Tháng 7 vừa qua, một nữ nhân viên 26 tuổi làm việc tại công ty kiểm toán Ernst & Young Ấn Độ đã đột tử, gây xôn xao dư luận về văn hóa làm việc áp lực tại quốc gia này.
Gia đình của nữ nhân viên cho biết cô thường xuyên đối mặt với khối lượng công việc nặng nề, dẫn đến kiệt sức và ngừng tim. Sự việc này làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng căng thẳng và áp lực quá mức trong công việc, đặc biệt tại các công ty tài chính và công nghệ - nơi thường yêu cầu nhân viên làm việc nhiều giờ hơn so với các nước khác.
Theo chuyên gia tâm lý Arti Anand, nhân viên trẻ tuổi ở Ấn Độ hiện nay thường xuyên phải đối mặt với tình trạng quá tải công việc, thiếu thời gian nghỉ ngơi và làm việc kể cả ở nhà. Điều này gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần và thể chất. Bà chia sẻ: "Khi kiệt sức, người lao động thường sống cô lập, luôn lo lắng về công việc và cảm thấy thiếu tự tin."
Bà Nidhi Vikram Choudhury, đại diện Công ty kiểm toán Deloitte Nam Á, nhận định rằng tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Ấn Độ tạo ra áp lực lớn đối với lực lượng lao động. Nhiều công ty đặt yêu cầu cao để duy trì hiệu suất làm việc tương ứng với tốc độ tăng trưởng.
Các nhà chức trách cho biết nhiều quy tắc trong Luật lao động ở Ấn Độ không được tuân thủ, trong khi người lao động thường không nhận thức đầy đủ về các quyền lợi của mình.
Giáo sư Manmohan Bhutani, một lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia về chính sách nhân sự, nhấn mạnh rằng các chính sách nhân sự trên giấy tờ ở nhiều công ty lớn vẫn chưa được triển khai hiệu quả. Ông kêu gọi ban quản lý cấp cao cần chú trọng hơn đến phúc lợi của nhân viên và có hành động cụ thể để cải thiện văn hóa làm việc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!