Núi lửa Semeru phun trào. (Ảnh: AP)
Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia Indonesia không đưa ra bất kỳ lệnh sơ tán nào nhưng cảnh báo, dân làng cần đề phòng trước bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm nào.
Hiện chưa có trường hợp thương vong nào được báo cáo. Giới chức địa phương cho biết, hai ngôi làng Sumber Mujur và Curah Koboan nằm trong khu vực ảnh hưởng của dung nham và tro bụi từ núi lửa.
Semeru là ngọn núi lửa cao nhất trên đảo Java vốn tập trung nhiều người sinh sống. Đây cũng là một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất trên đảo này. Ngọn núi cao tới gần 3.700m và đã ở mức báo động cấp độ 3 kể từ tháng 5, khi nó bắt đầu phun trào. Tháng 12/2020, núi lửa Semeru đã phun tro bụi cao gần 3 km, khiến khoảng 550 người phải sơ tán.
Núi lửa Semeru phun tro bụi lên không trung. (Ảnh: AP)
Những ngọn núi lửa khác như Merapi trên đảo Java và Sinabung trên đảo Sumatra cũng có dấu hiệu hoạt động trong thời gian gần đây. Indonesia có gần 130 núi lửa đang hoạt động, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Nhiều núi lửa cho thấy mức độ hoạt động cao tới vài tuần hoặc thậm chí vài tháng trước khi phun trào.
Nằm ở Đông Nam Á, Indonesia là một quần đảo bao gồm hơn 17.000 hòn đảo, bao gồm Java, Sumatra và một phần của Borneo và New Guinea. Java, hòn đảo đông dân nhất thế giới, là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số trên toàn Indonesia. Indonesia nằm trên “Vành đai lửa” Thái Bình Dương với nhiều hoạt động kiến tạo địa chất, khiến khu vực này dễ xảy ra động đất và núi lửa phun trào.
Theo hãng tin AP, các nhà địa chấn học của Chính phủ Indonesia theo dõi hơn 120 ngọn núi lửa đang hoạt động ở quần đảo hơn 250 triệu dân này. Ngày 15/1, một trận động đất mạnh 6,2 độ đã tấn công đảo Sulawesi của Indonesia, khiến 46 người thiệt mạng và hơn 800 người bị thương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!