tạo ra cho nền kinh tế tới hơn 550 tỷ USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!