Ảnh của David Monderer trong Bộ sưu tập của Hội Lịch sử New York
Bức ảnh được chụp bởi David Monderer vào sáng ngày 11/9/2001, chỉ vài giờ trước khi vụ khủng bố xảy ra. Trung tâm Thương mại Thế giới khi đó là một tổ hợp gồm 7 tòa nhà ở Lower Manhattan (khu trung tâm của quận Manhattan), New York, Mỹ. Tháp đôi là hai tòa cao nhất trong số đó. Đây là nơi có số lượng người làm việc hàng ngày và thăm quan lớn nhất của thành phố.
Hai tòa (tháp đôi) trong quần thể Trung tâm Thương mại Thế giới khi bị tấn công. Bức ảnh do Nicholas Kornfield chụp được và sau này được gửi tặng cho Bảo tàng 11/9.
"9/11" là từ viết tắt cho ngày 11/9/2001. Vào hôm đó, một nhóm gồm 19 người đàn ông đã khống chế và lao 2 chiếc máy bay vào tháp đôi và một chiếc khác lao vào Lầu năm góc ở thủ đô Washington DC. Nhóm khủng bố đã cố gắng lao chiếc máy bay thứ tư vào một tòa nhà khác nhưng các hành khách trên chuyến bay đã kháng cự nên chiếc máy bay đã lao xuống một cánh đồng thuộc bang Pennsylvania.
Vào thời điểm tháp đôi bị tấn công, có khoảng 17 nghìn người đang làm việc ở đó, phần lớn đã kịp chạy thoát. Ngay khi tòa tháp vừa bị tấn công, nhóm phản ứng đầu tiên (gồm cảnh sát, lính cứu hoả, nhân viên y tế) đã có mặt để đưa nạn nhân ra. Tuy nhiên, rất nhiều người trong số họ vẫn ở trong tòa tháp khi cả hai sụp thành đống tro tàn. Tổng cộng gần 3.000 người đã thiệt mạng…
Vào tháng 4/2003, gần 2 năm sau vụ khủng bố, Tập đoàn Phát triển Hạ Manhattan được thành lập để giám sát quá trình khôi phục lại khu vực trung tâm sau vụ 11/9. Công ty này đã tổ chức cuộc thi quốc tế để tìm kiếm thiết kế phù hợp nhất mang tính biểu tượng vĩnh cửu cho khu vực Trung tâm Thương mại trước kia.
Đã có 5.201 ý tưởng dự thi đến từ 62 nước trên thế giới. Sau nhiều vòng tuyển chọn, tới tháng 1/2004, thiết kế do kiến trúc sư Michael Arad và Peter Walker có tên Reflecting Absence (tạm dịch là Phản chiếu sự vắng mặt) đã giành chiến thắng và trở thành thiết kế chính thức cho khu tưởng niệm.
Trong bản thiết kế, ngay chính chân móng của hai tòa tháp cũ là hai thác nước không bao giờ ngừng chảy và được bao quanh bởi các lan can đồng, trên mặt có ghi tên đầy đủ của tất cả các nạn nhân của vụ 11/9 và cả các nạn nhân vụ đánh bom ở Trung tâm thương mại năm 1993. Khuôn viên khu tưởng niệm được bao bọc bởi hơn 400 cây sồi trắng. Những cây sồi được cho là "gan dạ" này đều được lấy từ các khu vực bị tấn công như New York, Virginia, Pennsylvania.
(Nguồn: Phóng viên Lê Tuyển)
Năm 2015, phóng viên Lê Tuyển lần thứ 2 sang Mỹ và là lần đầu tiên tác nghiệp tại khu tưởng niệm 11/9. Năm đó kỷ niệm 14 năm, nguy cơ về một cuộc tấn công khủng bố tương tự như cuộc 11/9 được cho là khó có thể xảy ra nhưng những mối đe doạ nhỏ lẻ bắt đầu nhen nhóm.
Khi đó, các tổ chức khủng bố như IS và Al-Qaeda vẫn lấy Mỹ là tâm điểm tấn công hoặc đe doạ. Trước dịp kỷ niệm 14 năm, vào ngày Lễ độc lập (4/7), hai tổ chức này đã đe doạ tấn công New York. Một kế hoạch đánh bom tại bang Kansas vào dịp 11/9 cũng đã bị triệt phá.
Các hành động như vậy vào thời điểm đó được các tổ chức khủng bố gọi là tấn công theo hình thức "những con sói đơn độc", nghĩa là những kẻ khủng bố không nhất thiết phải được đào tạo từ nước ngoài, thâm nhập vào Mỹ mà đơn giản là thân hay ủng hộ chủ nghĩa cực đoan vẫn có thể hành động một mình.
Phóng viên Lê Tuyển đã tình cờ chụp được những bức ảnh khu tưởng niệm với những chú chim bồ câu biểu tượng cho hoà bình. Khi đó, tòa One World Trade Center (thay thế tòa tháp đôi) đã chính thức được đưa vào sử dụng.
Tòa nhà ra đời với nhiều cải tiến hướng tới cả trường hợp xấu nhất là bị tấn công khủng bố như vụ 11/9, bao gồm:
- Lõi khẩn cấp chạy xuyên suốt tòa nhà theo chiều thẳng đứng ở trung tâm với hệ thống cáp thông tin, ống thông gió, ống nước, cầu thang bộ điều áp chuyên dụng, thang máy chống nước để lên xuống tòa nhà.
- Bê tông chống cháy kết dính cao, có thể chống đỡ một lực va chạm rất lớn.
- Cấu trúc lõi thép, xà dầm, các cột trụ chịu lực, sẽ kết nối với nhau để nếu mất đi 1 cột trụ chính thì trọng lực của tòa nhà sẽ dàn đều khắp công trình.
- Không khí cho các văn phòng từ bên trong tòa nhà sẽ được bố trí từ trên đỉnh. Bên cạnh đó, không khí tự nhiên trước khi đưa vào tòa tháp sẽ còn trải qua 2 lần lọc khác nhau nhằm đảm bảo tòa nhà sẽ có được không khí sạch, kể cả khi xảy ra tấn công bằng vũ khí sinh học hay hóa học
- Dưới chân tháp còn có bức tường an ninh đặc biệt với 3 lớp kính chịu lực, mỗi lớp cách nhau một khoảng chân không, được tăng cường bằng kết cấu thép chắc chắn, giúp tòa nhà chống chọi được các vụ nổ lớn.
Tổ hợp các tòa tháp và trung tâm thương mại mới
Năm 2016, Tập đoàn Phát triển Hạ Manhattan tiếp tục cho ra mắt tổ hợp các tòa tháp và trung tâm thương mại tiếp theo trong quần thể kiến trúc hồi sinh Trung tâm Thương mại Thế giới cũ.
Phóng viên Đài THVN cùng tác nghiệp với các phóng viên TTX và hình tổ hợp các tòa nhà trong tổ hợp thương mại mới
Tổ hợp này gồm 4 tòa nhà, một bảo tàng và một trung tâm thương mại kiêm bến tàu điện ngầm lớn mang tên Oculus. Nhóm phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam đã được mời tham dự buổi ra mắt.
Trung tâm thương mại Oculus
Trung tâm thương mại Oculus mở cửa cho công chúng vào tháng 3/2016, sau 12 năm xây dựng và tiêu tốn khoảng 4 tỷ USD.
"Oculus" trong tiếng Latin có nghĩa là "mắt", tác giả công trình là kiến trúc sư người Tây Ban Nha Santiago Calatrava. Có thể thấy, tổng thế của công trình với các cánh cửa kính, mái hình gai đã tạo nên hình dáng của con mắt.
Bên trong khu thương mại Oculus
Từ bên trong khu thương mại, khi ngước nhìn lên trời, người ta có thể nhìn thấy toàn bộ hình dáng của tòa tháp One Trade Center (tòa nhà mới). Cũng từ chính các cửa trời này, có thể thấy ánh mặt trời rọi xuống vào đúng vào 10h28 sáng - thời điểm tòa tháp thứ 2 sụp xuống. Vì thế trung tâm thương mại kết hợp bến tàu điện ngầm huyết mạch này thể hiện cho mong muốn hồi sinh và sự lạc quan sau những ký ức đau buồn, nó giống như những ánh nắng sớm mai, mang tới nguồn sinh khí mới.
(Nguồn: Phóng viên Lê Tuyển)
Trong hai năm gần đây, toàn bộ khu tổ hợp hồi sinh 11/9 đã đi vào hoạt động. Và sự khác biệt chưa bao giờ từng có trong dịp kỷ niệm 11/9 là ở các góc của khu tưởng niệm, người ta đặt thêm những lọ cồn diệt khuẩn, người vào thăm quan được yêu cầu đeo khẩu trang.
20 năm sau vụ khủng bố, khu vực Ground Zero đã hồi sinh hoàn toàn. Trùm khủng bố Osama bin Laden đã bị tiêu diệt, lực lượng Al-Qaeda cũng không còn như xưa. Tuy nhiên, hệ tư tưởng và động lực do Al-Qaeda tạo ra vẫn còn ảnh hưởng rất lớn.
Và thật không may, dù 20 năm đã qua nhưng những người Hồi giáo sinh sống ở Mỹ vẫn đang phải gánh chịu những ánh mắt và sự đối sử mang tính kỳ thị.
Năm 2017, Trung tâm Nghiên cứu Pew đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với người Hồi giáo sống ở Mỹ. Kết quả cho thấy, gần một nửa trong số những người tham gia khi đó cho biết, ít nhất họ bị kỳ thị 1 lần trong năm 2016.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Sahar Alsahlani - Uỷ viên Hội đồng Người Hồi giáo tại Mỹ - cho biết: "Cuộc sống của người Hồi giáo tại Mỹ đã thay đổi hoàn toàn. Chúng tôi luôn cảm thấy mặc cảm và không còn tự tin để mặc những bộ quần áo, khăn trùm truyền thống mỗi khi ra đường".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!