Ngày 11/9 cách đây 20 năm, nước Mỹ đã bị tấn công ngay giữa "trái tim". Biểu tượng thịnh vượng của nước Mỹ ở New York sụp đổ. Trong 20 năm qua, nhiều bài học đã được nước Mỹ rút ra từ sự kiện 11/9 và các cuộc chiến dài bất tận ở Trung Đông mà quân đội Mỹ đã can dự. Nước Mỹ đã thay đổi vĩnh viễn từ ngày đó.
Nỗi đau còn mãi nhưng sự hồi sinh vẫn tiếp diễn
Sáng 11/9, lễ tưởng niệm 20 năm xảy ra vụ tấn công khủng bố thảm khốc nhằm vào nước Mỹ được tổ chức trang trọng tại ba bang New York, Virginia và Pennsylvania.Những nỗi đau chưa phai mờ và người Mỹ được kêu gọi cùng đoàn kết để tiến lên phía trước.
"Dù thời gian đã trôi qua bao lâu, những kỷ niệm khiến mọi thứ đau đớn trở lại như thể bạn vừa nhận được tin tức cách đây vài giây. Đoàn kết là sức mạnh lớn nhất của chúng ta. Đoàn kết không có nghĩa là chúng ta phải tin vào điều giống nhau, nhưng chúng ta phải có một sự tôn trọng và niềm tin cơ bản vào nhau và vào đất nước" - Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh tại lễ tưởng niệm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong lễ tưởng niệm vụ khủng bố 11/9. (Ảnh: AP)
Ngày 11/9/2001 là ngày nước Mỹ không thể quên. Biểu tượng của sự hưng thịnh ở New York bỗng chốc sụp đổ. Lầu năm góc ở thủ đô Washington bốc cháy. Gần 3.000 người thiệt mạng, 6.000 người bị thương. Thiệt hại kinh tế của nước Mỹ lên tới gần 3 nghìn tỷ USD. Dù 20 năm đã trôi qua nhưng sự kiện ngày hôm đó vẫn ám ảnh với người Mỹ.
Khuôn viên khu tưởng niệm (Nguồn: 911memorial)
Giờ đây, tại chính nơi tòa tháp đôi từng tọa lạc là hai hồ nước vuông vắn với chiều sâu tương đương một tòa nhà 6 tầng trên diện tích mặt sàn của hai tòa tháp trước đây. Khi đứng trước hai hố sâu thăm thẳm không thể thấy đáy với dòng thác nước xối xả không ngừng, mỗi du khách ghé thăm dường như có thể cảm nhận được nỗi đau mà hàng nghìn người vô tội và người thân của họ phải hứng chịu bất chấp dòng chảy thời gian.
Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, mỗi ngày, hàng nghìn người đổ về nơi đây không chỉ để tưởng niệm những nạn nhân vô tội mà còn để chứng kiến sự đổi thay ngoạn mục của nơi mà cách đây 20 năm đã biến thành đống đổ nát chỉ sau vài giờ đồng hồ. Không khí đã sầm uất trở lại và người New York đã cảm nhận được sự hồi sinh của nơi này.
20 năm cuộc chiến chống khủng bố của nước Mỹ
Sau sự kiện 11/9, để bảo vệ an ninh cho nước Mỹ, Nhà Trắng đã phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Mỹ đã tấn công Afghanistan, quốc gia bảo trợ cho lực lượng Al-Qaeda. Những cuộc chiến chủ yếu diễn ra tại Trung Đông kéo dài tới 2 thập kỷ và gây nhiều hệ lụy cho nước Mỹ.
Một tuần sau sự kiện 11/9/2001, Tổng thống George W. Bush tuyên bố: "Cuộc chiến chống khủng bố của chúng ta bắt đầu với Al-Qaeda nhưng sẽ không kết thúc ở đó".
Ngày 7/10/2001, các cuộc không kích của Mỹ và Anh được thực hiện ở Afghanistan nhắm vào các căn cứ của Taliban và Al-Qaeda cũng như các mục tiêu khác.
Ngày 19/3/2003, lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu xâm lược Iraq dựa trên tuyên bố rằng nhà lãnh đạo Saddam Hussein đang phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Ngày 1/12/2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama ra lệnh tăng quân ở Afghanistan, nâng tổng số binh lính lên đến 100.000 quân ở Afghanistan.
Ngày 31/8/2010, Tổng thống Obama tuyên bố chấm dứt các hoạt động quân sự của Mỹ ở Iraq.
Ngày 2/5/2011, Osama bin Laden bị lực lượng Hoa Kỳ tiêu diệt trong một cuộc đột kích ở Abbottabad, Pakistan.
Ngày 18/12/2011, những người lính Mỹ cuối cùng đã rời khỏi Iraq. Tuy nhiên, những ngày tháng hỗn loạn ở Iraq và Trung Đông vẫn tiếp diễn. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng xuất hiện, bắt đầu xâm chiếm lãnh thổ ở Iraq và sau đó là ở Syria.
Ngày 28/12/2014, Tổng thống Obama chính thức kết thúc "sứ mệnh chiến đấu" của Mỹ và NATO ở Afghanistan, để lại khoảng 11.000 binh lính Mỹ.
Ngày 29/2/2020, Chính quyền Tổng thống Trump và Taliban ký một thỏa thuận, theo đó, Mỹ đồng ý rút toàn bộ lực lượng của mình trước ngày 1/5/2021. Đổi lại, Taliban cam kết ngăn chặn Al-Qaeda hoạt động trong các khu vực do lực lượng này kiểm soát.
Ngày 14/4/2021, Tổng thống Joe Biden ra lệnh rút vô điều kiện tất cả các lực lượng còn lại của Mỹ khỏi Afghanistan, dự kiến hoàn thành vào ngày 11/9, đúng dịp kỷ niệm 20 năm vụ tấn công 11/9.
Tháng 7 - 8/2021, lực lượng ủng hộ chính phủ sụp đổ trên khắp Afghanistan và Taliban đã chiếm Kabul, ngay cả trước khi lực lượng Mỹ rút lui hoàn toàn.
Ngày 30/8/2021, những người lính Mỹ cuối cùng đã rời khỏi Afghanistan sau một cuộc rút quân hỗn loạn.
Chiếc CH-47 Chinook được đưa lên máy bay vận tải của Mỹ để rời khỏi Afghanistan (Ảnh: Reuters)
Một thực tế phũ phàng là sau khi mất đi hàng chục nghìn sinh mạng và chi hàng nghìn tỷ USD cho cuộc chiến chống khủng bố, Washington đã không thu nhận được nhiều từ những cuộc chiến sau ngày 11/9 cách đây 20 năm. Tổng thống Saddam Hussein đã bị Mỹ lật đổ tại Iraq nhưng giờ đây, Iran - đối thủ của Mỹ - mới là nước có ảnh hưởng lớn tại Iraq. Và ngay trước lễ kỷ niệm 20 năm cuộc tấn công 11/9 của Al-Qaeda vào New York và Washington, tổ chức bảo trợ cho Al-Qaeda là Taliban đã trở lại nắm quyền ở Afghanistan.
"Mỹ tiến vào Afghanistan với danh nghĩa chống khủng bố nhưng trên thực tế, họ đã chiến đấu chống lại lực lượng khủng bố chỉ trong 2 tháng tại quốc gia này. Họ phát động cuộc chiến vào ngày 7/10/2001 và đến tháng 12, họ bao vây và giải tán Al-Qaeda trong trận chiến ở Tora Bora. Và sau đó họ chuyển sự chú ý sang Iraq" - ông Li Shao Xian từ Học viện Arab, Đại học Ninh Hạ, Trung Quốc cho biết.
Ông Li Shao Xian - Học viện Arab, Đại học Ninh Hạ, Trung Quốc
"Họ có những mục tiêu khác. Một mục tiêu chiến lược lớn hơn đằng sau sự can dự của họ vào Afghanistan là nếu họ định cư ở nước này, bằng cách chiếm vùng đất trung tâm của lục địa Á - Âu, họ sẽ đạt được một lợi thế về mặt địa chính trị, từ đó họ có thể kiềm chế các cường quốc khác một cách chiến lược"
20 năm tham chiến ở Trung Đông, Mỹ đã thực hiện được 4 mục tiêu, đó là chống khủng bố, ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, hỗ trợ an ninh cho Israel, đảm bảo việc khai thác và vận chuyển năng lượng một cách an toàn và tự do ở vịnh Persian.
Về ngoại giao, Mỹ cũng hoạt động tích cực. Dưới thời Tổng thống Obama, thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết giữa Chính quyền Tehran với nhóm P5+1. Cựu Tổng thống Trump đã xây dựng liên minh quân sự các nước Arab, hòa giải mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Qatar, thúc đẩy Israel và các nước Arab thiết lập quan hệ ngoại giao, đưa ra "thỏa thuận thế kỷ" để giải quyết xung đột Israel - Palestine. Tuy nhiên, đây cũng là thỏa thuận vấp phải nhiều phản đối do không tôn trọng nguyên tắc hai nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại hòa bình.
Sau 20 năm, chiến lược Đại Trung Đông của Mỹ đã để lại không ít hệ lụy. Tâm lý chống Mỹ ở Trung Đông gia tăng. Nước Mỹ bị chia rẽ vì cuộc chiến chống khủng bố. Một sự thật phũ phàng khác cũng phải được thừa nhận là chủ nghĩa khủng bố đã không được tiêu diệt tận gốc mà trái lại, hiểm họa này đang lan rộng khắp thế giới.
Chính những bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi đã tạo ra làn sóng người tị nạn tràn sang châu Âu, đẩy các quốc gia của châu lục này rơi vào tình thế bất đồng và chia rẽ. Tới nay, tầm quan trọng của Trung Đông giảm xuống, Mỹ dần thu hẹp chiến lược ở khu vực này. Tuy nhiên, thu hẹp chiến lược chắc chắn để lại khoảng trống quyền lực, sự tranh giành khoảng trống sẽ phá hoại cục diện chiến lược cũ và cục diện mới lại chưa chắc phù hợp với lợi ích của Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!