Nối lại đối thoại Shangri-La: Cơ hội cho các quốc gia trong khu vực

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 12/06/2022 14:01 GMT+7

VTV.vn - Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh uy tín và quan trọng bậc nhất khu vực trong nhiều năm qua, đã nối lại theo hình thức trực tiếp sau 2 năm trì hoãn do dịch COVID-19.

Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tại Anh - đơn vị tổ chức Đối thoại an ninh Shangri-La - cho biết, diễn đàn năm nay được tổ chức với quy mô lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Khoảng 500 đại biểu là quan chức chính phủ, quan chức quốc phòng - an ninh, ngoại giao, các chuyên gia nghiên cứu... trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh từ trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham dự diễn đàn năm nay.

Sự kiện uy tín thường niên về an ninh quốc phòng được tổ chức trong bối cảnh tình hình quốc tế nói chung và tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng thời gian qua xuất hiện thêm nhiều biến động khó lường. Cạnh tranh chiến lược, mâu thuẫn, xung đột lợi ích, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ giữa các quốc gia vẫn còn diễn biến phức tạp.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nhiều tới các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương trực tiếp trong hơn hai năm qua. Shangri-La 2022 được nối lại dưới hình thức trực tiếp, là cơ hội để các quốc gia, không chỉ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn từ nhiều khu vực khác, đối thoại trực tiếp với nhau về những khác biệt, nêu quan điểm về những quan ngại an ninh mà khu vực và thế giới cùng quan tâm.

.

Đối thoại Shangri-La trong bối cảnh địa chính trị mới

Sau hai năm phải tạm hoãn vì đại dịch COVID-19, đối thoại Shangri-La lần thứ 19 đã chính thức diễn ra tại Singapore.

Sự kiện diễn ra giữa lúc tình hình quốc tế nói chung và tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng có nhiều diễn biến quan ngại. Đơn cử như xung đột Nga - Ucraina vẫn đang tiếp diễn và tác động tiêu cực tới cục diện an ninh quốc tế và ảnh hưởng tới khu vực. Sự tập hợp lực lượng mới tại khu vực, các căng thẳng trên biển, những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống mới nổi lên. Những biến động, vốn có thể ảnh hưởng tới chiến lược quốc phòng - an ninh của nhiều quốc gia, và tiềm ẩn nguy cơ với khu vực.

Ông Ben Schreer - Giám đốc Viện Quốc tế nghiên cứu chiến lược tại châu Âu - cho biết: "Nếu một cuộc xung đột vũ trang đã nổ ra tại châu Âu thì nó có thể nổ ra tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Vì vậy, một trong những chủ đề chính của Đối thoại lần này là sự cần thiết để tránh điều tương tự xảy ra".

Nối lại đối thoại Shangri-La: Cơ hội cho các quốc gia trong khu vực - Ảnh 2.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chia sẻ: "Bản thân tôi có một linh cảm mãnh liệt rằng những gì xảy ra tại Ukraine ngày hôm nay có thể sẽ xảy ra tại Đông Á ngày mai. Để ngăn chặn những tình huống như vậy và bảo vệ chính mình, chúng ta cần tăng cường khả năng răn đe và ứng phó. Điều này sẽ vô cùng cần thiết nếu Nhật Bản học cách tồn tại trong kỷ nguyên mới và tiếp tục lên tiếng với cương vị người đi đầu vì hòa bình".

Nối lại đối thoại Shangri-La: Cơ hội cho các quốc gia trong khu vực - Ảnh 3.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (Ảnh: AP)

Ông Lloyd Austin - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - nhấn mạnh: "Tôi tiếp tục tin rằng các cường quốc lớn cần gánh vác những trách nhiệm lớn, làm phần việc của mình để quản lý những căng thẳng một cách có trách nhiệm, ngăn chặn xung đột, theo đuổi hòa bình và thịnh vượng. Vì vậy, chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với cả các đối thủ cạnh tranh lẫn bạn bè của chúng tôi để củng cố "hàng rào bảo vệ" chống lại xung đột".

Đối thoại Shangri-La lần này là cơ hội để các bên gặp gỡ, đưa ra những quan điểm của mình, tìm kiếm các giải pháp đối thoại trong một bối cảnh nhiều chuyển dịch mới. Chương trình nghị sự tập trung vào các chủ đề như kiểm soát cạnh tranh địa chính trị trong một khu vực đa cực, phát triển các hình thức hợp tác an ninh mới, hiện đại hóa quân sự và các thực lực quốc phòng mới, những thách thức chung đối với quốc phòng của châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu cũng như những ý tưởng mới nhằm bảo đảm ổn định khu vực.

Nối lại đối thoại Shangri-La: Cơ hội cho các quốc gia trong khu vực - Ảnh 4.

Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Peeni Henare (Ảnh: AP)

Ông Peeni Henare - Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand - cho rằng: "Các cuộc gặp gỡ trực tiếp tại sự kiện, đảm bảo việc các bên có thể lắng nghe nhau một cách trực tiếp và rõ ràng. Tôi nhận thấy chúng tôi cần tiếp tục đối thoại cởi mở nếu muốn minh bạch, tin tưởng lẫn nhau ở Thái Bình Dương và xa hơn. Điều quan trọng là chúng ta phải tạo cơ hội mở cho các kênh đối thoại đó".

Nối lại đối thoại Shangri-La: Cơ hội cho các quốc gia trong khu vực - Ảnh 5.

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen (Ảnh: Straits Times)

Ông Ng Eng Hen - Bộ trưởng Quốc phòng Singapore - cho biết: "Cảm nhận chung là rủi ro an ninh rõ ràng đã tăng lên… Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận quan trọng về tình hình tại Ukraine, một nhận thức khó khăn về việc tiếp tục xung đột vũ trang tại Ukraine sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với phần còn lại của thế giới. Cái giá mà Ukraine sẽ phải trả, cái giá mà Nga sẽ phải trả, cái giá mà châu Âu phải trả và cái giá mà phần còn lại của thế giới sẽ phải trả. Các Bộ trưởng đã thẳng thắn trao đổi với nhau để đảm bảo rằng châu Á phải duy trì ổn định, vì nếu có bất ổn ở châu Á sẽ chỉ làm phức tạp hoá mọi thứ lên. Chúng tôi hy vọng rằng, đối thoại Shangri-La lần này đã đóng góp một phần vào tính toán của mỗi quốc gia về cách duy trì hòa bình".

Ba phiên thảo luận đặc biệt cũng được tổ chức với chủ đề về an ninh khí hậu và quốc phòng xanh, giải pháp cho Myanmar và an ninh hàng hải liên quan đến Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và phương thức liên lạc trong tình huống khủng hoảng.

Hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở

Đối thoại Shangri-La 2022 nhận được sự quan tâm, tham dự của nhiều nhà lãnh đạo và quan chức cao cấp của nhiều nước trên thế giới.

Bài phát biểu dẫn đề của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong lần đầu tiên tham dự trên cương vị người đứng đầu chính phủ Nhật đã thu hút sự quan tâm chờ đợi. Nội dung phát biểu khái quát chính sách của chính phủ Nhật Bản với các vấn đề an ninh khu vực trong nhiệm kỳ tới. Đặc biệt, Thủ tướng Nhật đặt ra tầm nhìn Hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở. Đặt ra vấn đề cần tiếp tục nỗ lực để có được một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, Nhật Bản cũng nói lên quan điểm, tầm nhìn của mình về giải pháp tìm kiếm hòa bình, thúc đẩy hợp tác và năng lực thực thi pháp luật trên biển, ủng hộ một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Đây cũng là những điểm quan trọng trong kế hoạch Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở vì hòa bình mà chính phủ Nhật dự kiến công bố vào đầu năm 2023.

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có dân số chiếm hơn một nửa dân số thế giới và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng nhiều tuyến đường biển quan trọng với thương mại toàn cầu. Đây cũng là khu vực "phát triển năng động" khi có sự hiện diện của ba nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản với GDP chiếm khoảng 60% GDP toàn cầu.

Tuy nhiên, khu vực từ lâu cũng tồn tại nhiều tranh chấp trên biển, lo ngại hạt nhân, cùng các thách thức an ninh phi truyền thống.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh: "Ở Biển Đông, cả luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà tất cả các quốc gia liên quan đã nhất trí sau nhiều năm đối thoại và nỗ lực, cũng như phán quyết của Tòa án Trọng tài theo công ước này, đều không được tuân thủ".

Là khu vực có vị trí địa chiến lược cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, các cường quốc, tổ chức đều đã có những chiến lược nhằm định hình sự ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mỹ thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, coi đây là khu vực ưu tiên về an ninh, kinh tế và đối ngoại của nước này.

Trung Quốc với sáng kiến "vành đai và con đường", Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã mở rộng ảnh hưởng về kinh tế, chính trị, an ninh tại khu vực.

Nhật Bản có Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở với nội dung chủ yếu là thúc đẩy kết nối giữa châu Á với Trung Đông và châu Phi.

ASEAN có "Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương"; Ấn Độ có "Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương"; Australia có "Kế hoạch Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Liên minh châu Âu đã công bố Chiến lược đối với khu vực quan trọng này tháng 9 năm ngoái.

Do đó, duy trì và củng cố một trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên luật lệ luôn phải được tôn trọng.

Ông William Choong thuộc Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak, Singapore cho rằng: "Một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, thực tế là sự cần thiết phải tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, kết nối và xây dựng cơ sở hạ tầng. Nguyên tắc này đã nhận sự ủng hộ của các nước như Australia, Ấn Độ và Mỹ và cũng như ở ASEAN".

Ông Zack Cooper thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ cho biết: "Điều giúp các quốc gia trong khu vực có một khu vực an toàn và thịnh vượng để phát triển, mà không phải lo lắng về xung đột hoặc cưỡng ép, một trật tự khu vực dựa trên các quy tắc có lợi hơn nhiều cho các nước đang phát triển so với một trật tự dựa trên quyền lực và phạm vi ảnh hưởng".

Về mặt tích cực, chiến lược của các nước lớn sẽ mở ra cơ hội cho các nước đang phát triển, chậm phát triển trong khu vực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh. Tuy nhiên, cạnh tranh chiến lược giữa các nước, có thể làm nảy sinh các cuộc chạy đua vũ trang, khiến những tranh chấp vượt tầm kiểm soát, đẩy khu vực vào tình trạng bất ổn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước