Ahmad Rifandi, quan chức của Trung tâm Giảm thiểu Nguy cơ Địa chất và Núi lửa Indonesia chuyên trạm giám sát núi Marapicho biết, hai tuyến đường leo núi đã bị đóng cửa sau vụ núi lửa phun trào và người dân sống trên sườn núi Marapi được khuyến cáo nên ở cách miệng núi lửa trong bán kính 3 km (1,8 dặm) vì có thể có dung nham phun ra.
Khoảng 75 nhà leo núi bắt đầu hành trình leo lên núi lửa Marapi, ngọn núi cao gần 2.900 mét (9.480 foot), vào ngày 2/11 và bị mắc kẹt. Hari Agustian, một quan chức của Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ địa phương ở Padang, thủ phủ tỉnh Tây Sumatra, cho biết, khoảng 26 nhà leo núi vẫn đang chờ giải cứu. 168 nhân viên, bao gồm cảnh sát và binh sỹ quân đội, đã được triển khai để tìm kiếm họ.
Theo ông Hari Agustian, 8 người trong số những người được giải cứu đã được đưa đến bệnh viện với vết thương do bỏng và một người bị gãy chân tay.
Một đoạn video được đăng trên mạng xã hội cho thấy, những người leo núi đã được sơ tán đến nơi trú ẩn, mặt và tóc của họ dính đầy tro bụi núi lửa.
Vụ phun trào đã tung những đám tro bụi cao hơn 3.000 mét (9.800 feet) lên không trung và những đám mây tro nóng lan rộng vài dặm (km).
Người phát ngôn Cơ quan Quản lý thiên tai quốc gia Indonesia Abdul Muhari thông tin, tro bụi núi lửa đã phủ kín một số ngôi làng và che khuất ánh sáng mặt trời. Ông nói, chính quyền đã phát khẩu trang và kêu gọi người dân đeo kính mắt để bảo vệ họ khỏi tro núi lửa.
Khoảng 1.400 người sống trên sườn núi Marapi ở Rubai và Gobah Cumantiang, những ngôi làng gần nhất cách đỉnh núi khoảng 5 đến 6 km (3,1 đến 3,7 dặm).
Ông Abdul Muhari cho biết, mức cảnh báo đối với Marapi được duy trì ở mức cao thứ ba trong bốn cấp và xác nhận rằng chính quyền sở tại đã theo dõi chặt chẽ ngọn núi lửa sau khi các cảm biến phát hiện hoạt động núi lửa ngày càng gia tăng trong những tuần gần đây.
Núi lửa Marapi đã hoạt động kể từ vụ phun trào hồi tháng 1 và không gây thương vong. Đây là một trong số hơn 120 ngọn núi lửa đang hoạt động ở Indonesia, đất nước vốn dễ bị biến động địa chấn do nằm trên "Vành đai lửa Thái Bình Dương", một vòng cung núi lửa và các đường đứt gãy bao quanh lưu vực Thái Bình Dương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!