Đây là Hội nghị chứng kiến sự chuyển giao quyền lực giữa các chức danh quan trọng nhất của các định chế trụ cột của Liên minh châu Âu. Dự kiến, đây sẽ lần cuối cùng ông Herman Van Rompuy điều hành Hội nghị, trước khi về nghỉ hưu, chuyển giao vị trí Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho ông Donald Tusk.
Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong bối cảnh những bất ổn tại Ukraine chưa có dấu hiệu lắng dịu. Mối quan hệ EU – Nga vẫn còn nhiều căng thẳng. Tuy nhiên dự kiến, dịch Ebola mới là chủ đề hàng đầu bao trùm nỗi lo của các nhà lãnh đạo EU.
Thủ tướng Anh David Cameron cho biết: "Những gì tôi kỳ vọng vào hội nghị thượng đỉnh lần này là chúng ta có thể giải quyết được một số nguy cơ mà các nước châu Âu đang đối mặt. Nguy cơ hàng đầu rõ ràng là cuộc khủng hoảng của dịch Ebola. Sẽ là rất quan trọng nếu chúng ta hành động tại ổ của dịch bệnh là Tây Phi. Anh đang dẫn đầu các nỗ lực tại Sierra Leone. Chúng tôi đã cam kết hơn 125 triệu bảng, cử quân đội cũng như các lực lượng khác tới đất nước này để hỗ trợ".
Liên minh châu Âu dự kiến bổ nhiệm một điều phối viên để phối hợp các hành động của các nước, tăng cường kiểm soát tại các sân bay châu Âu có các chuyến bay đến từ vùng có dịch. Rất có thể hội nghị này cũng sẽ yêu các các nước thành viên cử nhân viên y tế và tình nguyện viên sang trợ giúp các nước có dịch, cung cấp phòng thí nghiệm lưu động và thiết bị y tế chuyên dùng sang các nước Tây Phi đang có dịch.
Một mục tiêu quan trọng khác của hội nghị thượng đỉnh lần này đó là các nhà lãnh đạo EU sẽ tập trung thảo luận về gói biện pháp chống biến đổi khí hậu.
EU dự định đặt mục tiêu giảm 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 1990. EU muốn mục tiêu về năng lượng tái tạo nói trên mang tính ràng buộc đối với mọi thành viên. Tuy nhiên, đã xuất hiện những bất đồng gay gắt xung quanh vấn đề này, đặc biệt từ các nước như Ba Lan và Bồ Đào Nha.