Báo cáo của OECD vừa được công bố ngày 30/1 nêu rõ Australia hiện là một trong những nền kinh tế phát triển phát thải nhiều khí carbon nhất. Quốc gia này sẽ không thể đạt mục tiêu về khí thải vào năm 2030 nếu không nỗ lực chuyển đổi sang mô hình carbon thấp.
Với 50 khuyến nghị được hoạch định chi tiết, OECD cho rằng Australia cần phải điều chỉnh các chính sách vĩ mô ổn định và mạnh mẽ hơn nữa để đối phó với biến đổi khí hậu. Báo cáo khẳng định Australia đã có biện pháp để giảm phát thải, song chính phủ nước này cần hợp lý hóa cách tiếp cận và làm rõ cách thức mà các công cụ mới và hiện có được sử dụng nhân rộng để đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. OECD cũng khuyến nghị Chính phủ Australia cần làm rõ hơn nữa vai trò của Quỹ Giảm phát thải và cơ chế tự vệ để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu. Tổ chức này lưu ý nhiệt độ trung bình tại Australia đã tăng lên 0,9 độ C trong vòng 60 năm qua.
Ông Anthony Cox, Phó Giám đốc về môi trường của OECD, nhận xét Australia là nơi sinh sống của 1/10 các loài sinh vật trên thế giới. Nơi đây có môi trường rất gần với các khu vực ven biển tự nhiên hoang sơ và hẻo lánh. Nhưng Australia đang ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các hiện tượng tự nhiên, như mực nước biển dâng cao, lũ lụt, sóng nhiệt, cháy rừng và hạn hán. Điều này cho thấy ý nghĩa quan trọng của việc đất nước lớn nhất khu vực Thái Bình Dương cần đóng vai trò chủ động hơn nữa trong các hoạt động chống biến đổi khí hậu và tìm giải pháp giảm thiểu sự mất đa dạng sinh học.
Australia đã cam kết sẽ cắt giảm từ 26-28% lượng khí thải của năm 2007 vào năm 2030. Bất chấp việc Thủ tướng Australia Scott Morrison (Xcốt Mô-ri-xơn) khẳng định sẽ đạt được mục tiêu đề ra, các kế hoạch hiện nay của chính phủ vẫn cho thấy khả năng khó có thể đạt mục tiêu này./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!