Nước Pháp đoàn kết sau bạo loạn, Tổng thống Macron chỉ thị chấn chỉnh mạng xã hội

Nguyễn Mai - An Ngọc-Thứ năm, ngày 06/07/2023 11:27 GMT+7

VTV.vn - Tin giả, hình ảnh giả tràn lan trên mạng xã hội như đổ thêm dầu vào lửa, khiến cuộc bạo loạn tại Pháp trở nên căng thẳng hơn trong những ngày qua.


Nước Pháp hướng tới đoàn kết, chứ không phải chia rẽ

Những ngày vừa qua, tin tức quốc tế được quan tâm nhất có lẽ là những cuộc biểu tình biến thành bạo loạn tại Pháp. Tình hình trở nên căng thẳng sau khi thiếu niên 17 tuổi Nahel bị cảnh sát bắn chết sau khi không tuân thủ hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra giao thông.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp mới tuyên bố tình trạng bạo loạn đã chấm dứt, tình hình an ninh tại Pháp đang dần trở lại bình thường. Dường như sau cơn bão, người ta lại nhìn thấy một nước Pháp bao dung với các ý kiến mang tính xây dựng được lan tỏa nhiều hơn. Những thông điệp nhận được nhiều sự hưởng ứng tại Pháp lúc này là: "Bạo lực không giải quyết được vấn đề gì", hay "Đã đến lúc bạo lực phải chấm dứt để nhường chỗ cho đối thoại và tái thiết".

Khi nhìn lại những ngày vừa qua, chính gia đình của nạn nhân Nahel cũng đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt các hành vi quá khích.

Bà của Nahel nói: "Tôi phẫn nộ với viên cảnh sát đã bắn chết cháu tôi, nhưng những người đang đập phá ngoài kia, xin hãy dừng lại. Đừng lấy Nahel ra làm cớ. Đừng phá cửa hàng, trường học. Xe bus hay trường học không có tội tình gì cả. Tất cả nên bình tĩnh lại. Vậy thôi, tôi mệt rồi. Tôi không thể chịu đựng chuyện này thêm được nữa".

Nước Pháp đoàn kết sau bạo loạn, Tổng thống Macron chỉ thị chấn chỉnh mạng xã hội - Ảnh 2.

Xe bus bị người biểu tình đốt phá tại Aubervilliers, phía Bắc Paris, Pháp ngày 30/6/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Không chỉ người nhà của nam thanh niên da màu, mà một thần tượng đối với cộng đồng thanh niên da màu nói riêng cũng đã lên tiếng về vấn đề này.

Cầu thủ bóng đá Kylian Mbappe: "Chúng ta hiểu bản chất, nhưng chúng ta không thể tán thành hình thức này. Chúng ta chia sẻ cảm xúc đau buồn. Đau khổ này lại cộng thêm việc chứng kiến quá trình tự hủy hoại thực sự bất lực. Bạo lực không giải quyết được vấn đề gì".

Tại những vùng ngoại ô Paris, những thiếu niên nghèo khó luôn nhìn vào tấm gương cầu thủ bóng đá Mbappe để hy vọng một ngày chúng có tương lai tốt đẹp hơn. Và những lời tâm sự của Mbappe thực sự rất quan trọng, vừa tưởng nhớ Nahel, vừa bày tỏ mong muốn tình hình dịu đi.

Cũng nhằm kêu gọi sự đoàn kết trong dân chúng, các thị trưởng trên khắp nước Pháp đã tổ chức tuần hành với lời kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo loạn. Lời kêu gọi người dân giúp lập lại trật tự được đưa ra trong bối cảnh tình trạng biểu tình bạo loạn và cướp bóc hôi của đã gây thiệt hại kinh tế 1,1 tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế mưu sinh của rất nhiều người dân Pháp.

Đường phố Paris dần trở lại với sự bình yên vốn có của nó. Xe cộ lưu thông chậm rãi, người đi bộ trên đường có thể yên tâm phần nào, dù các cửa tiệm tại một số tuyến phố vẫn đóng cửa.

Nước Pháp đoàn kết sau bạo loạn, Tổng thống Macron chỉ thị chấn chỉnh mạng xã hội - Ảnh 3.

Vincent Jeanbrun, Thị trưởng L'Hay-les-Roses, (giữa) phát biểu tại mít tinh phản đối bạo loạn hôm 3/7. (Ảnh: Reuters)

Mạng xã hội làm trầm trọng thêm bạo loạn tại Pháp

Khi nhắc tới đợt bạo loạn vừa qua tại Pháp, các mạng xã hội đã bị Chính phủ Pháp lên án là đã kích động làn sóng bạo lực. Thông tin Bộ Nội vụ Pháp cho biết, trong số 2.000 người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình và bạo loạn vừa qua, độ tuổi trung bình của họ là 17, tức là còn rất trẻ. Những người trẻ này đã bị kích động khi tin giả lan truyền trên các mạng xã hội. Tổng thống Macron chỉ đích danh các nền tảng mạng xã hội và trò chơi điện tử đã góp phần làm trầm trọng thêm bạo lực tại Pháp trong tuần qua.

Đoạn video ghi lại thời điểm hai cảnh sát tiếp cận chiếc xe Mercedes màu vàng mà thiếu niên Nahel, 17 tuổi đang điều khiển. Cảnh sát cho biết, Nahel không tuân thủ lệnh dừng xe và có nguy cơ phương tiện sẽ gây nguy hiểm cho cảnh sát và người đi đường. Chiếc xe lao đi, một cảnh sát nổ súng, chiếc xe sau đó đâm vào cột điện. Nahel tử vong. Viên cảnh sát bị cáo buộc ngộ sát, nhưng tội danh sau đó đã chuyển sang mức độ nặng hơn là cố ý giết người.

Ông Gérald Darmanin - Bộ trưởng Nội vụ Pháp cho biết: "Công tố viên đã thông báo quyết định đình chỉ đối với viên sĩ quan cảnh sát liên quan đến vụ án này. Tôi khẳng định vụ việc sẽ được điều tra một cách minh bạch".

Mặc dù nhà chức trách Pháp đã bắt giữ và đang tiến hành thủ tục tố tụng với viên cảnh sát gây ra cái chết của Nahel, tuy nhiên trên mạng xã hội như Snapchat, Tiktok, các nội dung kích động bạo lực vẫn lan truyền.

Nước Pháp đoàn kết sau bạo loạn, Tổng thống Macron chỉ thị chấn chỉnh mạng xã hội - Ảnh 4.

Anh Mohammed - Tài xế xe bus, ngoại ô Paris nói, chúng tôi là người chịu ảnh hưởng từ các cuộc bạo loạn này

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định: "Các nền tảng truyền thông xã hội đóng một vai trò quan trọng trong các sự kiện trong vài ngày qua. Snapchat, TikTok và một số nền tảng khác liên quan đến việc tổ chức các cuộc tụ tập bạo lực và bắt chước bạo lực, mà những người trẻ tuổi nhất khởi xướng".

Trên các nền tảng này, tên và địa chỉ của viên cảnh sát đã bắn Nahel thậm chí còn bị công khai, gây nguy hiểm cho bản thân và gia đình người đó, đồng thời kích động các đối tượng quá khích. Đặc biệt, các tin giả, hình ảnh giả lan tràn đã đổ thêm dầu vào lửa.

Bức ảnh được đăng trên mạng xã hội twitter ngày 2/7 thu hút hơn 1,7 triệu lượt xem, với chú thích: Pháp, bức ảnh trong ngày - mô tả một nhóm thanh niên lái xe cảnh sát trên đường phố. Thế nhưng thực tế đây là một cảnh quay trong bộ phim Pháp mang tên Athena được thực hiện hồi năm 2022 nói về bạo loạn ở vùng ngoại ô Paris.

Tệ hơn, bức ảnh về những chiếc ô tô lao xuống từ nhà cao tầng được mô tả là đang xảy ra ở nước Pháp, thì lại là cảnh lấy từ bộ phim Fast and Furious phần 8 được quay ở Cleveland, bang Ohio, Mỹ.

Trong một động thái quyết liệt, giới chức Pháp cho biết, sẽ làm việc với các trang truyền thông xã hội để gỡ bỏ các nội dung nhạy cảm nhất và xác định những đối tượng đã kêu gọi bạo loạn hoặc làm trầm trọng thêm bạo lực.

Nước Pháp đoàn kết sau bạo loạn, Tổng thống Macron chỉ thị chấn chỉnh mạng xã hội - Ảnh 5.

Bạo loạn gây thiệt hại 1,1 tỷ USD

Các hành vi bạo loạn, cướp phá các cửa hàng tại một loạt thành phố tại Pháp bắt đầu từ chiều tối ngày 27/4. Thống kê sơ bộ cho thấy, 450 cửa hàng lớn nhỏ bị cướp phá, 300 chi nhánh ngân hàng bị phá hoại, hàng trăm xe ô tô bị đốt. Thiệt hại kinh tế lên tới 1,1 tỷ USD. Cuộc sống người dân ở nhiều địa phương bị xáo trộn lớn.

Anh Mohammed - Tài xế xe bus, ngoại ô Paris nói: "Có rất nhiều thứ đã bị cướp phá. Ngày mai tôi phải đến ngân hàng, rồi còn đi mua đồ tạp hóa nhưng chắc là chẳng mua được gì. Chúng tôi sống ở ngoại ô, không còn bất cứ chuyến tàu điện hay xe bus nào để về nhà vào buổi đêm. Ngay công việc của tôi cũng bị cắt giảm vì an ninh. Chính chúng tôi là người chịu ảnh hưởng từ chuyện này".

Các nhà nghiên cứu ở Pháp cho rằng, nguồn gốc của bạo lực là do những nhóm người quậy phá, đa số là những người nhập cư, thất nghiệp, sống ở những khu ngoại ô nghèo, lười lao động và bất mãn. Những thành phần này thường nhanh chóng xuất hiện ở các cuộc tuần hành hoặc nơi tụ tập đông người, nhằm lợi dụng cơ hội để đốt phá, cướp bóc, hôi của.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron xác nhận, đã gặp các thị trưởng của 220 thành phố chịu thiệt hại do làn sóng bạo loạn, với hy vọng "làm rõ vụ việc để tìm hiểu lý do sâu xa của tình trạng này". Nhưng trên hết, thông điệp mà Tổng thống Pháp gửi đến người dân và các bậc cha mẹ là cần cảnh giác với sức lôi kéo của mạng xã hội, khi mà "Internet đang có ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em và thanh thiếu niên tại Pháp".

Nếu như 19 năm trước, mạng xã hội còn chưa ra đời, thì hiện nay, các ứng dụng này đang đặt ra những lo ngại về an ninh tại nhiều quốc gia, mà nước Pháp là một ví dụ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước