Trong một cửa hàng thời trang ở Malaysia, các thợ may đang tỉ mỉ thêu máy những bông hoa rực rỡ để tôn thêm vẻ đẹp cho chiếc áo kebaya.
Bà Lim Yu Lin - Người bán Kebaya ở Malaysia chia sẻ: "Việc đề cử chiếc áo kebaya vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO sẽ giúp mọi người biết đến loại áo này nhiều hơn, không chỉ ở trong nước chúng tôi mà còn ra cả khu vực".
Chiếc áo kebaya thường được may bằng chất liệu mỏng nhẹ, thoáng mát như tơ tằm hay vải cotton. Nó được may sát người, hở cổ, tay dài rất phù hợp với khí hậu nhiệt đới ở khu vực Đông Nam Á. Giá một chiếc áo kebaya có thể dao động từ 7 đến 1.200 USD (khoảng 165.000 đến 28 triệu VNĐ) tùy vào việc nó được may bằng máy hay khâu hoặc thêu tay.
Ông Yeo Kirk Siang - Ủy ban Di sản Quốc gia Singapore: "Kebaya là trang phục truyền thống của phụ nữ và trở nên phổ biến ở khu vực Đông Nam Á vào thế kỷ 19 và 20 nhờ việc trao đổi thương mại và đi lại giữa các quốc gia. Đây là một loại trang phục kết hợp giữa các nền văn hóa khác nhau trong khu vực, nhưng kebaya ở mỗi nước lại có bản sắc riêng".
Từ giữa thế kỷ 20, kebaya đã được Indonesia chọn làm quốc phục cho phụ nữ. Hội phụ nữ nước này còn phát động phong trào mặc kebaya trong cuộc sống hàng này để tôn vinh quốc phục và giới thiệu chúng rộng rãi hơn tới bạn bè quốc tế.
Cô Novie Hilmanita - Người bán kebaya ở Indonesia: "Trước đây, chỉ có các gia đình hoàng gia mới mặc kebaya và họ sử dụng các chất liệu như nhung hoặc gấm, nhưng ngày nay, kebaya được may bằng cotton hoặc lụa giúp người mặc cảm thấy thoải mái, kể cả trẻ em cũng cũng mặc".
Ngoài ra, áo kebaya cũng được các hãng hàng không quốc gia của Singapore, Malaysia và Indonesia lấy làm nguồn cảm hứng cho đồng phục của họ.
Hiện hồ sơ công nhận áo kebaya là di sản văn hóa phi vật thể đã được 5 quốc gia Đông Nam Á trình lên UNESCO và dự kiến kết quả sẽ được công bố vào cuối năm sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!