Sản lượng nông nghiệp giảm do thiếu mưa
Mùa mưa được ví như huyết mạch nuôi sống hoạt động canh tác nông nghiệp của Ấn Độ, khi đem lại gần 70% tổng lượng nước mà quốc gia Nam Á cần cho hoạt động trồng trọt, cũng như nạp vào hồ chứa và các tầng nước ngầm. Tuy nhiên, lượng mưa năm nay ghi nhận tại Ấn Độ đã sụt giảm nghiêm trọng, đe dọa sản lượng nhiều loại cây trồng như lúa, lúa mỳ và cây mía lấy đường.
Tác động của biến đổi khí hậu đang khiến đời sống sản xuất và sinh hoạt của 120 triệu nông dân Ấn Độ gặp nhiều khó khăn.
Chị Shobha Londhe là nông dân tại làng Talegaon ở bang Maharashtra, Ấn Độ. Mấy năm trở lại đây, thời tiết nắng nóng gay gắt vào mùa hè và khô hạn do thiếu mưa khiến mùa màng thất bát, đẩy cuộc sống của gia đình chị vào cảnh khốn khó.
Chị Chị Shobha Londhe cho biết: "Thường vào mùa mưa, chúng tôi có việc để làm nhưng thời tiết mùa hè giờ đây quá nóng và chẳng thể làm việc đồng áng. Trong nhà chẳng còn lương thực và thật khó để sống sót".
Không chỉ ở Maharashtra, trên toàn Ấn Độ, lượng mưa từ đầu tháng 6 đến nay giảm khoảng 20% so với các năm trước, báo hiệu khó khăn đối với ngành nông nghiệp của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Khu vực Tây Bắc ghi nhận lượng mưa giảm khoảng 68% so với các năm trước, do đang trải qua những đợt sóng nhiệt tồi tệ. Theo dự báo, thời tiết nắng nóng có thể sẽ kéo dài ở các bang miền Bắc trong những ngày tới, dao động trong khoảng từ 42 - 47,6 độ C, đe dọa làm giảm sản lượng lúa mỳ.
Tại các khu vực miền Trung trồng cây đậu tương, bông và mía lấy đường, lượng mưa giảm 29% so với thông thường.
Một cánh đồng tại Ấn Độ khô cằn do hạn hán (Ảnh: World Grain)
Ông Vivek Grewal (Nhà thủy văn học) cho rằng: "Nguyên nhân trực tiếp do con người gây ra là khai thác quá mức nước ngầm và trồng các loại cây trồng cần nhiều nước như mía đường… Lý do khác như biến đổi khí hậu, trong đó nhiệt độ tăng cao, về cơ bản sẽ dẫn đến sự thoát hơi nước nhiều hơn và tình trạng thiếu nước. Tần suất và cường độ của những đợt hạn hán dự kiến sẽ tăng lên".
Bộ Nông nghiệp và Phúc lợi Nông dân Ấn Độ cho biết sản lượng gạo dự kiến sẽ giảm 8,8%, xuống 123,8 triệu tấn trong niên vụ tính đến tháng 6, trong khi sản lượng lúa mì có thể giảm từ mức 114 triệu tấn một năm trước xuống 112 triệu tấn, do thời tiết bất lợi. Sản lượng sụt giảm dẫn tới nguy cơ Ấn Độ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu một số nông sản.
Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu gạo lớn nhất, xuất khẩu đường và hành lớn thứ hai thế giới, đồng thời là nước sản xuất lúa mì lớn. Do đó, chính sách kiểm soát giá cả trong nước và hạn chế xuất xuất khẩu nông sản của Ấn Độ có thể tác động tới an ninh lương thực thế giới.
Từ ví dụ tại Ấn Độ, có thể thấy tình trạng Trái đất nóng lên đe dọa năng suất cây trồng và có nguy cơ gây mất an ninh lương thực toàn cầu. Nhiều giải pháp nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu đã và đang được triển khai trên khắp thế giới.
Phát triển nông nghiệp thông minh
Mặc dù các hệ thống nông nghiệp thực phẩm góp phần tạo ra khoảng 1/3 lượng khí thải nhà kính nhưng chúng cũng có tiềm năng đóng góp lớn cho hành động tích cực về khí hậu.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc FAO đang hỗ trợ các quốc gia thực hiện các giải pháp nông nghiệp thông minh. Những giải pháp nông nghiệp bền vững không chỉ giúp đạt mục tiêu trung hòa carbon trong sản xuất lương thực thực phẩm mà còn có tiềm năng to lớn trong sản xuất năng lượng tái tạo.
Ông Kaveh Zahedi (Giám đốc Văn phòng Biến đổi khí hậu, Đa dạng sinh học và Môi trường, FAO) cho biết: "Trang trại không phải chỉ sản xuất thực phẩm mà có thể tạo ra năng lượng tái tạo. Năng lượng sau đó có thể được sử dụng trong trang trại cho các nhà kính để bơm nước, dùng cho tưới tiêu hoặc chia sẻ vào lưới điện, tốt hơn nữa là tận dụng chất thải nông nghiệp để biến chúng thành nhiên liệu, nhiên liệu sinh học. Tất cả những giải pháp này là những giải pháp nông nghiệp thông minh mà chúng tôi đang thực hiện với các quốc gia".
Một dự án thành công có thể kể đến là chương trình hợp tác giữa FAO và Quỹ môi trường toàn cầu để hỗ trợ hơn 120 quốc gia về chính sách, đầu tư và kỹ thuật, công nghệ nông nghiệp trong một gói tổng thể nhất quán, giúp tăng cường khả năng thích ứng, chống chịu, phục hồi của cây trồng, trước điều kiện khí hậu thay đổi.
Nông nghiệp thông minh là xu thế tất yếu của thời đại (Ảnh: Iberdola)
Ông Kaveh Zahedi cho biết: "Gần 1,5 tỷ USD đã được tiếp cận và nguồn tài trợ đó đã được sử dụng để thực hiện các giải pháp này nhằm quản lý bền vững đất và biển. Khoản đầu tư đó đã mang lại kết quả tuyệt vời. Chúng ta đã có hơn 100 triệu ha đất được quản lý bền vững. Điều đó đã giúp giảm hơn 500 triệu tấn khí thải nhà kính và mang lại lợi ích thực sự về việc làm và sinh kế bền vững".
Theo số liệu của Liên hợp quốc, đến năm 2050, khoảng 1/10 diện tích đất được sử dụng cho trồng trọt và chăn nuôi có thể không còn sử dụng được nữa, do biến đổi khí hậu.
Trên khắp thế giới, sản xuất nông nghiệp đang có bước chuyển mình mạnh mẽ theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Các nước đều đang ứng dụng ở nhiều tầng mức các phương pháp thông minh vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất trong khi vẫn đảm bảo yếu tố môi trường.
Tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phát thải là một trong những ưu tiên hàng đầu của nền nông nghiệp toàn cầu. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình nông nghiệp thông minh còn hạn chế do những khó khăn trong tiếp cận yếu tố đầu vào, chi phí thực hiện cao và thiếu vốn đầu tư. Để triển khai thành công những giải pháp nông nghiệp bền vững đòi hỏi cần có sự tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ giữa các quốc gia, đẩy mạnh hợp tác công - tư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!