Đợt lũ lụt lịch sử đã gây thiệt rất nghiêm trọng về người và của ở Pakistan. (Ảnh: AP)
Hiện nay, lo ngại về các bệnh lây truyền qua đường nước, bao gồm dịch tả và sốt xuất huyết, ở các khu vực lũ lụt ở Pakistan đang gia tăng.
Lũ lụt do mưa gió mùa kỷ lục và sông băng tan chảy ở các vùng núi phía Bắc Pakistan cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.400 người và ảnh hưởng đến trên 33 triệu người, cuốn trôi nhà cửa, đường bộ, đường sắt, vật nuôi và cây trồng. Thiệt hại hiện dự kiến lên tới hơn 30 tỷ USD, cao gấp ba lần so với ước tính trước đó là khoảng 10 tỷ USD.
"Karachi đang chứng kiến sự bùng phát của bệnh sốt xuất huyết khi có từ hàng trăm đến hàng nghìn người nhập viện mỗi ngày tại các bệnh viện chính phủ và tư nhân. Số ca mắc sốt xuất huyết năm nay cao hơn năm 2021 tới 50%. Với 584.246 người đang có mặt trong các trại tạm trên khắp đất nước, cuộc khủng hoảng sức khỏe có thể tàn phá Pakistan nếu nó không được kiểm soát", Bộ trưởng Bộ Khí hậu Pakistan Sherry Rehman cho biết hôm 12/9.
Ông Rehman cảnh báo, Pakistan hiện đang đối mặt với viễn cảnh thiếu lương thực nghiêm trọng do có tới 70% cây trồng chủ lực như lúa và ngô bị phá hủy, và cần khẩn cấp "lương thực, lều trại cũng như thuốc men".
Sẽ cần tới 3 - 6 tháng để nước lũ rút hết tại các vùng bị ảnh hưởng nhất bởi lũ lụt ở Pakistan. (Ảnh: AP)
Nước lũ dâng cao cũng vẫn là một nguy cơ, đặc biệt là ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề dọc theo sông Indus ở tỉnh Sindh. Các dự báo khí tượng cho thấy, mưa liên tục dự kiến sẽ kéo dài trong tháng 9 này.
Trong một tuyên bố hôm 12/9, Tỉnh trưởng tỉnh Sindh Murad Ali Shah cho biết, mưa gió mùa kéo dài sẽ khiến thời gian cần thiết để nước rút tăng lên, với ước tính từ 3 đến 6 tháng ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ông Rehman nói thêm rằng hồ Manchar, hồ nước ngọt lớn nhất của nước này, đã bị tràn từ đầu tháng 9, trong đó nước lũ ảnh hưởng đến hàng trăm ngôi làng và hơn 100.000 người.
"Chúng tôi đang nỗ lực hết mình để cung cấp thuốc men cho người dân ở 81 huyện bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Tuy nhiên, đây vẫn là những ước tính ban đầu vì dữ liệu mới đang được đưa ra trên thực địa", Tỉnh trưởng tỉnh Sindh nói.
Chính phủ Pakistan và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng biến đổi khí hậu trên toàn cầu là nguyên nhân khiến thời tiết khắc nghiệt trở nên tồi tệ hơn, gây ra thảm họa mưa lũ đã nhấn chìm 1/3 nước này.
Trong chuyến thăm hai ngày tới vùng lũ lụt tàn phá của Pakistan, ông Guterres bày tỏ "tình đoàn kết sâu sắc với người dân Pakistan trước những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do lũ lụt năm nay gây ra" và gặp Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif để bàn thảo về việc ứng phó với thảm họa.
Ngày 9/9, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ Pakistan ứng phó với lũ lụt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!