Nỗ lực ngăn vượt biên trái phép qua tuyến di cư nguy hiểm nhất thế giới

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 04/07/2024 15:20 GMT+7

VTV.vn - Tổng thống đắc cử Panama Jose Raul Mulino đã chính thức nhậm chức từ tháng 7, với cam kết ngăn dòng người di cư bất hợp pháp qua Panama để đến Mỹ.

Điều thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới chính là sự thay đổi trong chính sách di cư của tân Tổng thống Panama liên quan đến một tuyến đường di cư trái phép nguy hiểm hàng đầu thế giới - rừng rậm Darien Gap. Tuyến đường này đang được các nhóm buôn người đưa hàng trăm nghìn người di cư bất hợp pháp đi qua Panama để đến Mỹ.

NGĂN NGƯỜI DI CƯ QUA RỪNG DARIEN GAP

Sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Jose Raul Mulino tuyên bố Panama không thể tiếp tục trang trải chi phí khắc phục những thiệt hại về kinh tế do hoạt động di cư bất hợp pháp gây ra và sẽ không còn là điểm trung chuyển của những người di cư trái phép. Đóng cửa tuyến di cư qua rừng rậm Darien Gap cũng chính là cam kết tranh cử nổi bật đem lại chiến thắng cho ông Munilo.

Tổng thống Panama Jose Raul Mulino nhấn mạnh: "Ngày nay, số lượng người di cư đi qua Darien thật đáng báo động. Tôi sẽ không cho phép Panama trở thành con đường mở cho hàng nghìn người nhập cảnh trái phép vào đất nước chúng tôi, được hỗ trợ bởi các tổ chức buôn bán ma túy và buôn người. Tôi hiểu rằng có những lý do sâu sắc dẫn đến tình trạng di cư nhưng mỗi quốc gia phải giải quyết vấn đề của riêng mình".

Cũng sau buổi lễ nhậm chức, ông Mulino đã ký thỏa thuận với Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas. Theo đó, Washington cam kết tài trợ cho Panama để hồi hương những người di cư bất hợp pháp từ quốc gia Trung Mỹ này.

Nỗ lực ngăn vượt biên trái phép qua tuyến di cư nguy hiểm nhất thế giới - Ảnh 1.

Rừng rậm Darien Gap là "hành lang chính" cho người di cư đi từ Nam Mỹ đến nước Mỹ (Ảnh: NY Times)

Giới chức Mỹ nêu rõ việc đưa những người vượt biên trái phép trở về quê hương sẽ giúp ngăn chặn tình trạng di cư trái phép trong khu vực và ở biên giới phía Nam của Mỹ, đồng thời ngăn ngừa sự phát triển của các mạng lưới buôn người.

Rừng Darien Gap nằm giữa Colombia và Panama, với chiều dài 265 km và không có đường hay lối mòn. Nơi đây được coi là một trong những môi trường nguy hiểm nhất trên thế giới. Trên hành trình đi qua rừng Darien Gap, người di cư có thể đối mặt với nhiều nguy cơ từ rắn độc, thú dữ, địa hình hiểm trở đến các nhóm cướp bóc… Tuy nhiên, nhiều năm qua, khu vực này vẫn là "hành lang chính" cho người di cư đi từ Nam Mỹ đến nước Mỹ bởi đây là con đường ngắn hơn so với đường biển và chi phí cũng thấp hơn đáng kể. Sau khi vượt biên từ Colombia sang Panama, những người di cư sẽ tiếp tục hành trình tới Costa Rica, Nicaragua, Mexico… để vào Mỹ.

Cơ quan Di cư Panama cho biết, trong năm 2023 đã có kỷ lục 520.000 người di cư, hầu hết từ Venezuela và các nước Mỹ Latinh, vượt qua rừng rậm "tử thần" Darien Gap để tới Bắc Mỹ - nơi họ ấp ủ ước mơ về một cuộc sống đủ đầy và sung túc. Tuy nhiên, như người ta vẫn nói, hành trình tới với những giấc mơ luôn đắt giá mà đôi khi phải đánh đổi bằng sức khỏe, sự an toàn, thậm chí là cả mạng sống của mình.

HÀNH TRÌNH TỬ THẦN

Là một người khuyết tật nhưng điều đó không cản trở anh Marcel Maldonado, người Venezuela, từ bỏ ước mơ đến Bắc Mỹ để tìm một công việc ổn định hơn phụ giúp gia đình. Con đường anh chọn là băng qua khu rừng tử thần Darien Gap từ Colombia. Việc được sống sót sau chuyến đi khiến anh bật khóc.

Anh Marcel Maldonado trải lòng: "Điều duy nhất tôi muốn là để bố mẹ tôi sống những năm cuối đời với ít nhất là có gì đó để ăn. Đó là lý do tại sao tôi gắng sức. Nếu không, tôi đã không ở đây. Bởi vì những điều này thật khủng khiếp".

Khoảng 3.000 người đổ về làng Bajo Chiquito mỗi ngày. Đây là nơi đầu tiên ở Panama người di cư đến sau hành trình dài hiểm nguy rình rập. Nhưng tất cả đều giống như anh Marcel, sợ hãi sau những trải nghiệm chết đi sống lại.

Anh Alexander Gallardo, một người di cư Venezuela khác, kể lại: "Chúng tôi bị cướp ở Darien Gap. Chúng tôi đang đi bộ xuống dốc thì bọn cướp bắt đầu nổ súng và tôi phải bỏ chạy".

Chị Nazaret Puerta vẫn ám ảnh về khoảnh khắc kinh hoàng: "Những kẻ xấu bắt chúng tôi làm con tin từ 9h sáng đến 5h chiều".

Để tiếp cận lối đi trong rừng, mỗi người di cư phải trả khoảng 400 USD nhưng phải tự mình gánh chịu mọi rủi ro.

Bà Reina Torres cho rằng: "Rủi ro là rất lớn. Bạn phải đối mặt với nhiều điều có thể xảy ra vì rừng rậm quá nguy hiểm. Có cả những vụ cưỡng bức và đủ thứ chuyện tương tự. Một số người đã thiệt mạng, có cả phụ nữ có thai".

Nỗ lực ngăn vượt biên trái phép qua tuyến di cư nguy hiểm nhất thế giới - Ảnh 2.

Hành trình đến với "giấc mơ Mỹ" có thể là "tiền mất tật mang" và cũng có thể sẽ không bao giờ đến được đích (Ảnh: NY Times)

Có những gia đình bắt đầu cuộc hành trình "tìm về miền đất hứa" nhưng lại không thể hình dung được chặng đường mình sẽ phải đi qua sẽ bao nhiêu xa và mất bao nhiêu lâu. Do vậy, nhiều gia đình không còn gì để ăn, không có nước để uống khi vượt rừng rậm. Những đứa trẻ chỉ được cha mẹ cho uống nước sông để cầm cự.

Anh Utsman (người di cư Burkina Faso) khẳng định: "Rừng rậm Darien Gap rất, rất nguy hiểm. Chúng tôi đã ở trong rừng được 4 ngày. Chúng tôi không có nước, cũng không có thức ăn".

Ông Carlos Torres (bác sĩ tại trại tiếp nhận người di cư) cho rằng: "Điều ảnh hưởng nhất đến người di cư là tình trạng suy dinh dưỡng. Vì vậy, khi đối mặt với khu vực rừng thiêng nước độc, họ phải gánh chịu hậu quả. Họ bị mất nước và cũng rất yếu".

Ủy viên EU phụ trách quản lý khủng hoảng Janez Lenarci chia sẻ: "Tôi nhìn thấy những gia đình có con nhỏ hoặc những người khuyết tật. Tất nhiên, có thể thấy họ không được đặt dưới sự theo dõi nghiêm túc nào. Vậy là có một thảm kịch lớn đang diễn ra ở đây. Chúng tôi biết rằng những người này đã bị dụ dỗ bằng những lời hứa hão huyền để thực hiện cuộc hành trình này. Chúng ta phải giải quyết vấn đề đó".

Đó là những người đã may mắn thoát khỏi tay tử thần nhưng cũng có hàng nghìn người di cư đã bị tước đi mạng sống tại khu rừng mà nguy hiểm luôn rình rập này. Chỉ trong tháng cuối cùng của năm 2023, Panama đã phát hiện 36 thi thể chưa rõ danh tính vì không có giấy tờ. Đáng chú ý, số lượng trẻ em di cư và mất mạng tại khu vực Darien Gap đang có dấu hiệu tăng đột biến.

Tâm sự của chính những người trong cuộc là lời cảnh tỉnh đối với tất cả những người đang ôm mộng đến "miền đất hứa" bằng con đường bất hợp pháp. Hành trình gian truân ấy có thể là "tiền mất tật mang" và cũng có thể sẽ không bao giờ đến được đích.

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng những biện pháp cứng rắn ngăn người di cư mới chỉ giải quyết được phần ngọn, chưa xử lý gốc rễ của vấn đề là cần chấm dứt xung đột, xóa đói nghèo, tạo sinh kế bền vững cho người di cư ở chính đất nước của họ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước