Đại lễ mở màn vào sáng 2/6 theo giờ địa phương bằng lễ diễu hành của Quân đội Hoàng gia Anh ở thủ đô London, với sự tham gia của 1.450 binh sĩ thuộc Ngự lâm quân và Biệt đội pháo binh Hoàng gia Anh và 400 nhạc công quân đội.
Xuất phát từ Cung điện Buckingham, lễ diễu hành đi dọc đại lộ the Mall đến tổng hành dinh của Hộ kỵ binh Hoàng gia Anh tại Westminter.
Kết thúc lễ diễu hành là màn bay biểu diễn của Không quân Hoàng gia Anh dưới sự chứng kiến của các thành viên Hoàng gia Anh từ ban công Điện Buckingham.
Khoảng 7.000 người có vé theo dõi lễ diễu hành từ khán đài Tổng hành dinh Hộ kỵ binh Hoàng gia. Nhiều màn hình lớn phát sóng trực tiếp được đặt tại nhiều địa điểm công cộng. Người dân cũng có thể theo dõi tại nhà các sự kiện được truyền hình trực tiếp.
Dự kiến trong bốn ngày Đại lễ, nước Anh sẽ tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có lễ diễu hành của đội tàu lớn trên sông Thames và kết thúc với một buổi hòa nhạc quy tụ nhiều ngôi sao tại Cung điện Buckingham.
Dấu ấn 70 năm trị vì của Nữ hoàng Anh
Với 70 năm trên ngai vàng, Nữ hoàng Elizabeth II là người có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử nước Anh. Bà không chỉ là người chứng kiến nhiều đổi thay ở xứ sở sương mù mà còn tận mắt thấy những biến động trên toàn thế giới. Theo nhận định của giới quan sát, trong suốt thời gian tại vị, Nữ hoàng Elizabeth II luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách thận trọng, đáng kính và đầy trách nhiệm.
7 thập niên trên ngai vàng của Nữ hoàng Elizabeth II cũng là khoảng thời gian của những biến động thời cuộc diễn ra liên tục. 7 thập niên đó cũng đã định hình một vị nữ hoàng gần gũi với dân chúng Anh.
Ông Robert Hardman - Tác giả cuốn tiểu sử "Cuộc đời của Nữ hoàng Elizabeth II" nói: "Tôi nghĩ rằng điều mà mọi người nhìn thấy ở bà là sự chân thực. Trong một thế giới mà các chính trị gia thường làm cho người ta phải thất vọng, thì bà ấy lại thuyết phục mọi người bởi sự chân thành. Bạn biết rằng bà ấy sẽ không khiến bạn thất vọng".
Ngày 2/6/1953, công chúa Elizabeth Windsor được trao vương miện Nữ hoàng Anh tại Tu viện Westminster ở London. Trong ngày đăng quang của mình, bà quyết định truyền hình trực tiếp sự kiện này.
Kể từ đó, nhiều sự kiện, hoạt động khác của Hoàng gia Anh cũng được truyền hình trực tiếp cho dân chúng cùng chứng kiến. Có thể kể đến hôn lễ của Thái tử Charles với Công nương Diana Spencer vào năm 1981, hay hôn lễ của Hoàng tử William và Công nương Kate Middleton năm 2011. Những sự kiện truyền hình trực tiếp đó đã tạo nên một sức sống mới cho Hoàng gia, mở ra những năm tháng đầy hứng khởi trong thời đại mới.
Nữ hoàng Elizabeth II đã trở thành biểu tượng cho sự đoàn kết của đất nước, giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân.
Bà Georgina Wagner - Viện Phụ nữ Streatham: "Nữ hoàng duy trì mối quan hệ cân bằng, dù là trong nước hay trên trường quốc tế. Tôi nghĩ không ai làm việc đó tốt hơn bà".
Trên bình diện quốc tế, Nữ hoàng Anh cũng luôn giữ lịch trình bận rộn với các chuyến thăm Ngoại giao. Trong 70 năm qua, bà đã đến thăm hơn 120 quốc gia.
Không chỉ là nguyên thủ của Anh, Nữ hoàng Elizabeth II còn là nguyên thủ của Khối Thịnh vượng chung, tổ chức liên chính phủ gồm 53 quốc gia thành viên, hầu hết từng là lãnh thổ của Đế quốc Anh. Ngoài Anh, bà còn là nữ hoàng của 15 quốc gia khác trong khối, trong đó có Canada, Australia và New Zealand.
Bước sang tuổi 96, Nữ hoàng Elizabeth II vẫn đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hoàng gia của mình. Và chưa từng đi ngược lại với lời hứa từ 70 năm trước: "Cả cuộc đời tôi, dù là ngắn hay dài, sẽ dâng hiến để phục vụ cho mọi người".
Chính sự tận tâm và cống hiến của Nữ hoàng Elizabeth II trong suốt 7 thập niên trên ngai vàng đã khiến người dân Vương quốc Anh kính trọng và ngưỡng mộ bà.
Bà Rosemary Richardson - 62 tuổi: "Tôi kính yêu Nữ hoàng vì bà ấy đã phụng sự quên mình 70 năm qua, cống hiến cả cuộc đời mình cho đất nước, tôi rất biết ơn bà vì điều đó. Tôi chỉ muốn đến và nói lời cảm ơn. Cảm ơn bà ấy vì sự cống hiến của bà".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!