Đảng Bảo thủ cầm quyền cũng đang đứng trước thách thức to lớn để khôi phục lại niềm tin của người dân giữa cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có trong lịch sử.
Ông Sunak là Thủ tướng thứ ba của nước Anh chỉ trong vòng 2 tháng qua. Đây là minh chứng cho sự bất ổn của nền chính trị nước này. Một trong những nguy cơ trước mắt của tình trạng hỗn loạn chính trị hiện nay tại Anh là việc lãi suất tăng mạnh của các món nợ công. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's mới đây cũng đã hạ triển vọng dài hạn nợ công của Vương quốc Anh từ "ổn định" xuống "tiêu cực", trong bối cảnh bất ổn chính trị, tăng trưởng yếu hơn và lạm phát cao.
Theo Giáo sư Tony Travers - Đại học Kinh tế London: "Tôi nghĩ rằng đây là tình huống chưa từng có tiền lệ, nền chính trị và kinh tế Anh cũng từng có những biến động, giống như nhiều nước khác. Đôi khi là do một cuộc khủng hoảng kinh tế, đã từng có khủng hoảng đồng bảng Anh trong những năm qua, cũng từng có vấn đề về chính trị. Nhưng cả hai đến cùng một lúc như thế này, khi mà khủng hoảng chính trị kéo theo khủng hoảng tài chính và chính phủ phải tự giải cứu như hiện nay thì tôi cho là chưa từng có trước đây".
Người dân Anh vốn đang điêu đứng với lạm phát cao kỷ lục hơn 10% và những hóa đơn năng lượng nhiều nghìn bảng mỗi năm, còn cảm thấy bối rối hơn bởi những sự thay đổi liên tục người nắm giữ hầu bao của đất nước. Chỉ trong 4 tháng, đã có 4 Bộ trưởng Tài chính được bổ nhiệm thay thế.
Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel cho rằng: "Sự ổn định ở Anh là thực sự cần thiết, đặc biệt là trong thời điểm khủng hoảng hiện nay. Chúng ta đã chứng kiến cú sốc đối với nền kinh tế trong những ngày và tuần qua do một số định hướng không được ủng hộ bởi lĩnh vực tài chính ở Anh. Vì vậy, tôi hy vọng rằng nước Anh sẽ có một Thủ tướng có sự ủng hộ mạnh mẽ của đa số và một Chính phủ ổn định về lâu dài".
Những hỗn loạn vừa qua đã làm tổn hại tới hình ảnh của đảng Bảo thủ. Hiện tại, về lý thuyết, đảng này vẫn chiếm đa số trong nghị viện và phải còn hai năm nữa thì cuộc bầu cử quốc gia mới diễn ra. Song, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy triển vọng u ám của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử tiếp theo. Trong khi đó, Công đảng đang được dự đoán sẽ giành lợi thế áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử.
Ổn định kinh tế và khôi phục niềm tin
Việc bà Truss từ chức là một bước cần thiết để Chính phủ Anh tiến xa hơn trên con đường khôi phục sự tín nhiệm trong mắt thị trường tài chính. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều phải làm và người kế nhiệm bà Truss có nhiệm vụ lớn là định hướng nền kinh tế vượt qua cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt và cuộc khủng hoảng tín nhiệm.
Thị trấn Wokingham nằm ở phía Tây Nam thủ đô London, năm ngoái được xếp hạng là một trong số những thị trấn thịnh vượng nhất của Vương quốc Anh. Thế nhưng tại ngân hàng thực phẩm địa phương, lượt người đến nhận hỗ trợ trong tháng 8 vừa qua đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. Trong số những người có mặt tại đây, nhiều người chưa từng đến ngân hàng thực phẩm, nhiều người vẫn đang có việc làm ổn định.
Chị Denise Wright - Nhân viên Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS): "Tôi làm việc cho NHS từ 17 năm nay. Dù tôi làm việc 33 giờ mỗi tuần, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn vì chi phí sinh hoạt liên tục tăng, giá thực phẩm tăng cao. Trẻ con trong nhà thì lớn dần và cũng ăn uống nhiều hơn, tôi phải cân đối chi tiêu và quyết định dành tiền để chi trả hóa đơn năng lượng và các chi phí sinh hoạt khác hay ưu tiên cho thực phẩm".
Thống kê từ Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Anh cho thấy, khoảng 85% người dân Anh đã phải cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm do chi phí sinh hoạt tăng cao.
Giữa lúc người dân và doanh nghiệp Anh đang gặp khó khăn bởi nền kinh tế chưa thể vực dậy sau tác động của đại dịch, kế hoạch cắt giảm thuế của chính phủ cựu Thủ tướng Liz Truss lại khiến đồng Bảng mất giá, làm tăng chi phí thế chấp và gây ra thêm gánh nặng kinh tế.
Như doanh nghiệp đồ uống đóng chai Kingsland Drinks đã bị tác động không nhỏ khi đồng bảng Anh giảm mạnh so với USD. Những biến động về chính sách là một trong những nguyên nhân làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư.
Ông Ed Baker - Giám đốc Công ty Kingsland Drinks nói: "Tất cả những gì doanh nghiệp mong muốn là sự chắc chắn của các điều khoản chính sách. Chúng tôi cần điều đó để có thể lập kế hoạch, những thay đổi và biến động đột ngột của chính sách chẳng có ích lợi gì trong môi trường kinh doanh khi bạn muốn lên các kế hoạch".
Các nhà kinh tế nhất trí rằng vấn đề lớn nhất cần giải quyết của nước Anh hiện nay là tăng trưởng thấp, giống như nhận định của bà Liz Truss. Tuy nhiên, theo họ, giải pháp không phải là cắt giảm thuế như kế hoạch của bà Truss, mà phải là tăng năng suất. Hiện năng suất của Anh đã tụt hậu đáng kể so với các nước giàu ở châu Âu như Đức hay Pháp.
Thứ hai tuần tới, ngày 31/10, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt sẽ công bố kế hoạch tài chính mới, trong đó bao gồm các biện pháp mới đối với gói chính sách tài khóa của bà Truss mà ông này đã đảo ngược phần lớn kể từ lên nắm quyền. Kế hoạch của ông Hunt nhằm giảm tỷ lệ nợ công trên GDP của Anh trong trung hạn được kỳ vọng sẽ giúp khôi phục niềm tin vào tài chính công của Anh, góp phần ứng phó với khủng hoảng chi phí sinh hoạt và thúc đẩy kinh tế Anh phát triển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!