Bộ trưởng Bộ Khí hậu Pakistan, bà Sherry Rehman cảnh báo hôm 29/8 rằng Pakistan đang ở "tuyến đầu" của cuộc khủng hoảng khí hậu thế giới, sau khi những trận mưa gió mùa lớn chưa từng có bắt đầu diễn ra vào giữa tháng 6 trên khắp nước này, khiến hơn 1.130 người thiệt mạng.
Theo bà Sherry Rehman, 1/3 đất nước Pakistan bị ngập dưới nước lũ do những trận mưa gió mùa kỷ lục gây ra.
Bà Rehman nói: "Tất cả là một đại dương lớn, không có phần đất khô nào để bơm nước ra ngoài".
Mưa đã ngừng hơn hai ngày trước, và nước lũ ở một số khu vực đang rút dần.
Tuy nhiên, người dân ở nhiều nơi trên đất nước Pakistan vẫn đang lội qua những vùng nước tràn vào nhà hoặc nước ngập tràn đường phố, thị trấn, trong khi họ phải vật lộn tìm cách đối phó với những thiệt hại về nhà cửa và cơ sở kinh doanh.
Trong một trong những sự cố tồi tệ nhất của trận lũ lụt, ít nhất 11 người đã thiệt mạng hôm 29/8 khi một chiếc thuyền mà lực lượng cứu hộ tình nguyện sử dụng để sơ tán khoảng 20 người bị lật trong vùng nước ngập lụt của sông Indus, gần thành phố miền Nam Bilawal Pur. Một số lượng người hiện chưa được xác định vẫn bị mất tích trong vụ lật thuyền.
Người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt đứng xếp hàng chờ nhận thực phẩm do quân đội Pakistan phân phát ở Rajanpur, Punjab, ngày 27/8. (Ảnh: AP)
Bà Rehman và các nhà khí tượng học cho biết, các đợt gió mùa mới dự kiến diễn ra vào tháng 9. Theo giới chức Pakistan, gió bão đã xảy ra sớm hơn và nghiêm trọng hơn thông thường kể từ đầu mùa hè, gần đây nhất là các trận mưa lớn vào tuần trước đã ảnh hưởng đến gần như toàn bộ đất nước: "Những gì chúng tôi chứng kiến trong tám tuần gần đây là các cơn mưa xối xả không ngớt mà trước đây chưa từng diễn ra trong mùa gió mùa".
Các trận mưa lớn là thảm họa mới nhất trong một loạt các thảm họa thiên nhiên đang trở nên trầm trọng hơn ở Pakistan do biến đổi khí hậu, bao gồm sóng nhiệt, cháy rừng và các vụ sập hồ băng. Các nước nghèo hơn thường phải trả giá cho những thiệt hại này, những hậu quả của biến đổi khí hậu mà phần lớn do các nước công nghiệp phát triển gây ra. Kể từ năm 1959, Pakistan chỉ chịu trách nhiệm cho 0,4% lượng khí thải CO2 của thế giới, trong khi Mỹ chịu trách nhiệm 21,5%, Trung Quốc chiếm 16,5% và EU 15%.
Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Pakistan xác nhận, đợt lũ lụt trong mùa hè này đã khiến hơn 1.136 người thiệt mạng và 1.636 người bị thương, cũng như làm hư hại 1 triệu ngôi nhà. Ít nhất 498.000 người ở đất nước 220 triệu dân này đang phải sống trong các trại cứu trợ sau khi phải đi sơ tán. Nhiều người khác được cho là đang sống với người thân, bạn bè hoặc các cơ sở bên ngoài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!